Thời gian gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT-BVNTD), Bộ Công thương liên tục đưa ra cảnh báo trước những mô hình, dự án được giới thiệu là “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “sàn thương mại điện tử tràn tầng” hay “đa cấp thời đại 4.0” hoạt động trái phép.
Bị cáo Lê Xuân Giang, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Liên Kết Việt trong phiên xét xử ngày 24-12. Ảnh: TTX |
Hứa hẹn viển vông
Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, YouTube, nhóm mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, TelegramX…) như là “sân chơi” của những bạn trẻ khởi nghiệp hay doanh nhân muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư các loại tiền điện tử thông qua các ứng dụng internet như sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội phân quyền, hệ sinh thái số, hay qua dạng mô hình tiếp thị liên kết.
Qua rà soát các nội dung trên, Cục CT-BVNTD đánh giá một số các dự án, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép. Có thể kể đến các website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn. Các dự án này tự khoe khoang có quy mô mang tầm quốc tế, sứ mệnh thời đại 4.0, lấy lợi ích cộng đồng làm động lực phát triển, giải quyết được nhiều vấn đề, là dự án “đi tắt đón đầu” và thường được gắn với nhiều giấy chứng nhận mang tầm quốc tế giả mạo. Kèm đó là đưa ra rất nhiều chiêu “dụ dỗ” khách hàng, như thúc giục bỏ tiền tham gia đầu tư phát triển dự án với hoa hồng, thu nhập cao ngất ngưởng, người tham gia không cần tính toán cũng nhanh chóng đổi đời.
Tuy nhiên, thành quả kinh doanh hay kết quả đầu tư của người tham gia lại không được cấp giấy chứng nhận hay xác nhận chính thức nào từ một pháp nhân theo quy định pháp luật Việt Nam, mà chỉ được ghi nhận thông qua tài khoản của người tham gia hiển thị trên giao diện website. Do đó, người tham gia đầu tư sẽ không có căn cứ để yêu cầu đòi quyền lợi khi gặp vấn đề trục trặc kỹ thuật trên hệ thống hoặc những chủ dự án hay người giới thiệu cố tình thoái thác trách nhiệm. Cách thức hoạt động của các sàn giao dịch này là nhà đầu tư tạo ra tài khoản để rút, nạp tiền. Sau đó tạo thêm tài khoản để giao dịch trên thị trường trao đổi ngoại hối và gửi tiền cho ban chuyên gia. Tham gia sàn giao dịch này được hứa hẹn mỗi tháng sẽ kiếm lời tới hơn 20%. Những người giới thiệu người khác tham gia mở tài khoản trên sẽ được phí hoa hồng dựa trên số tài sản và khối lượng giao dịch của khách hàng.
Không bỏ sót cả người cao tuổi
Chiêu dụ hết giới trẻ, gần đây, các đối tượng kinh doanh hàng đa cấp cũng không “bỏ sót” người già. Bà V.K.N ở quận Tân Bình, TPHCM, nghỉ hưu đã 6 năm, ở nhà chăm cháu nội cho con cái đi làm, nhưng dịch Covid-19 vừa qua đã khiến 5 đứa con (kể cả dâu, rể) của bà bị mất việc, giảm thời gian làm việc nên đời sống khó khăn. Khi nghe được thông tin tuyển dụng “bán hàng siêu thị, làm 8 giờ/ngày, lương 8 triệu đồng/tháng, ưu tiên cho người hưu trí” qua người bạn, bà N. liền tìm đến trụ sở chính của công ty tại quận Tân Phú và được nữ nhân viên quản lý tên B. (hơn bà N. 2 tuổi) bố trí bà vào lớp đào tạo 3 ngày miễn phí. Bà N. cho biết, lớp học có khoảng 20 người, đa số ở độ tuổi 50-60, tất cả đều được huấn luyện theo phương thức “một kèm một” với nội dung tập trung nói về các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, thực phẩm chức năng… Kết thúc khóa học, vì có bằng đại học nên bà N. được phân công đào tạo học viên mới, nội dung y như bà vừa được “đào tạo”, lương 10 triệu đồng/tháng, làm việc tại văn phòng trụ sở, nhưng phải mua 5 bộ đồng phục với giá 500.000 đồng/bộ...
Thời gian qua, trên mạng xã hội và nhiều tài khoản Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải chia sẻ các bài viết, video quảng cáo của các sàn giao dịch tự giới thiệu kinh doanh về lĩnh vực ngoại hối như: Lion Group, Fxpro, FT Maket, Bonus Deposit... Tại Nghệ An, ngành giáo dục tỉnh này đã lên tiếng cảnh báo vì có nhiều giáo viên bị lôi kéo, rủ rê tham gia vào sàn giao dịch. Nữ hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Thanh Chương cho hay, thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, giáo viên và học sinh phải ở nhà hoặc học online, cô luôn bị làm phiền bởi những tin nhắn lôi kéo vào nhóm có tên Lion Group từ chính các đồng nghiệp. Không ít giáo viên đã bỏ tiền tham gia vào nhóm này, thậm chí có người vay hàng trăm triệu đồng để đầu tư vì thấy “không làm mà vẫn có tiền”. Và kết cục là đều bị dính bẫy đa cấp.
ĐỖ TRUNG |
Theo DŨNG LÊ (SGGPO)