Kinh tế

Mắc cọp lần đầu đến Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có tên gọi rất lạ, trái “mắc cọp” hay còn được gọi là lê nâu có xuất xứ từ Lạng Sơn lần đầu tiên được đưa về Phố núi.
 

Ảnh: Tú Uyên
Ảnh: Tú Uyên

Lê nâu, loại trái cây mà người dân tộc Mông vẫn thường gọi là “mắc cọp” có cùng giống với trái lê màu vàng lâu nay chúng ta quen dùng nhưng tròn và to hơn một chút. Đây là loại quả được trồng trên vùng cao Lạng Sơn mà theo như người bán quảng bá thì lê nâu có tác dụng bổ phế tiêu đờm, là bài thuốc quý mà dân gian thường dùng để chữa các bệnh liên quan đến đường hô hấp. So với các thức ăn thực vật, lê là loại có nhiều chất xơ có vai trò quan trọng trong tiêu hóa và chuyển hóa.

Cây lê nâu ra hoa vào tháng 3, 4 và bắt đầu thu hoạch vào tầm tháng 8, 9. Loại quả này khi chưa chín có màu xanh, chín thì chuyển vàng phớt nhẹ và chín kỹ thì lại có màu nâu vàng. Anh Nguyễn Huy Toàn-một người bán trái cây hướng dẫn: “Trái lê nâu màu phớt vàng ăn sẽ giòn hơn vì vừa chín tới, trái nào màu nâu đậm thì sẽ mềm hơn. Tùy vào sở thích người dùng”. Mắc cọp đầu mùa có giá 50 ngàn đồng/kg. Vì lần đầu có mặt tại Phố núi nên khá thu hút người dân vì vẻ ngoài lạ lẫm của nó. Khác với những thức quả quen thuộc như vải, nhãn, chôm chôm…, năng suất tiêu thụ quả lê nâu thấp hơn nhiều. Anh Toàn cho biết, đa số người dân đi qua chỉ quan sát bởi quả lạ rồi bỏ đi  chứ chưa mua về dùng nhiều. Thay vì một ngày bán từ 1 đến 2 tạ như những quả trước, phải đến 3-4 ngày, đội của anh mới bán hết 2 tạ lê nâu.

Lê nâu có mùi thơm dịu nhẹ, ăn vào vị ngọt đậm chứ không thanh như trái lê vàng. Có một dĩa lê nâu trên bàn ăn dùng tráng miệng sau bữa cơm sẽ rất bổ và lạ mắt. Đây chắc chắn sẽ là đề tài nóng cho bữa cơm gia đình ấm cúng.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm