Thời sự - Bình luận

Mạch sống không thể tách rời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ trong vòng 1 tuần qua, số ca mắc Covid-19 tăng 30% trên cả nước. Ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thành ĐBSCL, do trong số người trở về quê có nhiều ca dương tính, dẫn đến bùng phát dịch trên diện rộng, thậm chí có những xã phường đã “rơi” vào cấp độ 4 - vùng đỏ.

Một thực tế đầy thách thức với các địa phương ĐBSCL là độ phủ vaccine trên 18 tuổi còn thấp. Tính đến cuối tuần qua, tổng số liều đã tiêm là 11.940.333, trong đó 9.616.733 mũi 1, chiếm 82,6% và 2.323.600 mũi 2, chiếm 20,0% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Năng lực chăm sóc, điều trị y tế, nhất là với biến thể Delta còn khá hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở rất mỏng, ngay cả khi được hỗ trợ từ tuyến trên cũng không dễ tiếp quản, triển khai. Người dân, trong đó chủ yếu là người lao động, có thể sẽ tìm cách quay lại TPHCM, nếu không tổ chức để kiểm soát luồng di chuyển sẽ lại gây nên những hệ lụy.

Có một thực tế khá “thầm lặng”, từ đầu tháng 7, khi dịch còn “co cụm” và đang tấn công dữ dội vào thành trì TPHCM, trong chiến lược đẩy mạnh tiêm vaccine toàn dân, TPHCM đã chia sẻ nguồn “vũ khí” này cho một số địa phương lân cận. Phòng vệ cho mình cũng là bảo vệ các tỉnh bạn. Và ngược lại.

Rồi ngay ngày đầu tiên TPHCM cẩn trọng mở cửa trở lại, đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và đồng chí Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã sắp xếp để có mặt ở các “điểm nóng” trong khu vực như An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Trước là đến để thay mặt đồng bào thành phố cảm ơn sự giúp đỡ, hỗ trợ trong những tháng khốc liệt vừa qua; sau là chia sẻ những bài học phòng chống dịch mà thành phố đã trả bằng “học phí” của bao mất mát, hy sinh lẫn những nỗ lực phi thường.

Song song với các đoàn công tác của bác sĩ, điều dưỡng có chuyên môn cao, kinh nghiệm chống dịch dày dạn xuất hiện ở các điểm nóng dịch bệnh, là tìm cách tính toán, cân đối, bổ sung nguồn cung ứng vaccine theo từng lộ trình, tình hình diễn biến dịch bệnh tại thành phố trong việc tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ 12-18 tuổi với việc chia sẻ bớt vaccine cho người dân khu vực ĐBSCL. Từ diễn biến thực tế, TPHCM đã chuyển, hỗ trợ triển khai 2 mô hình là “đánh chặn từ xa” và chăm sóc từ cộng đồng (home-based care) để áp dụng trên toàn vùng.

Hiện ở các tỉnh thành có diễn biến dịch bệnh phức tạp, số ca mới tăng cao, “phác đồ” chủ yếu là xét nghiệm nhanh trên diện rộng, tìm cách phong tỏa ổ dịch nhanh và gọn nhất có thể, nỗ lực tập trung chăm sóc hiệu quả từ cơ sở, giảm ca chuyển nặng cũng là giảm áp lực cho tuyến trên. Tại Bạc Liêu - một trong những địa phương “đỏ hóa” vùng xanh nhiều nhất, 2 bệnh viện Thống Nhất và Chợ Rẫy, ngoài tăng cường đội ngũ bác sĩ, đã hỗ trợ thêm nguồn vaccine, tặng máy xét nghiệm RT-PCR và thiết lập các trạm xét nghiệm tại Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai, Trung tâm Y tế huyện Phước Long.

Cũng tại các tỉnh Bạc Liêu, An Giang, Sóc Trăng, lực lượng y tế TPHCM đã hình thành 3 đội y bác sĩ luân phiên trực tiếp hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng. Các bệnh viện tuyến cuối của TPHCM cũng thường xuyên hội chẩn trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm thu dung, điều trị F0 tại nhà và tại các bệnh viện để các đơn vị bạn ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Một lần nữa, những chiến sĩ áo trắng - áo xanh lại sẵn sàng tăng cường trở lại khi một số địa bàn ở TPHCM đã tăng nhẹ ca mắc, với 40 trạm y tế lưu động vừa được kích hoạt cùng các đội phản ứng nhanh. Họ cũng chuẩn bị tâm thế chi viện ngay trong đêm cho miền Tây Nam bộ. Làm tốt nhiệm vụ trên toàn khu vực cũng chính là đảm bảo cho sự an toàn tại TPHCM, giảm áp lực khi các ca nặng phải chuyển về điều trị ở thành phố.

Và như đã nói ở trên, không tránh khỏi nếu các tỉnh bùng phát mạnh dịch bệnh, sẽ phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Từ đó, một mặt tác động không nhỏ đến nguồn lao động đang tìm cách trở lại TPHCM làm việc, mặt khác sẽ phải dự liệu phát sinh hiện tượng rời khỏi địa phương, trở về thành phố. Dù nguyên do nào thì chính quyền TPHCM và các tỉnh thành ĐBSCL cần tiếp tục chủ động tổ chức đưa - đón người dân, lao động theo nhu cầu chính đáng của họ để vừa bảo vệ người dân, vừa kiểm soát dịch bệnh. Quản lý rủi ro từ “tâm dịch”mới đang hình thành và diễn biến ngày càng phức tạp, cùng tiếp lực - cả vật chất lẫn tinh thần và bài học kinh nghiệm, để “chia lửa” với ĐBSCL.

TPHCM trong mọi quyết sách tồn tại và phát triển, luôn đặt mình vào mối quan hệ, kết nối và tương hỗ với khu vực ĐBSCL. Trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, mạch sống ấy càng không thể tách rời.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ
(Dẫn nguồn SGGPO)


 

Có thể bạn quan tâm