(GLO)- Ngày 15-7-2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có nghị quyết về việc cho phép lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Thủy điện Ia Ly mở rộng và giao cho Công ty Thủy điện Ia Ly đảm nhận. Để cung cấp thêm một số thông tin cơ bản về dự án, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông TẠ VĂN LUẬN-Giám đốc Công ty Thủy điện Ia Ly.
* Vì sao Công ty Thủy điện Ia Ly lại có ý tưởng mở rộng, nâng công suất nhà máy, thưa ông?
- Ông TẠ VĂN LUẬN: Công trình thủy điện Ia Ly được nghiên cứu, thiết kế cách đây hơn 20 năm. Tại thời điểm đó với công suất lắp máy 720 MW Nhà máy Thủy điện Ia Ly là nguồn điện có công suất lớn thứ 2 trong hệ thống điện, chỉ sau Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Cũng trong khoảng thời gian đó, công suất của các nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống điện nên điện năng của các nhà máy thủy điện giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo duy trì việc cung cấp điện năng cho hệ thống điện. Do có tỷ trọng lớn trong hệ thống nên Nhà máy Thủy điện Ia Ly ngoài nhiệm vụ chạy đỉnh còn làm việc ở cả phần thân của biểu đồ phụ tải, chính vì vậy công suất lắp đặt của nhà máy được chọn với chỉ số về thời gian sử dụng công suất lắp máy của thủy điện Ia Ly là 5.070 giờ/năm. Sau này, khi Nhà máy Thủy điện Plei Krông đưa vào vận hành thì số giờ tăng thêm 500 giờ nữa/năm. Đây là sự lựa chọn hợp lý, phù hợp với quy mô của hệ thống điện Việt Nam tại thời điểm lúc đó. Tuy nhiên, đối với quy mô của hệ thống điện hiện nay, sự lựa chọn này không còn phù hợp nữa.
* Như vậy, lợi ích nào mang lại khi Nhà máy Thủy điện Ia Ly được mở rộng, nâng công suất?
- Ông TẠ VĂN LUẬN: Có hai lợi ích cơ bản nhất, đó là kinh tế và kỹ thuật. Tôi mở rộng vấn đề một chút, với sự phát triển nhanh của quy mô hệ thống điện Việt Nam (mức tăng trưởng trên 13%/năm trong thời gian từ năm 2001 đến nay) thì công suất của các nhà máy thủy điện dần chiếm tỷ lệ nhỏ hơn trong hệ thống, năm 2009 chiếm 40%, nhưng dự kiến đến năm 2020 thủy điện chỉ chiếm 25% và năm 2030 chỉ còn 15%. Do đặc điểm có thể điều chỉnh công suất phát rất nhanh nên các nhà máy thủy điện được giao nhiệm vụ phủ đỉnh cho biểu đồ phụ tải, càng về sau này ý nghĩa của việc huy động được công suất lớn vào giờ cao điểm càng trở nên quan trọng.
Ảnh: Đức Thụy |
Dòng chảy phát điện của Nhà máy Thủy điện Ia Ly được điều tiết bởi hồ chứa Ia Ly có dung tích hữu ích 779 triệu m3 kết hợp với 948 triệu m3 của hồ Plei Krông đủ đảm bảo phát 4 tổ máy hiện tại của Nhà máy Thủy điện Ia Ly với thời gian liên tục trong ngày của mùa kiệt là 12,94 giờ và do đó trong những ngày này nhà máy buộc phải phát điện cả trong những giờ không phải là cao điểm. Đây cũng là sự lãng phí lớn.
Như vậy, việc mở rộng quy mô, nâng công suất Nhà máy Thủy điện Ia Ly sẽ đạt các mục đích: tập trung được lượng nước có thể sử dụng hàng ngày trong mùa khô để phát điện trong những giờ cao điểm; tận dụng được lượng nước phải xả qua tràn trong mùa lũ; công suất dự phòng cho hệ thống điện; nâng công suất phản kháng chạy bù cho hệ thống khi có yêu cầu đảm bảo ổn định điện áp cho lưới điện 500 kV. Nói gọn lại, đó là 2 yếu tố chính là tăng thêm sản lượng khoảng gần 356 triệu kWh/năm, doanh thu dự kiến là 765 tỷ đồng/năm, nhưng đặc biệt có ý nghĩa là tăng thêm về giá trị phát điện và bên cạnh đó là yếu tố kỹ thuật.
* Việc thi công công trình này có ảnh hưởng gì đến đời sống của nhân dân quanh vùng, môi trường và khả năng hoạt động của nhiều nhà máy phía hạ du?
- Ông TẠ VĂN LUẬN: Hoàn toàn không. Đây là công trình không có di dân, không phải đền bù, không phải tái định canh, định cư. Mực nước dâng các hồ vẫn ở mức bình thường nên cũng không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế-xã hội địa phương. Đối với việc vận hành của Nhà máy Thủy điện Ia Ly cũng như các nhà máy phía hạ du cũng hoàn toàn không bị ảnh hưởng, mà ngược lại việc mở rộng quy mô, nâng công suất của Ia Ly cũng tạo ra điều kiện mở rộng quy mô, nâng công suất của Nhà máy Thủy điện Sê San 3 với cùng mục đích tăng công suất phủ đỉnh.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hoàng Anh Phượng (thực hiện)