Chính trị

Tin tức

Mang Yang: Nâng cao năng lực đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) tại cơ sở, đặc biệt là về kỹ năng tuyên truyền pháp luật. Nhờ vậy, đội ngũ này đã góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật 
Xã Kon Chiêng có khoảng 86% dân số là người dân tộc thiểu số. Nhiều năm qua, đây là “điểm nóng” về tình trạng khai thác rừng trái phép. Chỉ riêng trong năm 2019, trên địa bàn xã đã có hơn 20 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Vì vậy, việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm. Qua các buổi tuyên truyền pháp luật, nhận thức của bà con đã chuyển biến tích cực. Anh Byar (làng Ktu, xã Kon Chiêng) cho hay: “Bây giờ, dân làng không đi chặt cây rừng nữa mà trồng keo, trồng bời lời, vừa phủ xanh đất trống đồi trọc, vừa phát triển kinh tế gia đình”.
Là tuyên truyền viên (TTV) tích cực của xã Kon Chiêng, anh Bưi chia sẻ: “Trong quá trình tuyên truyền, vận động, mình thấy bà con chưa hiểu hết về pháp luật, đặc biệt là các hộ dân tộc thiểu số sống gần rừng. Một số thanh niên chưa hưởng ứng các phong trào thi đua của xã, thiếu ý thức vươn lên phát triển kinh tế. Vì vậy, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, mình đã đến tận nhà tuyên truyền cho bà con hiểu, đưa những ví dụ về người vi phạm ra trước cuộc họp dân để nhắc nhở, cảnh báo. Bản thân mình cũng phải thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước để làm gương cho người trong làng”.
Trung tá Đặng Quốc Văn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân với các tuyên truyền viên. Ảnh: Ngọc Thu
Trung tá Đặng Quốc Văn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền, vận động quần chúng với các tuyên truyền viên. Ảnh: Ngọc Thu
Nhằm tạo điều kiện cho các TTV trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, chính quyền, Mặt trận xã Kon Chiêng đã hỗ trợ xăng xe cho đội ngũ này. Bên cạnh đó, các TTV cũng đã vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng.
Ông Võ Anh Huy-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng-cho biết: “Hiện nay, xã có 3 TTV là cán bộ Đoàn, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong các đợt giao quân, xã luôn đạt 100% chỉ tiêu thanh niên lên đường nhập ngũ. Các TTV cũng đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.
Phát huy vai trò của tuyên truyền viên cơ sở
Trung tá Đặng Quốc Văn-Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục QP-AN, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mang Yang-cho hay: Hiện nay, lực lượng TTV thực hiện việc phổ biến pháp luật, giáo dục QP-AN ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết, các TTV chủ yếu là người dân tộc thiểu số, tuy đã được lựa chọn về trình độ học vấn nhưng năng lực còn hạn chế. Thêm vào đó, đội ngũ này chưa có phương pháp tốt trong tuyên truyền; trình độ hiểu biết, nắm thông tin còn chưa nhanh nhạy, kịp thời; phương tiện tuyên truyền hạn chế; chưa tích cực áp dụng công nghệ mà chủ yếu là tuyên truyền miệng.
Huyện Mang Yang có hơn 62% dân số là người dân tộc thiểu số. Tình hình an ninh chính trị tại địa phương còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Toàn huyện có 96 TTV cơ sở được lựa chọn từ đội ngũ cán bộ xã, thôn, những người có trình độ, uy tín nên đa số đều nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu rõ về đặc điểm của cơ sở, phong tục tập quán, tiếng nói của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập huấn, nâng cao năng lực tuyên truyền viên Giáo dục Quốc phòng-An ninh luôn được huyện Mang Yang quan tâm triển khai. Ảnh: Ngọc Thu
Tập huấn cho lực lượng tuyên truyền viên. Ảnh: Ngọc Thu
Chị H’Nhen-TTV xã Kon Thụp-chia sẻ: “Mình đã vận dụng vốn kiến thức về pháp luật để giải thích cho mọi người trong làng hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Cùng là người Bahnar nên khi mình nói, bà con cũng dễ nghe theo hơn. Khi trong xã xảy ra các vụ tranh chấp đất đai, mình cùng chính quyền địa phương đến tận nhà để giải thích, vận động, từ đó bà con tự nguyện chấp hành pháp luật”.
Dù vậy, theo chị H’Nhen, do khả năng truyền đạt còn hạn chế nên đôi khi hiệu quả tuyên truyền vẫn chưa được như mong muốn. Chị hy vọng bản thân sẽ được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, từ đó tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.  
Để giúp các TTV cơ sở nâng cao năng lực, Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện Mang Yang đã định hướng, tập huấn và hỗ trợ kinh phí cho lực lượng này trong quá trình công tác. Nhờ đó, đội ngũ TTV được bổ sung kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN; nhiệm vụ QP-AN trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế; những giải pháp nhận diện và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; các phương pháp thực tiễn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân…
Từ đó, lực lượng TTV đã vận dụng linh hoạt vào thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật, giáo dục QP-AN trên địa bàn, giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết của bà con, các hủ tục dần được xóa bỏ. Đặc biệt, năm 2020, trên địa bàn huyện không còn tà đạo “Hà Mòn”, không có đối tượng vượt biên, an ninh chính trị được giữ vững.
Trung tá Văn thông tin thêm: “Thời gian đến, huyện Mang Yang sẽ thường xuyên triển khai các lớp bồi dưỡng, tập huấn phương pháp tuyên truyền, giáo dục QP-AN cho TTV cũng như hỗ trợ kinh phí hàng năm cho công tác giáo dục QP-AN. Ban Chỉ huy Quân sự huyện soạn thảo tài liệu tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn, từng bước lựa chọn, bồi dưỡng nguồn thay thế số TTV cũ để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền ở cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị tại địa phương”.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm