Bạn đọc

Mất 1 tỉ đồng vì chiêu lừa vay tiền online

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo Thanh Niên vừa qua nhận được phản ánh của nhiều bạn đọc về việc bị lừa qua hình thức vay tiền online.

Bạn đọc T.T.H.L (Q.1, TP.HCM) trình bày: “Ngày 10.2.2022, có người gọi điện cho tôi chào mời vay 50 triệu đồng, lãi suất 0,7%/tháng. Tôi đồng ý và người này đề nghị tôi kết bạn Zalo, truy cập đường link http://mcredit666.vip/ điền thông tin... Sau đó, người này đề nghị tôi kết bạn Zalo với số 0926852396 (tên Phương) ở bộ phận chăm sóc khách hàng. Phương bảo tôi đợi 15 phút sau sẽ có tiền chuyển về tài khoản”.
 

Anh N.M.Trí trình bày sự việc với phóng viên tại tòa soạn. Ảnh: Duy Khang
Anh N.M.Trí trình bày sự việc với phóng viên tại tòa soạn. Ảnh: Duy Khang


Đợi mãi không thấy tiền về, chị L. liên hệ thì Phương bảo chị L. truy cập đường link do Phương gửi. Truy cập, chị L. phát hiện bị sai một số trong số tài khoản mà chị đã cung cấp thì Phương nói rằng số tiền 50 triệu đồng đã được ngân hàng chuyển đi nhưng do sai số tài khoản nên bị đóng băng. Nếu chị L. muốn nhận tiền phải chứng minh số tài khoản đó là thật bằng cách chuyển 5 triệu đồng đến số tài khoản 1021861160, chủ tài khoản LE PHU THANH, Ngân hàng Vietcombank; chuyển tiền xong chị sẽ nhận lại 55 triệu đồng, gồm 5 triệu đã chuyển và 50 triệu vay. Chị L. đồng ý.

“Sau khi nhận tiền tôi chuyển, Phương cung cấp cho tôi một mật khẩu để đăng nhập vào đường link để rút tiền về. Sau khi đăng nhập, trên đường link hiện lên dòng chữ: “xâm nhập trái phép đóng băng tài khoản…”. Liền sau đó, Phương gọi điện thoại trách tôi rằng tôi không được đăng nhập vào đường link ngay, phải đợi sau 15 phút mới được nhập, như vậy là tôi đang ăn cắp tiền của ngân hàng, Phương sẽ tìm cách giải quyết cho tôi”, chị L. kể tiếp.

Khoảng 15 phút sau, Phương bảo đã nhờ giám đốc tên Lý Hạo Nam giải quyết giúp. Nam yêu cầu chị L. đóng tiền phạt cho hành vi đăng nhập trái phép là 20 triệu đồng (số tiền này cũng sẽ được trả về cho chị L.; còn nếu không đóng, chị L. có thể bị truy tố…). Lo sợ, chị L. đã chuyển 20 triệu đồng.

Mãi vẫn không nhận được tiền vay và các khoản đã đóng, chị L. liên hệ với người tên Nam thì người này yêu cầu chị tiếp tục chuyển 27 triệu đồng chứng minh thu nhập để đảm bảo cho khoản vay... Sau 3 ngày suy nghĩ, chị L. tiếp tục chuyển 27 triệu đồng. Tuy nhiên, tiền cũng không thấy về, liên hệ thì Nam lại yêu cầu chị nộp thêm tiền với đủ lý do.

Chưa vay được 50 triệu đã mất hơn 1 tỉ đồng

Tương tự trường hợp chị L., anh N.M.Trí (H.Bình Chánh, TP.HCM) nhận được điện thoại của người xưng từ ngân hàng Sinhan và đăng nhập vào đường link: http://sinhanvip.com/ để đăng ký khoản vay. Các chiêu thức sau đó của bọn chúng cũng tương tự như đã áp dụng với chị L.

Tuy nhiên, không như chị L. đã dừng lại sau khi chuyển cho bọn chúng 52 triệu đồng, anh Trí liên tục chuyển tiền cho một người có tên là HOANG PHUONG THANH, số TK: 19038374955010 Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam với tổng số tiền hơn 1 đồng.

Anh Trí kể: “Sau khi chuyển tiền cho họ lần 4, tôi hết tiền trong tài khoản nhưng họ vẫn tiếp tục đề nghị tôi chuyển thêm tiền vì nhiều lý do như tài khoản tôi đóng băng, nâng điểm tín dụng, gỡ đóng băng, chứng minh tiền sạch… Vì cố gắng để lấy lại toàn bộ số tiền đã chuyển như lời họ, tôi mượn bạn bè, người thân để chuyển tiền cho HOANG PHUONG THANH. Sau 4 ngày móc sạch của tôi hơn 1 tỉ đồng, chúng tiếp tục đòi thêm với lý do tôi bị điều tra tội rửa tiền, làm giả giấy tờ, cấu kết với nhân viên công ty, đánh bài online trên điện thoại… thì tôi sợ quá, khóa điện thoại. Lúc này chúng chuyển qua gọi điện thoại cho mẹ tôi, người thân của tôi báo rằng tôi phạm tội, phải chuyển thêm tiền để khắc phục hậu quả. Rất may tôi đã tỉnh ngộ và yêu cầu mọi người dừng lại, đồng thời tố cáo sự việc đến cơ quan công an”.

Theo THANH ĐÔNG (TNO)

Có thể bạn quan tâm