Kinh tế

Doanh nghiệp

Mất 10.000 tỷ, cú sụt đau đớn của đại gia số 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tài sản Coteccons đã bốc hơi nghìn tỷ đồng chỉ trong vòng 6 tháng khiến nhiều cổ đông bức xúc về hiện trạng của công ty xây dựng được cho là số một Việt Nam hiện nay.

 Một dự án của Coteccons
Một dự án của Coteccons



Giá cổ phiếu CTD của Coteccons có thời điểm giảm mạnh từ mức đỉnh 245.000 đồng/cổ phiếu về chỉ còn 120.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giá trị vốn hóa giảm từ 19.110 tỷ đồng về mức 9.360 tỷ đồng.

Đây được xem là cú sốc với những ai đang kỳ vọng vào cổ phiếu xây dựng đầu ngành khi chỉ trong 6 tháng đã giảm đến 10.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa.

Thiệt hại lớn nhất trong đợt có lẽ là cổ đông ngoại Kustocem với tỷ lệ nắm giữ cổ phần lớn, lên đến 34%. Nhưng những người đặt niềm tin vào Coteccons từ năm ngoái đến cuối năm nay là những người chịu lỗ nhiều nhất. Đại diện Dragon Capital cho rằng với mức giảm giá hiện nay, các cổ đông vào sau đang chịu thiệt thòi khá nhiều. Thực tế, các cổ đông tổ chức này đều tham gia vào Coteccons từ rất sớm.

Điều đáng chú ý là giá cổ phiếu giảm mạnh trong bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty vẫn tăng trưởng ổn định và thị trường chứng khoán trong 3 tháng đầu năm lại rất thuận lợi.

Cụ thể, năm 2017 doanh thu và lợi nhuận sau thuế của CTD lần lượt đạt 27.153 tỷ đồng và 1.653 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30% và 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chỉ số Vn-Index cuối tháng 3 ghi nhận mức 1174,46 điểm, tức tăng gần 32% so với thời điểm cổ phiếu CTD bắt đầu chu kỳ giảm.

Ngay cả trường hợp cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Xây dựng Hòa Bình, là “đối thủ truyền kỳ” của CTD, cũng đi theo xu hướng tăng điểm chung của thị trường. Rất nhiều cổ đông đã đặt ra yêu cầu sáp nhập các công ty con thành viên để giải quyết câu chuyện minh bạch và các vấn đề của CTD từ trước đến nay.

Được biết, hiện Coteccons sở hữu các công ty liên kết là Ricons (sở hữu 14,87%), CTCP Đầu tư Hạ tầng FCC (35%), CTCP Thương mại Quảng Trọng (36%) và CTCP Đầu tư Hiteccons (31%). Theo ước tính, khi hợp nhất các công ty con, doanh thu của Coteccons sẽ lên đến 3 tỷ USD vào năm 2020 (hiện nay là khoảng 1,2 tỷ USD).

Trước đó, năm 2015, CTD đã sáp nhập một công ty con của mình là Unicons, tăng tỷ lệ sở hữu từ mức gần 49% lên 100%. Thương vụ sáp nhập này sau đó đã giúp CTD vượt xa đối thủ Hòa Bình, giúp mức giá cổ phiếu từ vùng 90.000 đồng/cổ phiếu vọt lên vùng 200.000 đồng. Các cổ đông cũng đặt ra kì vọng việc sáp nhập các công ty thành viên, công ty liên kết sẽ giúp “đẩy” giá cổ phiếu trở lại thời kỳ hoàng kim.

Đến nay, cổ phiếu CTD đã phục hồi đáng kể so với thời điểm trước kia, sau đà giảm chung của thị trường từ cuối tháng 4 đến nay. Tính đến ngày 4/6, mức giá đóng cửa cổ phiếu CTD đạt 147.600 đồng/cổ phiếu, giảm gần 35,4% so với thời điểm đầu năm nay, và giảm gần 28,3% so với cùng kỳ.

Dũng Nguyễn (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm