Kinh tế

Mất cân đối trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2010, UBND tỉnh có Quyết định số 681/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Nhưng hiện nay nông dân chuyển đổi cây trồng một cách ồ ạt làm vỡ cơ cấu quy hoạch...

Quy hoạch chi tiết, cụ thể

Quyết định 681 của UBND tỉnh đã quy hoạch chi tiết cụ thể cho từng loại cây trồng là thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh. Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ đề cập đến cây trồng ngắn và dài ngày mà sự phá vỡ quy hoạch thể hiện rõ nét nhất là hồ tiêu và mì. Việc quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng để phát huy lợi thế về tài nguyên đất đai, thời tiết, khí hậu và truyền thống sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh để hình thành các vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến.

 

Ảnh: Anh Khoa
Ảnh: Anh Khoa

Quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến từ nguyên liệu mì đến năm 2015 là 50.000 ha, sản lượng 1.022.000 tấn và phát triển diện tích này ổn định đến năm 2020, đáp ứng đủ nguyên liệu cho 4 nhà máy là: Nhà máy chế biến tinh bột sắn An Khê, công suất 110 tấn/ngày; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Mang Yang công suất 80 tấn/ngày; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Chư Prông 70 tấn/ngày; Nhà máy chế biến tinh bột sắn Krông Pa, công suất 220 tấn/ngày. Ngoài ra, sản lượng mì còn thừa có thể cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sản xuất ethanol nhiên liệu của Công ty cổ phần Thảo Nguyên tại huyện Đak Đoa.

Tiềm năng phát triển cây hồ tiêu của tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Hiệp hội hồ tiêu thế giới trong thời gian tới không mở rộng diện tích canh tác, đi sâu thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng vườn tiêu hiện có; đồng thời xây dựng, nâng công suất các nhà máy chế biến tiêu sạch để xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa. Theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn là 6.000 ha, sản lượng là 28.600 tấn, năng suất đạt 4,7 tấn/ha. Đến năm 2020 ổn định diện tích 6.000 ha, nâng cao năng suất đạt 4,8 tấn/ha, sản lượng đạt 31.950 tấn. Với sản lượng dự kiến như trên, đến năm 2015 xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến tiêu sạch tại huyện Chư Sê, công suất 5.000 tấn tiêu sạch/năm; Nhà máy tiêu Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) công suất 5.000 tấn tiêu sạch/năm.

Phá vỡ quy hoạch

Quy hoạch đã có, song thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay nông dân chạy theo hướng tự phát nên tính rủi ro rất cao. Theo quy luật cung cầu, người dân chạy theo thị trường là đúng vì họ cảm thấy có lợi, nhưng kiểu sản xuất manh mún không theo quy hoạch sẽ tiềm ẩn những rủi ro rất lớn không thể lường trước.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Thời gian gần đây, nông dân đổ xô mua đất để trồng hồ tiêu diễn ra rất phổ biến và trên phạm vi rộng. Không còn đất sản xuất, nhiều hộ dân ở “thủ phủ” hồ tiêu Chư Pưh, Chư Sê tìm đến huyện Mang Yang, Đak Đoa mua đất để trồng hồ tiêu. Ông Huỳnh Thế Khiển, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh cho biết: Đất đai ở Mang Yang, Đak Đoa còn khá nhiều, sâu bệnh chưa xuất hiện, tình trạng tiêu chết ở vùng này rất thấp nên chúng tôi sang đây mua đất trồng. Nếu thuận lợi chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Do người dân ồ ạt sang mua đất trồng hồ tiêu ở Mang Yang nên vụ mùa năm nay, diện tích tiêu trồng mới tại địa bàn này đã tăng đột biến. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang: năm 2013, UBND huyện giao kế hoạch trồng khoảng 20 ha cây hồ tiêu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2014 diện tích trồng mới gần 110 ha, đạt hơn 500% kế hoạch và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Hồ tiêu là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nông dân trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua. Giá hồ tiêu luôn ở mức cao khiến nhiều hộ đua nhau mở thêm diện tích. Việc mở rộng diện tích cây tiêu nếu không khống chế sẽ kéo theo những hệ lụy khó lường. Do giá trị kinh tế của tiêu khá cao nên nhiều nông dân chặt bỏ cả vườn cà phê, bời lời thậm chí là cao su để trồng tiêu. Tình trạng phát triển loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao này đã phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng ở các địa phương cũng như của tỉnh. Thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, hiện toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha hồ tiêu, vươn lên dẫn đầu cả khu vực Tây Nguyên về diện tích; trong khi đó quy hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu đạt 9.000 ha hồ tiêu kinh doanh.

Đối với cây mì, theo quy hoạch thời điểm này toàn tỉnh trồng khoảng 50 ngàn ha nhưng thực tế hiện nay đã nhảy lên khoảng 52 ngàn ha. Với việc tăng đột biến này của cây mì đã kéo theo nhiều hệ lụy như: đất đai bị bạc màu, khô cằn, khó cải tạo. Diện tích mì tăng nhanh cũng do tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số chỉ quen sản xuất cây bắp, cây mì vì ít tốn công chăm sóc, đầu tư thấp... và khi đất sản xuất bạc màu thì bỏ hoang, lén lút phá rừng để làm rẫy là điều không thể tránh khỏi.

Diện tích các loại cây trồng tăng-giảm không theo quy hoạch sẽ làm mất cân đối trong cơ cấu nông nghiệp, nguy cơ khủng hoảng thiếu, thừa là điều tất yếu xảy ra. Vấn đề cấp bách hiện nay để tránh tình trạng phá vỡ quy hoạch là mỗi địa phương giám sát, tuyên truyền, vận động người dân giữ nguyên hiện trạng sản xuất các loại diện tích nói trên và đầu tư để tăng năng suất chất lượng cây trồng.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm