TN - Đất & Người

Mặt trái khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên - Bài 1: Vào điểm nóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

LTS:  Tây Nguyên là vùng đất có nguồn tài nguyên khoáng sản khá đa dạng. Thời gian qua, cùng với nạn khai thác trái phép, việc cấp phép và quản lý hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực này còn nhiều bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, làm biến dạng địa hình đặc thù của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại.
 

 

Không chỉ nóng chuyện khai thác trái phép khoáng sản, các mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép trên địa bàn Tây Nguyên cũng xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thất thoát tài nguyên và thất thu thuế. PV Báo SGGP đã nhập vai “đầu nậu” quặng, tiếp cận mỏ khai thác vàng trái phép…

 

 Mỏ đá Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng tại phường 5, TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Mỏ đá Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng tại phường 5, TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN


“Khoáng tặc” hoành hành

Khu rừng ở 3 xã Quảng Sơn, Đắk R’Măng, Đắk Ha (huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) được mệnh danh là “tam giác vàng” bởi có trữ lượng vàng sa khoáng rất lớn. Tin đồn nhiều phu vàng trúng đậm làm dân “anh chị” các nơi đổ xô vào banh núi, gây cảnh hỗn loạn. Một thổ địa tên N. tiết lộ: “Hiện ở đó, phu vàng hoạt động rầm rộ, con suối, núi đồi bị khoét tan hoang hết”. Xác minh từ cơ quan chức năng, được biết tại Đắk Nông hiện chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác vàng, kể cả thăm dò. Đặt vấn đề với N., muốn vào xem bãi vàng lậu ở “tam giác vàng”, N. dè dặt: “Trong đó toàn dân anh chị, nếu phát hiện là nhà báo thì chỉ có tiêu. Trước sự cương quyết của chúng tôi, N. đồng ý với điều kiện, anh ta chỉ dẫn đến cách vị trí khai thác 500m, vì nếu bị lộ thì người dẫn đường cũng toi mạng”.


 

 Mỏ đá Cam Ly nhìn từ trung tâm TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
Mỏ đá Cam Ly nhìn từ trung tâm TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN


Trời tờ mờ sáng, N. dùng xe máy bánh quấn xích chở chúng tôi băng từ cửa rừng phòng hộ Gia Nghĩa qua những triền đồi hun hút. Trời vừa mưa nên đất đồi nhão nhoẹt, xe liên tục trượt ngã. Có đoạn dốc dựng đứng, “ngựa sắt” liên tục gầm rú, nhả khói đen ngòm. Hơn 4 giờ băng rừng, chúng tôi đã đến vị trí khai thác vàng nằm dọc suối, xung quanh được vây bởi 4 quả núi cao chót vót. Tại đây, dòng nước đục ngầu, đất đá bị đào xới nham nhở. Di chuyển về hướng đầu nguồn thì phát hiện một lán trại đã bị bỏ hoang, các chai nhớt, chén đũa được vứt lại xung quanh. Đi thêm vài chục mét là một bãi đào vàng vẫn đang hoạt động. Bí mật tiếp cận, chúng tôi phát hiện có 2 người đàn ông đang nghỉ trưa bên trong chiếc lán. Cạnh đó, rất nhiều đường hầm dài hàng chục mét, hai bên mái được gia cố bằng cây rừng rất chắn chắn, xung quanh là đồ nghề như máy nghiền đá, máy phát điện, các máng đãi, xe rùa… chất ngổn ngang. Một số bao tải lớn chứa chất bột màu trắng, nghi là hóa chất dùng rửa vàng cũng được tìm thấy.

Điểm khai thác vàng tại Tiểu khu 1704, rừng phòng hộ Gia Nghĩa vẫn đang hoạt động trái phép. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Điểm khai thác vàng tại Tiểu khu 1704, rừng phòng hộ Gia Nghĩa vẫn đang hoạt động trái phép. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN



Chúng tôi liều tiến vào lán mà phu vàng đang nghỉ. Thấy người lạ, một người xưng tên S., tỏ vẻ hoài nghi, liên tục chất vấn, tôi vượt qua được “vòng thử thách”. Ông S. giới thiệu mình là chủ mỏ vàng, đã hoạt động nghề này nhiều năm. “Mấy ngày nay mưa quá, mỏ bị động, anh em về hết, chứ bình thường có hơn chục người làm”, ông S. nói. Ông S. cũng cho biết, những người đào vàng là người ngoài tỉnh, chỉ riêng ông là ở TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Khi biết khu vực trên có trữ lượng vàng, ông hợp đồng với chủ rừng nhận trồng rừng rồi đưa người vào khai thác vàng.

Câu chuyện ngắt quãng khi ông S. quăng thanh đá màu trắng to bằng bắp chân lên bàn. “Ngoài vàng, ở đây còn có cả đá thạch anh. Cái này tụi tôi đào xuống và thấy cả tảng dài, nhiều vô số kể… Các anh mua mỏ này được bao nhiêu, hợp lý tôi bán hết”, ông S. hất hàm nói. Để tránh nghi ngờ, chúng tôi nói sẽ cử người trong nghề vào đánh giá trữ lượng quặng, sau đó sẽ chốt giá...

Hàng ngàn khối đá bazan được khai thác tại mỏ đá bon Pinao. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Hàng ngàn khối đá bazan được khai thác tại mỏ đá bon Pinao. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN



Vòng qua thôn 3, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, cảnh tượng khai thác đá lậu diễn ra công khai ngay sau hội trường thôn này khoảng 20m nhưng không ai xử lý. Bãi mỏ rộng khoảng 0,5ha bị đào xới khắp nơi. Hàng trăm khối đá đã được chất đống bên trên. Tốp công nhân hối hả dùng búa đập. Lân la đến hỏi chuyện, họ cho biết được ông N.T.S. (thôn 3, xã Nhân Đạo) thuê làm nhiều tháng nay.

Nhắc đến điểm mỏ lậu của ông S., Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo Nguyễn Tấn Dũng lắc đầu ngao ngán: “Chỗ khai thác đá này nằm ngay đất của ổng. Mặc dù chưa được cấp phép nhưng ổng đã đưa người, máy móc vào khai thác rồi. Cơ quan chức năng đã nhiều lần vào kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu đưa máy móc ra ngoài, không được khai thác đá, thậm chí đã xử phạt hành chính, vậy mà họ vẫn hoạt động. Do thẩm quyền hạn chế nên chúng tôi sẽ có báo cáo lãnh đạo UBND huyện để xử lý triệt để mỏ đá này”.

 Nhiều đường hầm được các đối tượng đào khoét sâu vào chân núi để khai thác vàng. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Nhiều đường hầm được các đối tượng đào khoét sâu vào chân núi để khai thác vàng. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Vàng lẫn trong đá mà các đối tượng khai thác được tại mỏ. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN
Vàng lẫn trong đá mà các đối tượng khai thác được tại mỏ. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN


Đến xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chúng tôi được nghe kể về mỏ cát lậu hoành hành sau lưng UBND xã, nghi có sự tiếp tay. Để mục sở thị hoạt động khai thác cát lậu, chúng tôi mất nhiều ngày thăm dò đường sá và cuối cùng cũng có được sơ đồ vào mỏ. Chúng tôi cải trang và bám theo những người chăn bò để vào các lô cao su ở khu vực suối Mơ. Quả nhiên, nơi đây cát được hút lên chất từng đống, máy múc vẫn còn để tại bãi. Thông tin được báo ngay cho lãnh đạo huyện Chư Prông. Ngay sau đó, một tổ công tác của xã được cử vào hiện trường lập biên bản vi phạm. Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Ngô Ngọc Tiến nói rằng, do địa bàn rộng, sát bên vị trí khai thác có hồ cá nên có thể có tình trạng lén lút khai thác, dẫn đến chưa kiểm soát kịp thời.

Có phép vẫn sai hàng loạt

Gặp nhiều người dân ở bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông, ai cũng tỏ vẻ bất bình: “Công ty CP Phú Tài được cấp phép khai thác đá xây dựng ở mỏ đá bon Pinao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp nhưng lại khai thác đá cây. Sự việc diễn ra trong thời gian dài nhưng không ai xử lý. Họ cả gan làm ban ngày. Chắc có ai đó bảo kê hay sao mà công ty này dám lộng hành như vậy”. Xác minh từ lãnh đạo UBND xã Nhân Đạo, mỏ đá bon Pinao của Công ty CP Phú Tài đúng là chỉ được cấp phép khai thác đá vật liệu xây dựng.

Từ đỉnh đồi bon Pinao, phóng tầm mắt xuống cánh đồng, một công trường khai thác đá rộng khoảng 5ha. Lán trại của công nhân được dựng ngay đường vào mỏ đá nên việc tiếp cận mỏ đá khá khó khăn. Chúng tôi phải cải trang thành người đi câu cá, lội bộ vòng theo đường bờ ruộng gần 1km, vượt qua con suối nước sâu ngang bụng. Trèo lên một điểm cao cận mỏ đá, chúng tôi đã quan sát toàn diện hoạt động của mỏ đá này. Có thể thấy hàng chục điểm tập kết với hàng trăm cây đá bazan ngang từ 1-2m, dài từ 2-4m.

Bên dưới moong đá, 2 xe múc vẫn đang hoạt động. Một xe gí mũi đục vào thềm đá làm các cây đá khổng lồ lần lượt bị xé toang và đổ ầm xuống. Chiếc xe còn lại dùng gàu di chuyển những cây đá đến vị trí tập kết. Trước những tư liệu chúng tôi cung cấp, đại diện Sở TN-MT Đắk Nông khẳng định: “Việc cấp phép khai thác đá xây dựng mà đi khai thác đá cây là không được, sở sẽ cử người xuống kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định”.

Trở lại với mỏ đá Cam Ly ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, đứng từ xa đã thấy sự bất thường tại vị trí cấp phép khai thác đá cho Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng. Trèo lên điểm khai thác này, chúng tôi chứng kiến thảm thực vật mới bị đào xới, hàng ngàn khối đá đã bị móc ruột mang đi. Trao đổi với Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng được biết, vị trí đào bới nhô lên trên đỉnh mỏ là nơi chủ mỏ đã khai thác ra ngoài phạm vi với tổng diện tích 980m2. “Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng vừa xử phạt 15 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp 107 triệu đồng, đồng thời buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường, nhưng hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện”, đại diện Sở TN-MT Lâm Đồng cho biết.

Cũng ngay ở trung tâm thành phố, hoạt động khai thác cát trên sông Đắk Blà đoạn qua TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum cũng có nhiều sai phạm. Sở TN-MT Kon Tum cho biết, đã kiểm tra, phát hiện có 8 doanh nghiệp vi phạm với các lỗi như tự ý dùng phương tiện cơ giới đào đắp hố, đắp bờ ngăn dòng chảy của sông; sử dụng không đúng công nghệ và phương pháp khai thác; sử dụng đất phi nông nghiệp làm bãi tập kết cát sỏi nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; thực hiện không đúng các nội dung theo kế hoạch bảo vệ môi trường; sử dụng vượt phương tiện khai thác cát.


Theo Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hàng loạt dự án khai thác khoáng sản vi phạm bị xử lý. Trong đó, đã xử lý 18 trường hợp liên quan đến lĩnh vực đất đai (chưa thực hiện thủ tục thuê đất, tự ý chuyển đổi đất, lấn chiếm đất); 11 trường hợp không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tận thu khi chưa có phép, khai thác ngoài ranh giới; 9 trường hợp liên quan đến lĩnh vực vi phạm môi trường. Tổng số tiền phạt hơn 3,77 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh thừa nhận, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép thời gian qua vẫn còn diễn ra, gây thất thoát tài nguyên, thất thu thuế cho Nhà nước. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân các cấp nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để kéo dài.


Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm