TN - Đất & Người

Mặt trái khai thác khoáng sản ở Tây Nguyên - Bài 2: Núi đồi nham nhở, sông sạt lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhu cầu tiêu thụ lớn về đá và cát trên thị trường xây dựng đã khiến việc khai thác vật liệu diễn ra ào ào hàng ngày, hàng giờ, vô cùng phức tạp, khó quản lý. Hậu quả, nhiều núi đồi xanh tươi ngút ngàn giờ trở nên nham nhở, nhiều con sông kỳ vĩ của Tây Nguyên bị sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng.

Mỏ cát của Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng nằm ngay làng du lịch Kon Ktu, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: HỮU PHÚC
Mỏ cát của Công ty CP Xây dựng công trình Sông Hồng nằm ngay làng du lịch Kon Ktu, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Ảnh: HỮU PHÚC


“Vết sẹo” giữa thành phố du lịch

Đà Lạt được biết đến là thành phố du lịch, nổi tiếng bởi những đồi thông xanh ngắt. Thế nhưng, những năm qua nhiều đồi thông nơi đây đã bị đục khoét để người ta... khai thác đá. Trong số những mỏ đá được cấp phép hoạt động ở Đà Lạt thì mỏ đá Cam Ly (núi Du Sinh, phường 5) chiếm giữ vị trí đứng đầu về diện tích cấp phép (13ha). Mỏ đá này nằm cách trung tâm Đà Lạt khoảng 3,5km, hiện đang được khai thác bởi 3 doanh nghiệp: Công ty CP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Lâm Đồng, Công ty CP Thắng Đạt, Công ty CP Minh Định.


 

“Vết sẹo” giữa thành phố du lịch Đà Lạt nhìn từ mỏ khai thác đá Cam Ly. Ảnh: ĐOÀN KIÊN
“Vết sẹo” giữa thành phố du lịch Đà Lạt nhìn từ mỏ khai thác đá Cam Ly. Ảnh: ĐOÀN KIÊN


Từ trung tâm TP Đà Lạt phóng tầm mắt về núi Du Sinh có thể cảm nhận phần diện tích đục khoét làm đá như da beo. Những mảng xanh của hàng thông đang dần bị thay thế bởi màu đất, đá, ai nhìn cũng xót xa cho Đà Lạt.

Chúng tôi chạy xe máy men theo triền núi để lên khu mỏ. Sau mấy cơn mưa, đường nhầy nhụa, chúng tôi đành cuốc bộ, để lại chiếc xe máy giữa lùm cây bụi. Sau nửa giờ leo núi đã nghe âm thanh chát chúa của tiếng kim loại cà xát vào đá. Đến gần hơn, cảnh núi Du Sinh hiện ra nham nhở trong đám bụi mịt mờ. Lòng núi đã là một đại công trường ngổn ngang đá, có nơi tập kết thành bãi khổng lồ. Quanh đó, những hố nước sâu hoắm - là hệ quả của những đợt khai thác đá đến kiệt cùng. Chốc chốc, từng đoàn xe nối đuôi chở đá hướng về TP Đà Lạt. Những cụm thông may mắn chưa bị khai tử được công nhân tận dụng làm nơi nghỉ mát, thân cây bám đầy bụi. Thoáng thấy chúng tôi - những người lạ tại khu mỏ, một số công nhân có lẽ ngại tiếp chuyện, lắc đầu từ chối rồi rời đi. Còn những người dân sống quanh khu mỏ, hàng ngày phải nơm nớp trước an nguy về tính mạng từ những chiếc xe chở đá xuống núi, biết đâu sau những cơn mưa một trận lũ quét nào đó cuốn bãi đá đổ ào vào nhà.

Từ mỏ đá, xuôi theo quốc lộ 20, chúng tôi đặt chân đến xã Lộc Châu (TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nơi có mỏ cao lanh do 3 đơn vị được cấp phép khai thác. Khu vực rộng hàng trăm hécta chạy dài từ thôn 1 qua thôn 2 là những ngọn đồi bị đào nham nhở, phủ màu trắng đục của cao lanh. Dẫn chúng tôi vào khu mỏ là một người dân thổ địa tên Long. Anh cho biết: “Trước đây, khu vực này trồng cà phê, nhưng do mỏ cao lanh ngay cạnh, năng suất cây trồng giảm nên nhiều người nhượng lại cho chủ dự án, đi nơi khác sống”. Bám theo vết cao lanh rơi vãi trên đường, chúng tôi tiếp cận hàng chục bãi tập kết lớn nhỏ dọc đường Lê Thị Riêng và vô số hố sâu trơ đáy trắng đục, không khác gì những hố bom khổng lồ.

17km sông cấp phép cho… 17 mỏ cát

Đến TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum), khách du lịch thường rỉ tai nhau về dòng sông Đắk Bla thơ mộng. Trong 6 thành phố ở Tây Nguyên, Kon Tum là thành phố may mắn nhất khi có con sông Đắk Bla huyền thoại chảy qua. Dòng sông này không chỉ cung cấp thủy sản, nước, tài nguyên khoáng sản mà còn tạo cảnh quan, là tiềm năng lớn để thành phố quy hoạch đô thị gắn liền phát triển du lịch. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Còn giờ, nhiều người lo ngại việc khai thác cát tràn lan sẽ tàn phá con sông, ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng chục ngàn cư dân địa phương.

 

Rẫy mì dọc sông Đắk Bla qua địa bàn xã Đắk Blà đang trong số phần chờ sông “nuốt”. Ảnh: HỮU PHÚC
Rẫy mì dọc sông Đắk Bla qua địa bàn xã Đắk Blà đang trong số phần chờ sông “nuốt”. Ảnh: HỮU PHÚC


Đặt vấn đề này với lãnh đạo UBND TP Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND TP Kon Tum Nguyễn Xuân Ninh đã trả lời chúng tôi bằng văn bản dài 4 trang. Nội dung cho biết, con sông qua địa bàn dài 45km, trong đó riêng đoạn sông qua các xã Đắk Blà, Đắk Rơ Wa, Ia Chim, phía Tây TP Kon Tum (ngay trung tâm TP Kon Tum) dài 17,1km có 17 mỏ cát đang được tỉnh cấp phép khai thác. UBND TP Kon Tum nói rất nhiều về lợi ích của việc khai thác cát nơi đây. Riêng đối với mối lo “bức tử” dòng Đắk Bla thơ mộng, văn bản chỉ đề cập vắn tắt: “UBND TP Kon Tum không nhận được ý kiến, phản ánh liên quan đến khai thác cát đã cuốn trôi đất, hoa màu, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn…”.
 

 Hoạt động khai thác cát khiến nhiều đoạn sông Đắk Bla qua TP Kon Tum trở nên nham nhở. Ảnh: HỮU PHÚC
Hoạt động khai thác cát khiến nhiều đoạn sông Đắk Bla qua TP Kon Tum trở nên nham nhở. Ảnh: HỮU PHÚC


Những gì chúng tôi mục sở thị có lẽ khó mà tả hết hết trong một văn bản dài 4 trang như trên. Đoạn thượng nguồn sông Đắk Bla, nơi chia đôi 2 bờ là xã Đắk Rơ Wa và Đắk Blà - đây cũng là nơi “gánh” nhiều mỏ cát nhất với 15/17 điểm mỏ. Anh A Mướp (thôn Kon Drei, xã Đắk Blà) tận tình hướng dẫn chúng tôi ra bến sông, chỗ quan sát rõ nhất hoạt động khai thác cát. Từ đây, nhìn rõ mồn một 4 mỏ cát đang bơm hút rầm rộ. Những chiếc thuyền trôi vươn vòi chọc sâu xuống lòng sông, những máy xúc đưa gàu cạp cát đổ lên xe, từng đoàn xe tải ra vào bãi “ăn hàng”. Mỗi lần xe chở cát chạy, mặt đường như rung chuyển, nước trên xe văng xuống đường tung tóe. Đoạn sông bị biến dạng với bên lồi bên lõm, hình thành ốc đảo thu nhỏ. Phía hạ lưu, nước chảy xiết và đục ngàu. Nhiều rẫy mì - sinh kế của người dân bao đời nay có nguy cơ bị hà bá nuốt chửng.

Chỉ tay vào khu đất của gia đình nằm ở mép sông, anh A Mướp lòng nặng trĩu: “Trước kia, con sông chảy cách rẫy nhà mình khoảng 50m. Việc khai thác cát là một trong những nguyên nhân khiến dòng chảy của sông cũng thay đổi và hướng dần vào đất sản xuất của gia đình. Nhiều người trong làng đã tìm gặp chủ mỏ để yêu cầu giải quyết nhưng không được. Thế là, người dân đành bỏ hoang phần đất giáp sông, sợ rằng chút vốn gom góp đầu tư sẽ mất khi chưa kịp thu lại. Bà Y Rêl, Phó trưởng thôn Kon Drei, góp chuyện: “Nhiều năm nay, đất dọc sông ở thôn bị sạt lở, mì, bắp cũng bị cuốn trôi. Người dân phản ánh là do bơm hút cát. Thôn cũng phản ánh lên xã, nhưng lạ là khi xuống thì không thấy họ hoạt động. Trai làng tức giận vì khai thác cát làm sạt lở, đòi dùng ná cao su tấn công những người hút cát, tôi phải đứng ra ngăn cản vì sợ gây ra án mạng”.

 

 Những ngọn đồi phủ màu trắng đục dần thay thế các mảng xanh tại khu mỏ khai thác cao lanh trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh chụp trên Google Map
Những ngọn đồi phủ màu trắng đục dần thay thế các mảng xanh tại khu mỏ khai thác cao lanh trên địa bàn TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Ảnh chụp trên Google Map


Chúng tôi tiếp tục vượt sông về làng du lịch Kon Ktu (xã Đắk Rơ Wa). Ngay đoạn sông đầu làng, mỏ cát của Công ty CP Xây dựng công trình sông Hồng hoạt động hết công suất. Nghe lời dân làng, để tránh nguy hiểm, chúng tôi nhập vai những người đi thăm rẫy. Phải trèo lên quả đồi thật cao mới quan sát trọn mỏ cát quy mô lớn này. Gặp chúng tôi, ông A Nun, Trưởng thôn Kon Ktu, chỉ còn biết than: “Lúc trước, khi không có mỏ cát nào, đoạn sông qua làng rộng, nước trong, cảnh quan đẹp, nhất là bãi cát trắng hai bên. Hai năm trở lại, mỏ cát được cấp phép đã làm con sông sâu hơn, cảnh quan cũng thay đổi. Mỏ cát hoạt động cả ban đêm, có khi tận 22 giờ, bà con chẳng nghỉ ngơi được”.

Hiện trạng của mỏ cát không mấy xa lạ với ông Đoàn Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đắk Rơ Wa, khi được chúng tôi đề cập đến. Theo người đứng đầu chính quyền xã, 5 mỏ cát được cấp phép trên đoạn sông khoảng 2km chảy qua địa bàn. Người dân từng phản ánh việc chở cát khiến đường xuống cấp, bụi bặm, gây tiếng ồn. Xã cũng đã đề nghị các doanh nghiệp khai thác cát chấp hành nghiêm việc duy tu, sửa chữa, khắc phục các sự cố.

 

Sông Krông Nô là một trong những con sông lớn ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, bắt nguồn từ vùng núi cao Chư Yang Sin chạy dọc ranh giới phía Nam sau đó chuyển hướng lên phía Bắc (ranh giới phía Tây) và nhập với sông Krông Ana để trở thành dòng Sêrêpốk thác ghềnh. Nay nơi dòng Krông Nô chảy qua địa phận Đắk Nông đang oằn mình vì hoạt động khai thác cát. Tại đoạn qua huyện Krông Nô, cát được tập kết từng đống, từng bãi dài, tàu thuyền hút cát thì hoạt động rầm rộ trên sông. Dọc hai bờ sông đoạn qua xã Buôn Chóa, hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, có những điểm dài hàng trăm mét, ăn sâu vào ruộng nương, vào đất sản xuất của người dân.

---------------------

Ngày 3-4-2019, Thành ủy TP Kon Tum có công văn đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xem xét chỉ đạo UBND tỉnh chưa bổ sung điểm mỏ để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Kon Tum. Một trong các căn cứ để đề nghị đó là: “Qua các đợt tiếp xúc, cử tri thành phố liên tục có ý kiến về việc khai thác cát làm sạt lở lòng sông Đắk Blà. Xe vận chuyển cát làm hư hỏng đường giao thông, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân”. Như vậy, người dân có phản ánh việc khai thác cát gây hệ lụy chứ không phải “UBND TP Kon Tum không nhận được ý kiến, phản ánh” như nội dung do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Ninh cung cấp.



Theo NHÓM PV (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm