Nếu như làm ở mỏ lậu phải trốn chui trốn nhủi, thì ở các mỏ có phép, dù làm công khai nhưng đời thợ mỏ cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Nhiều nơi, thợ mỏ phải làm việc ở môi trường “ba không”: không hợp đồng, không bảo hiểm, không bảo hộ.
Bãi xỉ than tro bay thải ra từ Nhà máy Alumin Nhân Cơ tập kết tại huyện Đắk R’lấp (tỉnh Đắk Nông) nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước trong khu vực. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN |
Sống gần các mỏ quặng, nhưng nhiều nơi, người dân không được hưởng lợi mà trái lại, hàng ngày phải khổ sở bởi tiếng nổ mìn, bụi bặm và mùi hôi thối. Có nơi, cơn lốc vàng đi qua, đất sản xuất cũng bỏ hoang, đời sống người dân khốn khó trăm bề. Hơn thế, đời phu mỏ luôn phải đối diện với hiểm nguy, đó là cuộc sống lén lút, trốn chui trốn lủi ở mỏ lậu; còn ở mỏ có phép thì điều kiện cũng hết sức thiếu thốn, làm việc không có hợp đồng, không bảo hiểm, bảo hộ…
Sống khổ
Đến thôn 2, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông - nơi có Nhà máy Alumin Nhân Cơ, tiếp xúc với ông Hoàng Văn Lưu, Thôn trưởng, ông lắc đầu: “Đã được hưởng lợi gì đâu. Xỉ than tro chất đống ở suối, hôi lắm. Sống bên bãi xỉ than mà cứ lo”. Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ra bãi tập kết xỉ than cách nhà ông và khu dân cư khoảng 100m. Bãi này rộng khoảng 1ha, bên cạnh là con suối đầy ắp nước.
Trên bãi có hàng chục ngàn tấn xỉ than được đổ dọc theo bờ suối với chiều dài cả trăm mét, cao cả chục mét. Nhiều điểm, xỉ than đổ tràn xuống suối. Che mũi vì mùi hôi, ông Lưu kể, trước đây, khu vực tập kết xỉ than là hồ nước mà người dân dùng để tưới cà phê. Từ tháng 3 năm nay, nhiều xe tải chở xỉ than đến đổ, lấp hồ. “Xỉ than có mùi khét, khó chịu, mưa xuống, nước chảy ra đen ngòm vào vườn nhà, tôi khiến gần 2 sào cà phê hư hại. Con suối này là nơi cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng trăm hộ dân phía hạ nguồn ở xã Nghĩa Thắng. Tôi lo mưa xuống, nước từ bãi xỉ than chảy tràn ra suối, gây ô nhiễm nguồn nước. Đến cây cối trong vườn cũng bị hư hại do thứ nước này chảy vào thì khi con người sử dụng sẽ nguy hại như thế nào. Tôi mong ngành chức năng về kiểm tra, đưa các mẫu xỉ than đi giám định xem các chất này có được thải ra môi trường hay không”.
Đất sản xuất của người dân thôn Cà Nhầy (xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bỏ hoang sau khi cho công ty vàng thuê đất làm vàng vì toàn đá, không trồng cây được. Ảnh: HỮU PHÚC |
Liên hệ với Công ty Nhôm Đắk Nông, đại diện công ty khẳng định, đã ký hợp đồng thu gom xỉ than tro bay với 2 đơn vị là Công ty CP Đức Thành và Công ty CP Công nghiệp Đắk Nông - DNI (Công ty DNI) nên xỉ than tro bay đưa ra khỏi nhà máy thì công ty không chịu trách nhiệm. Còn Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng Nguyễn Văn Thành nói rằng, khu vực đổ bãi xỉ than trên đã được phía Công ty Nhôm Đắk Nông thu hồi đất của dân và đơn vị đổ xỉ than là Công ty DNI. “Chúng tôi đã liên lạc với Công ty Nhôm Đắk Nông để tìm hiểu và được họ trả lời rằng đã giao cho phòng môi trường của công ty báo cáo cho xã, nhưng chúng tôi chưa nhận được trả lời”, ông Thành nói thêm.
Nhiều năm qua, việc dùng mìn khai thác đá khiến người dân thôn Kép Ram (xã Hòa Bình, TP Kon Tum) sống trong nơm nớp. Căn nhà chị Đào Thị Diễm Thúy cách mỏ đá 200m, chi chít vết nứt dọc ngang. “Tôi mua nhà ở đây 5 năm rồi. Mới đầu nghe tiếng nổ rất to, căn nhà như muốn rung chuyển, cứ tưởng là động đất, sau mới biết là nổ mìn. Các vết nứt cũng xuất hiện 2, 3 năm nay. Hàng ngày cứ nghe tiếng nổ là nơm nớp lo nhà sập”, chị Thúy kể. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hòa Bình A Nglưnh cho biết: “Nhà tôi cách mỏ tầm 1km, có lần nổ mìn thì nhà rung, ốp tường bếp cũng rớt, nên những hộ gần còn nặng hơn. Dân cũng có phản ánh là nổ mìn làm nứt nhà, nhưng khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, đo độ rung chấn thì chưa đến mức để khẳng định nứt nhà do nổ mìn”.
Chị Thúy (thôn Kép Ram, xã Hòa Bình, TP Kon Tum) khẳng định nhà bị nứt do việc nổ mìn của mỏ đá. Ảnh: HỮU PHÚC |
Rời mỏ đá, chúng tôi đi ngang thôn 3, xã Hòa Bình, bắt gặp từng đoàn xe chở đầy ắp đá từ mỏ đá ở thôn Kép Ram phóng bạt mạng. Một số xe dù phủ bạt nhưng đá, bụi vẫn văng xuống đường. Một số đoạn đường, xe chở đá bị rung lắc do tông phải ổ gà, ổ voi. Những điểm đường hư này rất nhiều, trải dài hàng cây số. Bà H.Th.L., ở thôn 3, bức xúc: “Đường này hư là đúng rồi. Xe chở đá mấy chục tấn từ mỏ đá thôn Kép Ram chạy liên tục. Đá hộc rớt trên xe xuống đường, rất nguy hiểm. Xe chở đá cũng chạy rất ẩu. Có lúc dân trong thôn bức xúc chặn xe để cảnh cáo, nhưng rồi nạn chạy ẩu vẫn tái diễn”.
Xuôi về xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, người dân sống dọc 2 con đường Lê Thị Riêng và Mai Thúc Loan cứ thở dài khi nhắc đến xe chở cao lanh. Cuối chiều, chúng tôi gặp một số người dân lỉnh kỉnh chở đồ vượt qua những đoạn sình lầy. “Đường hư do xe chở cao lanh chạy đấy. Ngày nắng thì lúc nào cũng bụi mù, trời mưa thì sình lầy, muốn đi vào vườn, rẫy rất khó khăn. Xe chở nặng, chạy rầm rầm, sợ lắm”, một người dân nói.
Dạo những năm 2010 - 2011, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng dọc sông suối ở các huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Glei với tổng chiều dài hàng chục kilômét. Đó là các Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Bình Giang, Công ty TNHH Kim Sơn Thủy và Công ty CP Thép Đông Á. Các đơn vị này ồ ạt đưa máy móc vào “chặt khúc” lòng sông và thậm chí thuê đất hai bên sông của dân để làm vàng. Việc khai thác đã chấm dứt nhiều năm nhưng hệ lụy gây ra vẫn còn rất lớn.
Hiểm nguy rình rập phu mỏ
Những ngày đầu tháng 9, chúng tôi gặp lại chị Tr. (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) khi chị đang đón con ở cổng trường. Chị Tr. là vợ anh Q.V.L., nạn nhân tử nạn hồi tháng 11-2019 trong vụ chế tạo mìn để nổ đá ở mỏ đá trái phép của Công ty Thạch Lợi tại xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Chị kể: “Thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình đang xây nhà, cũng cần tiền mua vật liệu nên anh ấy khăn gói qua Đắk Nông nổ mìn cho ông chủ mỏ đá. Ngờ đâu tai nạn xảy ra. Đi làm thuê cho mỏ đá, không có hợp đồng, bảo hiểm gì nên tai nạn chẳng hưởng chế độ gì cả”.
Chồng mất trong vụ tai nạn nổ mìn tại mỏ đá trái phép, chị Tr. (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) một mình gồng gánh nuôi 2 con nhỏ. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN |
Chúng tôi xuôi về xã Cư M’Gar để gặp anh T. Dù may mắn thoát chết trong vụ nổ mìn trái phép ở xã Đức Mạnh nhưng anh T. đã bị tổn hại 43% sức khỏe, mất sức lao động. Hiện, anh T. đang chờ ngày để chấp hành án vì tội tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ. “Vết nám đen trên mặt, cơ thể đầy vết sẹo của tôi là do vụ nổ để lại. Giờ yếu lắm, không lao động được, phải ở nhà để vợ nuôi, chờ ngày chấp hành án. Vụ nổ trái phép đó, tôi và chủ mỏ đá bị tòa tuyên phạt mỗi người 2 năm tù”, anh T. nói. Mấy chục năm khoan đá, nổ mìn cho các mỏ đá, anh T. chưa được ký hợp đồng, hay đóng bảo hiểm. Tiền công thì tính theo sản phẩm, còn tai nạn thì tự chịu.
“Làm cái nghề này nó bạc lắm, chủ mỏ nào kêu thì tôi vác ba lô lên mà đi. Ở những mỏ trái phép, lúc nào tụi tôi cũng lo lắng, phải lén lút, thập thò như ăn trộm. Cơ quan chức năng kiểm tra, chúng tôi ôm đồ chạy trốn. Thế nhưng không làm nghề này thì chẳng biết làm gì, nhà không có đất đai sản xuất, vợ tôi sức khỏe yếu, chỉ làm công việc nội trợ, hai con nhỏ thì đang tuổi ăn học. Chính cái nghề này nuôi sống gia đình tôi và cũng chính nó khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khánh kiệt”, T. chia sẻ.
Nếu như làm ở mỏ lậu phải trốn chui trốn nhủi, thì ở các mỏ có phép, dù làm công khai nhưng đời thợ mỏ cũng vất vả, hiểm nguy không kém. Nhiều nơi, thợ mỏ phải làm việc ở môi trường “ba không”: không hợp đồng, không bảo hiểm, không bảo hộ. Trong vai người mua đá, chúng tôi đến mỏ đá được cấp phép ở làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Đây cũng là “trụ sở” làm việc của những phu đá. Giữa trưa nắng như đổ lửa, hàng chục phu đá có tuổi đời từ 40 - 60, cả nam lẫn nữ đang hì hục khoan, đục đá. Sau một thời gian làm việc cực nhọc, những phu đá bỏ búa xuống, chui vào những chiếc dù, hoặc vào các lùm cây gần đó để trú nắng, nghỉ ngơi trước khi tiếp tục chẻ đá.
Một phu đá “3 không” làm việc giữa trưa nắng tại mỏ đá làng Mơ Nú (xã Chư Á, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Ảnh: HỮU PHÚC |
Lau vội giọt mồ hồi đang lăn trên gò má đen nhẻm, ông L. V. Th. (TP Pleiku) kể: “Làm đá chỉ khi không làm được nghề gì mới làm vì quá nặng. Làm nghề này thì chuyện đau lưng, đau khớp diễn ra như cơm bữa. Rồi chuyện chẻ, đập làm đá văng toét tay cũng xảy ra nhiều”. Men qua điểm chẻ đá khác, chúng tôi bắt gặp phu đá Ng.Ng.H. (TP Pleiku) đang hí hoáy dí mũi khoan vào tảng đá, bấm nút. Cuộc đời ông H. gắn với nghiệp chẻ đá. Ông lang bạt khắp nơi, chỗ nào thuê thì đến xin làm, chủ gật đầu thì đưa đồ nghề vào. Ông làm được 3 năm ở mỏ đá làng Mơ Nú, cũng như nhiều người, ông thuộc diện phu đá “3 không”.
Vòng về huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, nơi có nhiều mỏ cát, đá được cấp phép, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Ia Grai Thái Anh Tuấn, cho biết, đối với các khu mỏ, có 2 loại công nhân là chính quy và thời vụ hay khoán sản phẩm. Công nhân chính quy làm nhiệm vụ giám sát, quản lý công nhân thời vụ. Lực lượng này chiếm khoảng 30%, điều kiện làm việc tốt hơn (có mái che). Còn công nhân thời vụ hay khoán sản phẩm đều không có hợp đồng lao động, môi trường làm việc vất vả, phải tự trang bị mọi thứ, từ ô dù che mưa nắng, đến bao tay, khẩu trang, kính.
*** |
Theo NHÓM PV (SGGPO)