Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Mặt trận mới trong căng thẳng Ấn Độ - Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong khi những căng thẳng kinh tế và tranh chấp biên giới chưa hạ nhiệt, quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc tiếp tục xấu đi vì mặt trận mới: Nguồn nước - liên quan cụ thể đến một trong những con sông lớn nhất thế giới, được Ấn Độ gọi là Brahmaputrain và Trung Quốc gọi là Yarlung Zangbo.

Cuối tháng trước, Trung Quốc thông báo ý định xây dựng dự án thủy điện "lớn chưa từng có trong lịch sử", có thể sản xuất 70 triệu KWh điện, trên sông Yarlung Zangbo. Mặc dù Bắc Kinh không công bố địa điểm cụ thể song theo báo South China Morning Post (SCMP), dự án này có thể được triển khai gần khu vực "The Great Bend", nơi con sông nêu trên quay ngoặt về phía Nam để tiến vào bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ.

Nhiều chuyên gia Ấn Độ lo ngại tác động của dự án này đối với an ninh lương thực và nguồn nước, cũng như rủi ro Trung Quốc "vũ khí hóa" dòng chảy để gây lụt lội và hạn hán lên Ấn Độ. Nỗi lo của Ấn Độ càng được củng cố sau khi hình ảnh vệ tinh cho thấy máy ủi Trung Quốc đã chặn dòng chảy của sông Galwan ở vùng Ladakh hồi tháng 6 năm nay, chỉ vài ngày sau khi binh sĩ 2 nước đụng độ đẫm máu dọc bờ sông này.


 

Các tín đồ Hindu giáo thực hiện nghi lễ trên sông Brahmaputra ở TP Guwahati - Ấn Độ Ảnh: EPA-EFE


Hai ngày sau khi Bắc Kinh công bố ý định trên, một quan chức thuộc Bộ Thủy lợi Ấn Độ tiết lộ với Reuters rằng New Delhi đang cân nhắc dự án thủy điện lớn của riêng mình trên sông Brahmaputra để "giảm thiểu tác động tiêu cực từ các dự án đập Trung Quốc". Giới phân tích cảnh báo cuộc chiến nguồn nước giữa Trung Quốc và Ấn Độ có thể vượt tầm kiểm soát, gây ra hậu quả nghiêm trọng không chỉ với 2 quốc gia này, mà còn với Bangladesh - nơi con sông nêu trên chảy qua trước khi ra vịnh Bengal.

Bên cạnh nguồn nước, giới chức New Delhi còn tố cáo Trung Quốc hậu thuẫn các nhóm ly khai Myanmar ở gần biên giới với Ấn Độ. Hãng tin Bloomberg dẫn lời một số quan chức Ấn Độ giấu tên cho rằng các nhóm vũ trang như "Quân đội bang Wa Thống nhất" (UWSA), "Quân đội Arakan" (AA)… đang thay mặt Bắc Kinh cung cấp vũ khí và điểm trú ẩn cho các nhóm phiến quân ở Đông Bắc Ấn Độ, từ đó đẩy mạnh tấn công dọc biên giới Myanmar - Ấn Độ những tháng gần đây.

Thực trạng này, nếu đúng, có thể khiến quân đội Ấn Độ quá tải, đặc biệt là khi căng thẳng với Trung Quốc và Pakistan ở những khu vực khác trên biên giới đất liền chưa hạ nhiệt.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc phủ nhận cáo buộc hậu thuẫn các nhóm vũ trang chống lại Ấn Độ, nói rằng Bắc Kinh không can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác. Tương tự, UWSA cũng tuyên bố rằng họ không thay mặt Trung Quốc để cung cấp bất cứ sự hỗ trợ hay viện trợ nào cho các nhóm phiến quân Ấn Độ.


Theo Cao Lực (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm