Chính trị

Mặt trận và các đoàn thể tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Qua 10 năm triển khai thực hiện Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội (CT-XH) và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2003 của Bộ Chính trị khóa XI, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể CT-XH, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt; vị trí, vai trò của MTTQ và các đoàn thể CT-XH ngày càng được khẳng định.

Chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống

Sau khi Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 218-QĐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 553-QĐ/TU ngày 14-3-2017 về Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân; Quyết định số 554-QĐ/TU ngày 14-3-2017 về Quy định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; chỉ đạo việc thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư khóa XII về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW một cách đồng bộ, thống nhất; tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức CT-XH và người dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức CT-XH từ tỉnh đến cơ sở xác định công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của địa phương, đơn vị và những vấn đề được dư luận xã hội, đông đảo người dân quan tâm.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về góp ý xây dựng Đảng, MTTQ, các tổ chức CT-XH đã tham gia góp ý trên 2.250 văn bản dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định của Đảng về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và người dân.

Việc tham gia góp ý trước khi kiểm điểm hàng năm và kiểm điểm kết thúc nhiệm kỳ của các đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao. Việc lấy ý kiến đóng góp của đoàn viên, hội viên và người dân vào dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp và dự thảo Văn kiện Đại hội XII, XIII của Đảng được triển khai đồng bộ với 2.580 lượt ý kiến tham gia góp ý.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Lài

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng dân tộc thiểu số. Ảnh: Phan Lài

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH đã phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng Đảng thông qua việc lựa chọn, giới thiệu những nhân tố điển hình, tiên tiến để bồi dưỡng, giới thiệu cấp ủy xem xét kết nạp vào Đảng và tham gia cấp ủy các cấp. Công đoàn các cấp đã phối hợp giới thiệu 17.222 đoàn viên, người lao động ưu tú, trong đó có 265 công nhân lao động trực tiếp và có 8.519 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng.

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã giới thiệu cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh 8/53 đồng chí, cấp huyện 119/597 đồng chí, cấp xã 747/2.670 đồng chí. Hội Nông dân các cấp giới thiệu 2.642 hội viên ưu tú, trong đó có 1.017 hội viên được kết nạp vào Đảng. Hội Cựu chiến binh các cấp phối hợp giới thiệu 1.830 hội viên ưu tú, trong đó có 461 hội viên được kết nạp vào Đảng. Đoàn Thanh niên các cấp đã giới thiệu 34.243 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét và có 15.405 đoàn viên được kết nạp vào Đảng.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức CT-XH cũng định kỳ và thường xuyên tham gia góp ý xây dựng chính quyền trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; việc thể chế hóa các nghị quyết của HĐND cùng cấp; về thực hiện cải cách hành chính, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; trong việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định. Phối hợp tham gia công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026; tích cực vận động người dân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 99,86%.

Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 553-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp đã quan tâm tiếp nhận, xử lý, tiếp thu các ý kiến góp ý của MTTQ, các tổ chức CT-XH và người dân đúng quy trình, quy định; giải trình các ý kiến, phản ánh còn vướng mắc một cách khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở; nhiều vấn đề xã hội quan tâm, người dân bức xúc được giải quyết thấu đáo, hợp tình, hợp lý, không để tồn đọng kéo dài và thông tin kết quả tiếp nhận thông qua các hình thức như hội nghị, văn bản, báo cáo...

10 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp tổ chức 4.442 cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân trên địa bàn tỉnh; MTTQ các cấp phối hợp tổ chức hơn 4.500 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, tổng hợp hơn 22.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân, trong đó có khoảng 89% ý kiến, kiến nghị được trả lời, giải đáp trực tiếp tại hội nghị.

Khắc phục hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa đồng bộ. Việc xác định nội dung, hình thức, trách nhiệm trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có lúc, có nơi còn chậm và lúng túng. Năng lực của cán bộ MTTQ, các tổ chức CT-XH trong tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền tại một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu.

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức CT-XH và người dân trên địa bàn tỉnh tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nội dung Quyết định số 218-QĐ/TW. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức CT-XH, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức CT-XH phát huy hơn nữa tính chủ động trong việc đề nghị cấp ủy, chính quyền cung cấp dự thảo các văn bản dự kiến ban hành để tham gia góp ý xây dựng; đồng thời, thực hiện nghiêm việc tham gia góp ý đối với đảng viên, tổ chức Đảng và cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và người dân; chủ động phối hợp trong việc tổ chức đối thoại; thực hiện có hiệu quả công tác giám sát; tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Mặt trận, các tổ chức CT-XH đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Có thể bạn quan tâm