Bắc Kinh đã phát triển và thử nghiệm thành công loại máy bay siêu âm tối tân sử dụng chính sóng xung kích tự nó tạo ra để vượt mặt mọi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.
Cuộc thử nghiệm với Starry Sky 2 đã cho thành công lớn |
Theo NDTV, Viện Khí động học Hàng không vũ trụ Trung Quốc thông báo cuộc thử nghiệm máy bay siêu âm Starry Sky 2 đã được tiến hành sáng 3.8 tại một bãi thử ở miền Tây Bắc Trung Quốc. Chiếc máy bay này bay ở trên không trong khoảng 10 phút, đáp ứng một loạt cuộc diễn tập nhào lộn và có thể bay ở độ cao 30 km trước khi đáp xuống khu vực được chỉ định.
Cũng theo báo cáo, Starry Sky 2 được thử nghiệm một loạt công nghệ tiên tiến như hệ thống bảo vệ cân bằng nhiệt, phát triển trong nước. Với tất cả những gì đạt được, Viện này khẳng định cuộc thử nghiệm là một thành công lớn.
Nguồn tin từ Global Times cho biết, máy bay siêu âm của Trung Quốc được hỗ trợ bởi một tên lửa đẩy nhiên liệu rắn và sau đó tách ra khi hệ thống động cơ đẩy của nó tiếp quản. Trong thử nghiệm, máy bay đã duy trì tốc độ cực nhanh trên Mach 5,5 trong hơn 400 giây và đạt tới Mach 6 (tương đương 7.344 km/giờ).
Được biết, Viện Khí động học Hàng không vũ trụ Trung Quốc đã nghiên cứu, phát triển loại máy bay siêu âm sử dụng sóng xung kích do tự nó tạo ra để làm lực nâng như với Starry Sky 2 trong thời gian 3 năm. Đây là sản phẩm chứng minh các thành tựu về công nghệ khí động học mới mà Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc - nguồn tài trợ cho nghiên cứu chế tạo loại máy bay siêu âm - đạt được.
Trước Trung Quốc, Mỹ cũng đã thử nghiệm một hệ thống máy bay siêu âm trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2013, được thiết kế để đạt tới vận tốc Mach 6.
Cuối cùng, nguồn tin cho biết rằng, với tốc độ cao và quỹ đạo không thể đoán trước, máy bay siêu âm của Trung Quốc có thể mang đầu đạn hạt nhân và vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có nào trên thế giới.
Kiến Văn (thanhnien)