Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Meta tung tính năng tin nhắn mã hóa mặc định cho Facebook và Messenger

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Meta cho biết hãng đã phải “làm lại” Messenger trên quy mô lớn để hỗ trợ mã hóa đầu cuối theo mặc định - tính năng giúp người dùng ứng dụng nhắn tin này tăng cường bảo mật và quyền riêng tư.
Meta thông báo các tin nhắn từ Facebook và Messenger sẽ được tự động mã hóa đầu cuối. Ảnh: AFP/TTXVN

Meta thông báo các tin nhắn từ Facebook và Messenger sẽ được tự động mã hóa đầu cuối. Ảnh: AFP/TTXVN

Meta vừa thông báo người dùng các ứng dụng Facebook và Messenger của hãng giờ đây sẽ tự động “được bảo vệ” với khi các tin nhắn của họ sẽ được mã hóa đầu cuối - một biện pháp tăng cường lớn cho sự bảo mật và quyền riêng tư.

Tính năng này sẽ giúp người dùng tránh “những con mắt tò mò”: Chỉ người gửi và người nhận mới đọc được nội dung tin nhắn trao đổi giữa họ.

Trong nhiều năm, Meta đã công khai kế hoạch phát triển tin nhắn mã hóa thành chế độ mặc định cho các nền tảng nhắn tin của mình.

WhatsApp, một dịch vụ nhắn tin khác của công ty, đã được mặc định sử dụng thông tin liên lạc mã hóa vào năm 2016. Cùng năm đó, Messenger cũng cho phép người dùng tùy chọn sử dụng tính năng này.

Meta đã tăng gấp đôi công nghệ bảo mật và quyền riêng tư vào năm 2019 khi Giám đốc Điều hành Mark Zuckerberg đặt ra tầm nhìn tập trung vào quyền riêng tư cho Facebook, WhatsApp và Instagram nhằm đáp lại sự giám sát ngày càng tăng đối với các vấn đề liên quan đến nền tảng và hoạt động dữ liệu của công ty. Năm 2021, Instagram bắt đầu thử nghiệm tính năng tùy chọn tin nhắn mã hóa đầu cuối.

Hôm 6/11 vừa qua, Meta cho biết hãng đã phải “làm lại” Messenger trên quy mô lớn để hỗ trợ mã hóa đầu cuối theo mặc định. Đó là lý do tại sao công ty mất nhiều thời gian như vậy để triển khai tính năng mã hóa mặc định cho người dùng Messenger.

“Đây là những cải tiến lớn nhất đối với Messenger kể từ khi ứng dụng này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011” - Loredana Crisan, người đứng đầu Messenger, viết trong một bài đăng trên blog. Crisan cho biết công ty đã “làm việc không mệt mỏi để xây dựng lại các tính năng của Messenger từ đầu.”

Theo cài đặt mặc định mới, ngay cả Meta cũng không thể biết người dùng đang gửi gì cho nhau, Crisan nói.

Bản cập nhật không chỉ đưa Facebook và Messenger ngang hàng với WhatsApp mà còn với các ứng dụng “đối thủ” cung cấp mức độ bảo vệ tương tự như Signal và iMessage của Apple.

Crisan cho biết mặc dù tin nhắn sẽ được “bảo vệ từ thời điểm chúng rời thiết bị của bạn cho đến thời điểm chúng đến thiết bị của người nhận,” vẫn có một cách mà người khác có thể đọc được tin nhắn mã hóa: Nếu một người tham gia trò chuyện “report” tin nhắn tới Meta.

Theo CNN, dù tính năng mã hóa của Meta mang đến những lợi ích về bảo mật và quyền riêng tư, động thái của hãng có thể gây ra sự phản đối mới của các quan chức Chính phủ - những người đã cảnh báo rằng việc khiến các bên thứ ba khó đọc tin nhắn hơn có thể tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm.

Các quan chức thực thi pháp luật từ lâu đã phàn nàn rằng việc Meta chuyển hướng sang các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư hơn có thể khiến việc điều tra tội phạm trở nên khó khăn hơn.

Meta đã xung đột công khai với Bộ Tư pháp Mỹ về mã hóa vào năm 2019, khi Bộ trưởng Tư pháp lúc đó là ông William Barr kêu gọi công ty trì hoãn những nỗ lực cải tiến công nghệ của mình.

Trong một bài phát biểu tại Hội nghị Quốc tế về An ninh Mạng của Đại học Fordham, ông Barr lập luận rằng: “Bằng cách cho phép những tội phạm nguy hiểm che giấu thông tin liên lạc và hoạt động đằng sau một ‘lá chắn kỹ thuật số về cơ bản là không thể xuyên thủng,’ việc triển khai mã hóa… đã gây ra tổn thất rất lớn cho xã hội.”

Thời điểm đó, Meta đáp lại rằng lời kêu gọi kiểm soát mã hóa của ông Barr sẽ là “món quà dành cho tội phạm và tin tặc.”

Các quan chức ở Vương quốc Anh cũng chỉ trích kế hoạch của Meta.

Bộ trưởng Nội vụ Vương quốc Anh James Cleverly mới đây nói với Politico rằng quyết định của Meta “sẽ trao quyền cho những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em và cản trở khả năng của cảnh sát và Cơ quan Phòng chống Tội phạm Quốc gia trong việc đưa kẻ phạm tội ra trước công lý.”

Các cơ quan thực thi pháp luật từ lâu đã kêu gọi các công ty công nghệ thiết kế những cách chỉ cho phép các quan chức có thẩm quyền truy cập vào tin nhắn được mã hóa.

Nhưng các nhà công nghệ và chuyên gia bảo mật cho biết không có cách nào khả thi về mặt kỹ thuật để cung cấp cho “người tốt” một công cụ mà “kẻ xấu” sẽ không tự mình khám phá và sử dụng.

Có thể bạn quan tâm