Kinh tế

Mía được mùa, mất giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Niên vụ 2017-2018, năng suất mía ở khu vực Đông Nam tỉnh đạt cao nhưng giá lại giảm sâu, hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Người trồng mía khu vực này không thể hưởng trọn vẹn niềm vui được mùa.

Năng suất cao, giá giảm sâu

Niên vụ 2017-2018, hộ ông Tống Văn Hiền (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) trồng 2 ha mía. Nhờ thời tiết thuận lợi nên vườn mía đạt năng suất rất khá. “Tôi ước thu được 130 tấn mía cây. Với mức giá thu mua như hiện tại, dự tính trừ đi chi phí, 2 ha mía chỉ cho lợi nhuận 30 triệu đồng”-ông Hiền cho biết. Cũng theo ông Hiền, giá nhân công thu hoạch mía năm nay tăng khá cao, dao động quanh mức 170 ngàn đồng/tấn (các năm trước là 140-150 ngàn đồng/tấn) khiến người trồng mía càng ít có lời.

 

Thu hoạch mía bằng cơ giới. Ảnh: internet
Thu hoạch mía bằng cơ giới. Ảnh: internet

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện, niên vụ 2017-2018, toàn huyện trồng 4.892 ha mía, trong đó mía lưu gốc là 2.292 ha. Ước tính năng suất mía bình quân trên địa bàn năm nay đạt 70 tấn/ha (niên vụ trước đạt trung bình 58 tấn/ha). Ông Mai Ngọc Quý- Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết, sở dĩ năng suất mía năm nay tăng là nhờ thời tiết thuận lợi và người trồng mía chú trọng đầu tư, chăm sóc. Tuy nhiên, theo thông báo từ Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTC-Gia Lai) thì giá thu mua mía tại nhà máy năm nay của công ty là 800 ngàn đồng/tấn mía cây tươi-mức giá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. “Với mức giá như hiện nay, ước tính năng suất mía phải đạt trung bình 65 tấn mía/ha trở lên thì nông dân mới có lãi”-ông Quý tính toán.

Các huyện, thị xã khu vực Đông Nam tỉnh thuộc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của TTCS Gia Lai. Theo ông Nguyễn Bá Chủ-Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai, niên vụ 2017-2018, vùng nguyên liệu của Công ty có khoảng 11.500 ha mía với sự tham gia của trên 4.000 hộ dân tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa. Theo khảo sát mới đây của đơn vị, năng suất mía trung bình của toàn vùng năm nay tăng đến 20% so với niên vụ trước.

Lý giải nguyên nhân giá mía thu mua giảm mạnh, ông Nguyễn Bá Chủ cho rằng là do áp lực cạnh tranh khi từ năm 2018, Việt Nam sẽ chính thức thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, mặt hàng mía đường sẽ phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan và chỉ còn chịu mức thuế suất nhập khẩu 5%. Hiện nay, các nước sản xuất mía đường lớn trong khu vực như Thái Lan, Malaysia hay xa hơn là Ấn Độ, Brazil đều có chính sách ưu đãi rất tốt để phát triển ngành công nghiệp mía đường nên giá thành sản phẩm của họ rất cạnh tranh. Đặc biệt là Thái Lan, sản phẩm đường chỉ ở mức 8.000 đồng/kg. Nếu chúng ta không giảm giá tương ứng với họ thì sẽ không thể cạnh tranh và doanh nghiệp sản xuất sẽ mất thị phần ngay trên sân nhà. Bởi vậy, giá thu mía nguyên liệu đầu vào giảm là tất yếu. “Giá thu mua mía được tính toán dựa trên khuyến cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Bản thân mỗi doanh nghiệp mía đường cũng phải cân nhắc đưa ra mức giá hợp lý để làm sao lợi ích của doanh nghiệp và người dân được hài hòa. Doanh nghiệp đầu tư rất muốn giữ người trồng mía gắn bó lâu dài”-ông Nguyễn Bá Chủ khẳng định.

Hướng đi nào cho người trồng mía?

Làm thế nào để bảo đảm lợi ích người trồng mía trước áp lực giá thu mua mía sụt giảm? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Bá Chủ cho rằng: Nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất để làm tăng năng suất, đảm bảo lợi nhuận tối đa trên cùng đơn vị diện tích. “Thực tế từ năm 2015, TTC-Gia Lai đã triển khai thí điểm mô hình cánh đồng lớn tại xã Chư Mố (huyện Ia Pa) cho kết quả hết sức khả quan. Hiện nay, trên phạm vi vùng nguyên liệu do TTC-Gia Lai đầu tư đã phát triển được 300 ha mía, tương ứng 30 cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Trồng mía cánh đồng lớn, chúng tôi ước tính nông dân sẽ thu về lợi nhuận 10-12 triệu đồng/ha cho năm đầu tiên và mía vụ 2-3 sẽ tăng lên do không còn chịu chi phí giống ban đầu. TTC-Gia Lai sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư và sẽ được khấu trừ sau khi thu hoạch nên nông dân rất nhàn và không chịu áp lực về vốn. Tuy nhiên, khó khăn là nhiều nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có diện tích trồng nhỏ lẻ và manh mún, huy động dồn điền tốn nhiều công sức, thời gian”-ông Chủ cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Mai Ngọc Quý nhận định: Với áp lực giá mía thấp như hiện nay, nếu nông dân không nâng cao năng suất để tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích thì sẽ rất khó có lời. Hiểu được điều này, thời gian qua, huyện Phú Thiện đã đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân an tâm hơn khi tham gia dồn điền đổi thửa, tránh tâm lý sợ mất đất. Theo thống kê, hiện trên địa bàn huyện có 8 cánh đồng mía lớn ở 5 xã với tổng diện tích 180,75 ha. Niên vụ tới, huyện dự kiến sẽ nâng diện tích cánh đồng mía lớn lên khoảng 252 ha. Diện tích mía áp dụng cơ giới hóa đạt 580 ha, diện tích áp dụng tưới nước là 1.200 ha (trong đó có 600 ha tưới chăm sóc), diện tích cày sâu thâm canh là 700 ha…

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm