Các tập đoàn công nghệ lớn đang áp dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm giải quyết các vấn đề về năng lượng và an toàn lao động trong trung tâm dữ liệu.
Microsoft và Meta tham gia cùng Google trong việc sử dụng AI để điều hành các trung tâm dữ liệu. Ảnh chụp màn hình |
Nguy hiểm tiềm ẩn từ các trung tâm dữ liệu
Các trung tâm dữ liệu - nơi điều khiển các ứng dụng - trang web và dịch vụ mà hàng tỉ người sử dụng hàng ngày, có thể gây nguy hiểm cho những công nhân xây dựng và duy trì chúng, bởi đôi khi họ phải bảo dưỡng thiết bị điện của trung tâm dữ liệu trong khi nó đang hoạt động.
Vì thế, họ có thể tiếp xúc với các hóa chất và phát sinh những tai nạn đáng tiếc. Vào tháng 6.2015, 5 người đã phải nhập viện sau một vụ rò rỉ khí clo tại một trung tâm dữ liệu của Apple ở Maiden, Bắc Carolina, Mỹ.
Các tập đoàn công nghệ lớn đang tìm kiếm các giải pháp tốt hơn. Microsoft đang phát triển một hệ thống AI lấy dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau để tạo cảnh báo cho các nhóm vận hành và xây dựng trung tâm dữ liệu, nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động của các sự cố.
Microsoft cho biết: “Những sáng kiến này đều đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu và dự kiến sẽ mở rộng sang môi trường sản xuất của chúng tôi vào cuối năm nay”.
Meta cũng đang nghiên cứu sử dụng AI để dự đoán các sự cố có thể xảy ra khi các trung tâm dữ liệu hoạt động trong môi trường khắc nghiệt hơn.
Meta cho biết: “Mỗi máy chủ và thiết bị mạng đảm nhận các khối lượng công việc riêng, sẽ tiêu thụ lượng điện năng khác nhau, tạo ra lượng nhiệt và luồng khí khác nhau trong các trung tâm dữ liệu. Nhóm (cơ sở hạ tầng) của chúng tôi thu thập tất cả thông tin này và phát triển các mô hình AI có thể phân bổ khối lượng công việc vào các máy chủ trong trung tâm dữ liệu để cho hiệu quả tốt hơn”.
Một trung tâm dữ liệu của gã khổng lồ công nghệ Google. Ảnh chụp màn hình |
Xu hướng sử dụng giải pháp AI
Bên cạnh mục đích đảm bảo an toàn cho các trung tâm dữ liệu, vấn đề tài chính cũng là mối quan tâm của các tập đoàn công nghệ. Tình trạng cúp điện rất tốn kém và ngày càng xảy ra thường xuyên hơn. Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của IT Uptime Institute, một công ty tư vấn về công nghệ thông tin, một phần ba chủ sở hữu và nhà điều hành trung tâm dữ liệu thừa nhận đã trải qua sự cố ngừng hoạt động lớn trong 12 tháng qua. Một trong số đó tuyên bố rằng sự cố này khiến họ mất hơn 1 triệu USD.
Công nghệ AI có tiềm năng giúp tiết kiệm năng lượng - và do đó tiết kiệm chi phí trong trung tâm dữ liệu. Vào năm 2018, Google tuyên bố rằng các hệ thống AI do chi nhánh DeepMind của họ phát triển có thể tiết kiệm năng lượng trung bình 30% so với mức sử dụng năng lượng trước đây của các trung tâm dữ liệu.
Cả Meta và Microsoft đều cho biết đang sử dụng AI cho các mục đích điều chỉnh năng lượng tương tự. Microsoft đã áp dụng "phương pháp phát hiện bất thường" của AI vào cuối năm 2021 để đánh giá và giảm thiểu các sự cố.
Công ty cũng đang sử dụng các phương pháp tiếp cận dựa trên AI để xác định và khắc phục các sự cố với đồng hồ đo điện trong trung tâm dữ liệu, đồng thời xác định các điểm lý tưởng để đặt máy chủ nhằm giảm thiểu lãng phí điện năng, mạng và công suất làm mát.
Trong khi đó Meta đã sử dụng AI học tăng cường để giảm lượng không khí bơm vào các trung tâm dữ liệu nhằm làm mát. (AI học tăng cường là một loại hệ thống AI cấp độ cao, học cách giải quyết vấn đề bằng cách thử và sai).
AI cũng được kỳ vọng sẽ giúp tiết kiệm năng lượng. Theo báo cáo của Cơ quan Điều tra Môi trường, các trung tâm dữ liệu đã tiêu thụ khoảng 1% nhu cầu điện toàn cầu và góp phần tạo ra 0,3% tổng lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2020.
Microsoft trước đây tuyên bố đang xây dựng kế hoạch để tất cả các trung tâm dữ liệu của mình chạy bằng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2025. Meta tuyên bố đã đạt được kỳ tích này vào năm 2020.
Meta có hơn 20 trung tâm dữ liệu đang hoạt động trên khắp thế giới, bao gồm các dự án mới ở Texas và Missouri ước tính trị giá 1,6 tỷ USD. Trong khi đó, Microsoft quản lý hơn 200 trung tâm dữ liệu và cho biết họ đang trên đà xây dựng từ 50 đến 100 trung tâm dữ liệu mới mỗi năm trong tương lai gần.
Theo Diễm Quỳnh (LĐO)