(GLO)- Nắng xuân vàng óng chiếu xuống cánh đồng rau trải dài tít tắp, tô thắm sắc xanh tươi sáng cho miền quê nơi cửa ngõ TP. Pleiku. Hơn 1 thế kỷ trôi qua cùng với những trở mình của đất, An Phú giờ đây đã thật sự “thay da đổi thịt”, ấp ủ sớm chiều cả một miền thơm.
1. Cuối tháng Giêng, những cánh mai tứ quý còn sót lại trong khuôn viên nhà Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 2 (xã An Phú) Nguyễn Đình Long cũng đã rơi xuống, để lại mấy đài hoa đỏ au trên cành. Pha ấm trà nóng mời khách, ông Long chia sẻ: Mai vàng chính là biểu trưng dễ nhận diện của những gia đình gốc Bình Định ở phố núi Pleiku. Ông cũng không ngoại lệ. Sau cuộc “chạy giặc” từ đồng bằng lên cao nguyên vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước, ông Long cùng nhiều người dân “xứ nẫu” đã quyết định gắn bó với mảnh đất An Phú để sinh cơ lập nghiệp. “Lúc bấy giờ, nơi đây đã có nhiều người đến cư ngụ nhưng nhà cửa vẫn còn thưa thớt. Đông nhất vẫn là dân ở An Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn (Bình Định); chỉ có một số ít là ở Quảng Ngãi. Đây đều là những gia đình lên định cư theo sự chiêu mộ của các chủ mộ lập làng”-ông Long hồi nhớ.
Theo sử sách ghi chép lại, xã An Phú ngày nay được hình thành với cư dân bản địa là người Jrai sống tập trung từ làng Piơm (huyện Đak Đoa ngày nay) kéo dài theo hướng Tây Nam đến xã Chư Á (TP. Pleiku). Đến đầu thế kỷ XX, những người Kinh đầu tiên chuyển đến sinh sống tại khu vực này và tạo lập các làng: Phú Thọ, Nguyên Lợi, Quảng Định, An Mỹ và Trà Nhă. Người Kinh từ đồng bằng khi lên định cư tại An Phú đã mang theo các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa sinh hoạt sân đình.
Một góc xã An Phú nhìn từ trên cao. Ảnh: Hồng Thi |
Chỉ tay về phía ngôi đình nằm dưới gốc bàng cổ thụ, sau khi dẫn tôi xuyên qua những cung đường bê tông uốn lượn, ông Long nói: Đó là đình An Mỹ-ngôi đình duy nhất còn tồn tại cho đến ngày nay. Đình được xây dựng năm 1926 và đã được vua ban sắc phong. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, đình bị hư hại và sắc phong cũng thất lạc. Năm 2009, người dân đóng góp để tu bổ, khôi phục lại đình trên cơ sở nền nhà cũ và giữ nguyên trụ biểu, bình phong xưa. Hàng năm vào ngày Tế xuân (10 tháng 2 Âm lịch) và Tế thu (20 tháng 8 Âm lịch), bà con lại tề tựu về đình, tổ chức lễ cúng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Trước ngày giải phóng, những ngôi làng riêng lẻ dần sáp nhập, hình thành nên xã An Mỹ và xã Phú Thọ. Đến tháng 3-1976, 2 xã này tiếp tục hợp nhất lại thành xã An Phú, gồm 5 thôn người Kinh và 1 làng Jrai; trên 1.500 hộ dân với hơn 6.100 khẩu. Sau nhiều năm, vùng đất này không chỉ là chốn định cư của những người di cư từ Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên mà còn thu hút nhiều cư dân kinh tế mới từ phía Bắc vào. Đến nay, toàn xã đã có 2.846 hộ với trên 12.000 khẩu, sinh sống quây quần, đoàn kết tại 9 thôn làng.
2. Danh xưng An Phú ngay khi thốt lên đã khiến chúng ta mường tượng ngay đến một khung cảnh bình yên và trù phú. Từ lâu, nơi này được ví như đồng bằng trên cao nguyên Pleiku với những thửa ruộng bạt ngàn lúa hay lớp lớp vạt rau xanh mướt trải dài tít tắp xen lẫn giữa các nếp nhà.
Sau ngày giải phóng, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân An Phú tham gia hợp tác xã. Hoạt động sản xuất của địa phương có nhiều thay đổi về cơ cấu cây trồng. Không chỉ có cây lúa, nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng mía lấy đường cũng có sự phát triển. Thập niên 90, xã đã xây dựng 2 nhà máy đường ở 2 hợp tác xã. Ngoài ra, chăn nuôi gia cầm cũng vượt bậc hơn về quy mô, nhất là việc chăn nuôi vịt đẻ, góp phần đưa nền kinh tế địa phương trở thành ngọn cờ đầu của Pleiku lúc bấy giờ. Một thời gian sau đó, rau, hoa cũng bén rễ và phát triển mạnh, đưa An Phú trở thành một trong những vựa rau, hoa lớn nhất tỉnh. Người dân đã biết ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Trời đã đứng bóng nhưng lão nông Nguyễn Văn Thảo (thôn 2, xã An Phú) vẫn tỉ mẩn chăm sóc những luống cà rốt hơn 1 tháng tuổi. Theo các bậc cao niên nơi đây, ông Thảo chính là hậu duệ của “vua rau An Mỹ” Nguyễn Luân-một trong những người đầu tiên trồng rau ở xứ này. “Sau khi nhận thấy trồng lúa kém hiệu quả, ông nội tôi đã cải tạo đất để chuyển sang trồng rau và nuôi bò lấy phân bón. Hồi đó, dù chỉ trồng khoảng 7-8 sào nhưng vườn của ông được xem là quy mô nhất nhì trong vùng. Tất cả các khâu từ làm đất, cấy rau đến gánh nước tưới rau ngày 2 buổi rồi đến thu hoạch, ông đều thuê nhân công; trung bình tầm 10 người làm. Mùa nắng thì trồng xà lách, cải, mùa mưa thì trồng mướp, bầu, bí... Thu hoạch xong là phải kéo xe bò chở lên trung tâm Pleiku bán chứ thương lái không đến nhà như bây giờ”-ông Thảo kể lại.
Ông Nguyễn Văn Thảo (thôn 2, xã An Phú) là hậu duệ của “vua rau An Mỹ” một thời. Ảnh: Hồng Thi |
Có lẽ nghề trồng rau của gia đình đã ngấm dần vào máu khiến ông Thảo gắn bó với nó suốt mấy chục năm qua và không có ý định chuyển đổi. Gần 1 ha đất hiện có, ông dành ra 4,5 sào để trồng lúa nước, còn lại đều trồng rau. Ngoài lựa chọn giống, trau dồi thêm kỹ thuật tiên tiến, ông Thảo còn đầu tư lắp hệ thống tưới tiết kiệm nước với chi phí 5 triệu đồng/sào để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm công lao động. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng, đem lại cuộc sống tương đối ổn định.
Cùng với xu thế chung, tại xã An Phú cũng đã hình thành mô hình nông hội, giúp nông dân có chung sở thích cùng liên kết và hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nông hội rau-hoa thôn 4 ra mắt vào tháng 10-2019 với 34 hội viên; thường xuyên gặp nhau để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. “Thời gian trước, chúng tôi liên kết với Công ty cổ phần An Phú Hưng Gia Lai để bao tiêu nông sản cho hội viên. Tuy nhiên, gần đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công ty gặp khó khăn nên không tái ký hợp đồng. Ban Chủ nhiệm Nông hội đang phối hợp với UBND xã để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Thời gian này, bà con tạm bán sản phẩm cho các thương lái tại địa phương. Đáng vui mừng là giá nông sản mấy tháng gần đây khá cao, đem lại mức thu nhập ổn định cho người trồng rau, hoa trên địa bàn”-ông Nguyễn Văn My-Chủ nhiệm Nông hội rau-hoa thôn 4 thông tin.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã chọn “đất lành” An Phú để đầu tư ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó có Công ty TNHH một thành viên Hương Đất, An Phú, thành lập vào năm 2012. Với diện tích 4,4 ha, Công ty chủ yếu là sản xuất, kinh doanh và phân phối các loại rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Công ty đang hoạt động ổn định, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn rau sạch.
3. Một cuộc tái thiết mới về kinh tế nông nghiệp đang diễn ra, ủ ươm một miền thơm đầy hứa hẹn nơi vùng đất cửa ngõ phía Đông thành phố. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Phú Nguyễn Hữu Tài cho hay, tháng 10-2021, Đảng ủy xã đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 5-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku khóa XII về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, xã sẽ chuyển đổi 110,3 ha đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, hoa các loại; giai đoạn 2026-2030 tiếp tục chuyển đổi thêm 61 ha. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu và phát triển chăn nuôi bền vững. Mục tiêu phấn đấu thu nhập bình quân mỗi năm trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã đạt ít nhất 250 triệu đồng vào năm 2025 và đạt ít nhất 350 triệu đồng vào năm 2030.
Xã An Phú đang tập trung triển khai chuyển đổi đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, hoa các loại cho giá trị kinh tế cao. Ảnh: Hồng Thi |
“Theo chương trình đề ra, xã sẽ quy hoạch các vùng sản xuất rau, hoa, khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung và thực hiện quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ đất, tạo điều kiện để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch vùng trồng hoa gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Cùng với đó, đầu tư hệ thống đường giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, hệ thống điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân; quy hoạch bãi tập kết rau màu, chợ đầu mối, kho đông lạnh phục vụ cho việc bảo quản và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, xã sẽ đẩy mạnh khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư ký kết hợp đồng, xây dựng các chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản; xây dựng và phát triển thương hiệu gắn với Chương trình OCOP”-ông Tài cho biết.
*
Các ngôi làng xưa ở An Phú giờ đã mang dáng dấp của phố. Một vùng đất trù phú, no đủ hiện diện ngay cửa ngõ thành phố đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Pleiku trong những bước chuyển mình. Nghe kể chuyện xưa, nhìn ngắm cảnh nay và những hoạch định của địa phương, tin rằng, An Phú sẽ sớm trở thành miền thơm đầy hấp lực trong tương lai không xa.
HỒNG THI