Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Miền Trung tan hoang trong bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tính đến 18 giờ tối 30-9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN các tỉnh miền Trung cho biết, chưa có số liệu cụ thể về tình hình thiệt hại trong bão số 10. Nhưng ít nhất đã có hơn 10 người bị chết và bị thương trong bão số 10, hàng vạn ngôi nhà bị sập và tốc mái, hơn 5.000 ha cao su, cà phê bị quật đổ.

Lúc 15 giờ chiều 30-9, trên quốc lộ 1A từ trung tâm tỉnh Quảng Trị ra các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh mưa mù mịt cộng gió bão giật trên cấp 10. Nhà dân 2 bên đường đã ràng buộc chắc chắn. Những đoàn xe lưu thông một cách chậm chạp hoặc dừng hẳn hai bên đường để tránh gió bão. Gió bão gầm rú dữ dội khiến một số người đi xe máy phải bỏ lại xe trên đường để tìm chỗ trú ẩn an toàn. Những thân cây hai bên đường bị gãy đổ khiến quốc lộ 1A ngổn ngang.
 

Dọc quốc lộ 1A từ Thừa Thiên-Huế đến Hà Tĩnh cây cối đổ ngã trong bão gây ách tắc giao thông. Ảnh: Bùi Oanh
Dọc quốc lộ 1A từ Thừa Thiên-Huế đến Hà Tĩnh cây cối đổ ngã trong bão gây ách tắc giao thông. Ảnh: Bùi Oanh

Những mái tôn của các căn nhà tạm ven đường bắt đầu bay liệng phần phật trong gió. Biển quảng cáo đổ bay ngổn ngang trên các đồng ruộng. Nhiều căn nhà ở xã Cam Thủy, huyện Quảng Trạch bắt đầu đổ sập, nhiều người la khóc trong tiếng gió rít. Điện lưới tại Quảng Trị gần như bị cắt hoàn toàn. Sóng điện thoại di động bị chập chờn. Tại huyện Đakrông, nơi thủy điện Đakrông 3 bị thủng một lỗ trên thân đập gần 700 hộ dân phía hạ lưu đã được di dời lên khu vực cao vào trưa 30-9. Tại huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị mưa ngày càng nặng hạt, sóng to, gió mạnh đã làm tốc mái 2 ngôi nhà, trụ sở UBND huyện đảo cũng bị gió to đập vỡ kính, hư hỏng.

Tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, bão số 10 đã ảnh hưởng từ 3 giờ sáng kéo dài đến 12 giờ trưa 30-9. Từ 8 giờ sáng, bão giật mạnh cấp 11, 12 đã tàn phá thị trấn này. Báo cáo chưa đầy đủ của chính quyền thị trấn, kể từ 8 giờ sáng nay, từng đợt gió mạnh khoảng cấp 8-cấp 9 đã quần thảo thị trấn. Trên khắp địa bàn thị trấn hàng ngàn cây xanh, cổ thụ bị ngã đổ. Lúc 11 giờ cùng ngày gió giật mạnh, ít nhất 82 ngôi nhà bị tốc mái, 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; Nhà nghỉ Trung ương Đảng (T26), Nhà nghỉ Công an và Trường Tiểu học thị trấn Lăng Cô, cơ sở Hói Dừa, Trường THCS Lăng Cô-Cơ sở 2 và một số khách sạn cũng bị tốc mái.

Riêng thôn An Cư Tây có hơn 30 nhà bị tốc mái nặng và 1 nhà bị sập hoàn toàn. Nhà hàng nổi Việt Long trên đầm Lăng Cô bị gió, sóng đánh sập hoàn toàn. Có 2 trụ điện trung, hạ áp bị gãy và 3 trụ bị đổ, một số cột viễn thông đường sắt cũng bị đổ, nhiều tuyến cáp viễn thông, cáp điện trung-hạ thế bị đứt...
 

Dân phòng TP. Huế di dời phụ nữ và trẻ em đi tránh bão. Ảnh: Bùi Oanh
Dân phòng TP. Huế di dời phụ nữ và trẻ em đi tránh bão. Ảnh: Bùi Oanh

Trưa 30-9, theo ghi nhận chúng tôi tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có mưa bão. Đi xe từ thị trấn Kỳ Anh xuống cảng Vũng Áng, cây cối hai bên đường bị gió bão quật gãy ngổn ngang, không còn bóng ai trên đường. Một số quán hàng nằm dọc đường bị gió đánh tốc mái, bảng hiệu bị gió cuốn bay hàng chục mét. Tại cảng Vũng Áng, gió bão thổi mạnh. Sóng biển đánh vào bờ cao từ 6 đến 7 mét. Toàn bộ dãy quán hàng nằm bên bờ cảng bị gió, sóng đánh sập, tốc mái hoàn toàn.

13 giờ 20 phút ngày 30-9, xã biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã hứng chịu những trận sóng cực lớn, cao đến gần 20 mét. Đã có 1 dân quân bị trọng thương do giúp dân tại huyện Quảng Ninh. Trung tâm Y tế Dự phòng TP. Đồng Hới dù cách mép biển 3 km vẫn bị tốc hết mái và cửa. Hàng loạt cây xanh trên nhiều tuyến phố đã đổ rạp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn đã huy động 20 ca nô cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ sẵn sàng tham gia ứng cứu. Bộ đội Biên phòng tỉnh bố trí 300 cán bộ chiến sĩ, cùng 35 phương tiện ca nô, xe thường trực, sẵn sàng cơ động ứng phó với bão số 10. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố cùng lực lượng Cảnh sát Giao thông huy động 15 ca nô và 150 cán bộ chiến sĩ trực chiến tại các điểm xung yếu.

Hiện đã có 200 nhà dân tại huyện Lệ Thủy bị tốc mái, hàng trăm ha cao su bị ngã đổ. Như vậy, bão số 10 vào đất liền sớm hơn dự kiến... Toàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị cúp điện, chia cắt. Bà con nghe tin bão qua radio dùng năng lượng pin. Trên quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Lệ Thủy xế chiều 30-9 hầu như không một bóng người. Gió biển rít khủng hoảng. Không gian mịt mù.
 

 Nhà cửa bị bão hất văng xuống đầm Lập An. Ảnh: Bùi Oanh
Nhà cửa bị bão hất văng xuống đầm Lập An. Ảnh: Bùi Oanh

TP. Đồng Hới chìm trong nước, nhiều tuyến đường ngập sâu gần 1 mét. Quảng Bình mất điện từ 13 giờ đến 16 giờ vẫn chưa có điện trở lại. Tất cả các hoạt động đình trệ. Giao thông chia cắt, không ai có thể di chuyển được ngoài đường vì mưa bão. Trên đường phố, nhiều cây cối bị gãy đổ, mái tôn bị tốc bay tứ tung. Theo thống kê chưa đầy đủ, hàng trăm nhà ở TP. Đồng Hới bị tốc mái tôn. Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh Quảng Bình bị tốc hết phần mái phía trước, hệ thống cửa kính bị vỡ hoàn toàn. Hiện Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đang làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình về công tác chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đến hơn 16 giờ, mưa gió bão vẫn đang lồng lộn ở Quảng Bình, mỗi lúc một mạnh. Mọi hoạt động, kể cả kiểm tra phòng-chống bão, cứu hộ cứu nạn đều không thể triển khai được. Tại  thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, mưa gió tơi bời từ 10 giờ đến 12 giờ cùng ngày làm cây gãy đổ ngổn ngang, đè lên nhà dân. Trước đó có hơn 7.000 người dân ở 55 vùng tập trung tại các xã ven biển như Thanh Trạch, Hải Trạch, Phú Trạch, Nhân Trạch và các vùng dân cư ven sông Son, sông Dinh đã được di dời khẩn cấp. Học sinh của trên 100 trường được nghỉ học. Đến 17 giờ, gió tạm ngưng, người dân tranh thủ chằng chống nhà cửa và dọn cây gãy đổ quanh nhà phòng đợt mưa gió khác. Tại huyện Lệ Thủy, đến 16 giờ cùng ngày đã có 200 nhà bị tốc mái, 1 người bị thương. Trước đó 700 hộ dân đã được di dời.
 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác đối phó với bão số 10 tại Quảng Trị. Ảnh: Bùi Oanh
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo công tác đối phó với bão số 10 tại Quảng Trị. Ảnh: Bùi Oanh

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa gửi công điện tới các Sở GD-ĐT, học viện, trường ĐH-CĐ, TCCN thuộc các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên về việc đối phó với cơn bão số 10.

Bộ đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT và giám đốc học viện, hiệu trưởng các trường trong vùng bị ảnh hưởng bão khẩn trương thành lập tổ công tác triển khai các phương án phòng-chống bão để sẵn sàng ứng phó với các tình huống phức tạp. Đồng thời, các trường cần chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, ngừng các hoạt động ngoại khóa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên, học sinh và tránh thiệt hại về cơ sở vật chất của trường.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm