Pháp luật

Tin tức

Miền Trung - Tây nguyên: Nạn bảo kê vỉa hè lộng hành

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dao rựa, súng tự chế của băng nhóm hoạt động đòi bảo kê ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa). Ảnh: P.V
Trong khi nạn “tín dụng đen” chưa lắng xuống thì các tỉnh Tây Nguyên lại đối mặt với nạn bảo kê vỉa hè. Các đối tượng không ngần ngại công khai đòi chia % thu nhập, bắt nộp mỗi tháng hàng triệu đồng... để được yên ổn kinh doanh, buôn bán.
Thị uy, chúng trưng cả súng tự chế, dao rựa... phô trương thanh thế. Công an Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum... lần lượt khởi tố, bắt giam nhiều đối tượng.
Bảo kê cả hàng rong, quán bún
Thay vì hoạt động ngầm thì nay, nạn bảo kê tại các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên có dấu hiệu công khai, coi thường pháp luật. Chúng lộ liễu tìm đến các hộ kinh doanh ngay giữa ban ngày ra yêu sách... đòi bảo kê. Những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ cũng không thoát được.
Tại Gia Lai, chị Tôn Nữ Thùy Trang (46 tuổi, trú phường Yên Đỗ, TP.PleiKu) vừa thuê căn nhà trên đường Wừu của thành phố để mở quán bán bún ăn sáng. Buôn bán còn chưa ấm chỗ, Huỳnh Văn Hải (23 tuổi, trú phường Ia Kring, TP.Pleiku) gọi điện, đòi chia 50% thu nhập của quán. Nếu không, sẽ phá quán. Thấy đòi hỏi quá vô lý, chị Trang không đồng ý, tắt máy.
Khuya ngày 29.9, Hải đến quán đập vỡ tấm tủ kiếng đựng bún, yêu cầu chị Trang đưa 5 triệu đồng nếu không sẽ đốt quán. Thấy con dao nằm sẵn trên tủ kiếng, Hải tiện tay cầm lấy đe dọa cả chủ quán lẫn nhân viên, làm mọi người hoảng loạn bỏ chạy.
Tại Khánh Hòa, ông Trần Văn Sơn (55 tuổi, ngụ TP.Nha Trang) làm nghề buôn bán hàng rong tại khu vực chợ Cam Đức, xã Vĩnh Thạnh (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) cũng là nạn nhân, bị đòi bảo kê. Trưa một ngày, nhóm 4 người tay cầm theo súng tự chế, dao, rựa... đến nhà ông Sơn xưng là bảo kê khu vực chợ Cam Đức. “Chúng yêu cầu gia đình tôi phải nộp 3 triệu đồng/tháng, để được yên ổn làm ăn” - ông Sơn thuật lại. Ông không đồng ý, bất ngờ bị nhóm người này lao vào hành hung. Lo sợ nguy hại tính mạng, người nhà ông Sơn đã gọi cảnh sát 113 trợ giúp, khống chế, thu giữ tại hiện trường 1 súng tự chế, 3 dao rựa, 2 con dao, 1 cây gỗ. Các đối tượng được xác định là Trần Văn Phúc (38 tuổi), Trần Anh Tuấn (29 tuổi), Trần Thanh Hùng (41 tuổi, cùng trú tỉnh Vĩnh Long) và Trần Văn Quang (36 tuổi, trú xã Vĩnh Thạnh, TP.Nha Trang, Khánh Hòa).
Bóng dáng xã hội đen (!)
Tại TP.Kon Tum (Kon Tum), thời gian gần đây xuất hiện nhóm đối tượng từ các tỉnh phía bắc vào giành thị phần “làm ăn”. Chủ yếu là các đối tượng người Hải Phòng vào có hoạt động mua vỏ lon phế liệu của tất cả các quán nhậu ở TP.Kon Tum. Chúng trả tiền đàng hoàng, sòng phẳng. Giá cả thì băng nhóm và chủ quán tự “thỏa thuận”. Việc “mua, bán” này có gì ẩn khuất đằng sau, đó là bí ẩn. Tất nhiên, muốn thâu toán được đầu mối làm ăn này, các băng nhóm phải cạnh tranh.
Không muốn địa bàn của mình rơi vào tay người tỉnh khác, đầu tháng 8.2018, nhóm người Kon Tum đã vác súng tìm đến thanh toán. Súng đã nổ lên trước quán bar WinDow (TP.Kon Tum, Kon Tum) làm 2 người chết, 3 người bị thương. Cơ quan chức năng thu giữ nhiều vỏ đạn tại hiện trường. “Công an đang điều tra để xác định hai băng nhóm có dính dáng đến việc bảo kê hay không(?!)” - một lãnh đạo CA tỉnh Kon Tum nói với PV Lao Động. “Có tình trạng đòi bảo kê, lấy tiền xuất hiện ở Gia Lai. Trước đây, địa phương cũng xảy ra việc bảo kê thu mua dưa. Truy quét, công an bắt giữ 2 đối tượng ở huyện Kông Chro, 2 đối tượng ở huyện Chư Pah” - CA Gia Lai thông tin.
Lãnh đạo CA Gia Lai khuyến cáo: “Quan trọng là người dân hợp tác với cơ quan công an. Nếu bị các đối tượng khống chế, đòi bảo kê, cứ báo cơ quan điều tra, chúng tôi xử lý ngay, dứt điểm. Trường hợp sợ bị trả thù, ảnh hưởng đến việc kinh doanh, làm ăn rồi bí mật đưa tiền cho chúng, là đơn vị công an rất khó đấu tranh”.
Tương tự, thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ - Trưởng CA TP.Nha Trang (Khánh Hòa) nhấn mạnh: “Khi phát hiện các đối tượng đến đe dọa, đòi yêu cầu bảo kê, lấy tiền... người dân phải kịp thời báo công an. Người dân cũng phải nêu cao tinh thần cảnh giác và buôn bán đúng quy định pháp luật để không tạo kẽ hở cho các đối tượng khác lợi dụng, đòi bảo kê”.
Theo thượng tá Kỳ, có khoảng 3-4 nhóm với nhiều đối tượng hoạt động bảo kê vỉa hè ở TP.Nha Trang. Trấn áp, CA TP.Nha Trang đã triệt phá băng nhóm bảo kê, đòi lấy tiền của các hộ kinh doanh dọc vỉa hè tại phường Vĩnh Thọ. Đợt khác, CA tỉnh Khánh Hòa bắt nhóm đòi bảo kê các hộ buôn bán hoa mai Tết ở phường Vĩnh Nguyên (TP.Nha Trang). “Nhiều vụ việc, chúng tôi phải vận động, thậm chí “năn nỉ” người dân hợp tác, lúc đó mới bắt được đối tượng. CA Gia Lai và như CA các tỉnh, thành khác đều mong muốn, đề nghị người dân mạnh dạn đấu tranh với loại tệ nạn này, phối hợp tốt với cơ quan cảnh sát điều tra; công an cam kết có biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin” - lãnh đạo CA Gia Lai thẳng thắn trao đổi.
Đình Văn-Nhiệt Băng (LĐO)

Có thể bạn quan tâm