Đô thị

“Thượng tôn pháp luật” khi tham gia giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao trên toàn thế giới. Mỗi năm, thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và khoảng 50 triệu người bị thương do TNGT.

Tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2024 đã xảy ra 19.513 vụ TNGT, làm 8.990 người chết, 14.505 người bị thương. So với cùng kỳ năm trước, TNGT tăng 5,7% số vụ, giảm 8,4% số người chết và tăng 13,9% số người bị thương.

tuyentruyenantoangiaothong.jpg
Chiến sĩ Cảnh sát Giao thông tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn giao thông. Ảnh: P.V

Riêng tại Gia Lai, trong 10 tháng năm 2024 đã xảy ra 418 vụ TNGT, làm 250 người chết và 286 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2023, TNGT tăng 95 vụ, tăng 35 người chết và tăng 86 người bị thương. Trong đó, riêng tháng 10 xảy ra 43 vụ TNGT, làm 27 người chết, 27 người bị thương. Các địa phương để TNGT tăng cả 3 tiêu chí trong tháng 10 gồm: Đak Đoa, Phú Thiện, Chư Păh, Chư Prông.

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, nguyên nhân các vụ TNGT chủ yếu là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường quy định, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn hoặc điều khiển phương tiện tránh, vượt không đúng quy định, điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia… Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan khác như do hạ tầng giao thông xuống cấp, thiếu đồng bộ; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện giao thông…

Tai nạn giao thông để lại nỗi đau cho gia đình nạn nhân và gánh nặng cho xã hội; cũng là nỗi ám ảnh, day dứt suốt đời đối với người gây tai nạn. Biết bao hoài bão, ước mơ đành dang dở sau một vụ tai nạn. Những con số nêu trên chính là hồi chuông cảnh báo, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức hơn nữa khi tham gia giao thông. Thế nhưng, dù không mong muốn, TNGT vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, đe dọa tính mạng của người dân. Thực tế đòi hỏi cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa để kiềm chế, kéo giảm TNGT.

tngt-chu-se.jpg
Tai nạn giao thông vẫn luôn rình rập, đe dọa tính mạng của người dân. Ảnh: P.V

Mới đây, Tỉnh ủy Bắc Ninh và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết 1 năm triển khai thí điểm xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông”. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự quyết liệt trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, TNGT ở Bắc Ninh đã giảm 16% số vụ, giảm 20% số người chết, giảm 19% số người bị thương so với trước. Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, triển khai nhân rộng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. “Mỗi xã, phường đều an toàn giao thông; mỗi huyện, thị xã đều an toàn giao thông; mỗi tỉnh, thành phố đều an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông”-Thủ tướng nhấn mạnh.

Để kiềm chế, kéo giảm TNGT, nhiều mô hình về an toàn giao thông đã được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Gia Lai thành lập, duy trì. Có thể kể đến các mô hình như: “Cổng trường an toàn giao thông”, “Camera an ninh”, “Ánh sáng, camera, kết hợp tiếng kẻng an ninh”, “Cụm dân cư liên kết tự quản về an toàn giao thông”, “Tổ dân phố, làng tự quản về an ninh trật tự”, các tuyến đường thanh niên, cựu chiến binh, phụ nữ tự quản… Việc duy trì hoạt động của các mô hình trên đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông an toàn của người dân, hạn chế số vụ và thiệt hại do TNGT gây ra.

Đây là năm thứ 13 Việt Nam hưởng ứng “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Ngoài ý nghĩa tưởng niệm những người xấu số, đây còn là dịp để truyền đi thông điệp “mỗi người dân là một đại sứ an toàn giao thông”. Suy cho cùng, ý thức người dân chính là yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn giao thông. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên cần phải gương mẫu, đi đầu, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia giao thông. Mỗi người cần đề cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật khi tham gia giao thông.

Cùng với ý thức của người dân thì các cơ quan chức năng cũng phải nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, phát hiện và xóa “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; đề xuất khen thưởng, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân có hành động đẹp, dũng cảm vì an toàn giao thông của cộng đồng. Ngoài ra, việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng, hoàn thiện hệ thống biển báo, phân làn giao thông, nhất là phần đường dành riêng cho người đi bộ cũng là một trong những giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ, tạo sự an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

Có thể bạn quan tâm