Giải trí

Thời trang

Miss Grand Vietnam: 'Số phận' của những bộ trang phục văn hóa dân tộc thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo trưởng ban cố vấn cuộc thi, nhà đầu tư nên lưu giữ những trang phục ‘National Costume’ để sau có thể trình diễn. Đó là cách nhà đầu tư phát triển văn hóa, tạo nét đặc trưng thu hút du khách.
Thí sinh chuẩn bị cho tiết mục trình diễn trang phục văn hóa dân tộc sau cánh gà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thí sinh chuẩn bị cho tiết mục trình diễn trang phục văn hóa dân tộc sau cánh gà. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sau đêm thi “National Costume” (trang phục văn hóa dân tộc) của Miss Grand Vietnam 2024 vừa qua, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đánh giá chất lượng trình diễn cũng như chất lượng các trang phục văn hóa dân tộc tiếp tục được duy trì.

Đáng chú ý, mùa thi năm nay các nhà thiết kế sáng tạo nhiều bộ trang phục cồng kềnh, có trang phục dài tới 20m, nặng vài chục kg. Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho biết anh đã phải khá “đau đầu” khi vận chuyển trang phục, đạo cụ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết cho các thí sinh trình diễn.

Hành trình đầy áp lực

“National Costume” là một trong số những phần thi quan trọng của Miss Grand Vietnam. Mặc dù điều kiện thời tiết không thuận lợi, gây khó khăn cho ban tổ chức và đêm thi nhưng may mắn là trời đã tạnh mưa khi đêm diễn bắt đầu.

Đặc biệt, đạo diễn Hoàng Nhật Nam đánh giá: “Sự góp mặt của nhiều nhà thiết kế trẻ cho thấy các em luôn giữ được nhiệt huyết, đam mê trong lĩnh vực thiết kế trang phục đậm chất truyền thống. Tôi vui vì giá trị văn hóa Việt Nam luôn được người trẻ nhớ tới, tôn vinh và ngợi ca.”

Tổng đạo diễn Miss Grand Vietnam 2024 cho biết dàn thí sinh năm nay thể hiện được khá tốt tinh thần của trang phục cũng như đồng cảm với việc thí sinh vừa diện trang phục cồng kềnh trình diễn vừa phải thể hiện kỹ năng xử lý tình huống và bản lĩnh sân khấu.

Hầu hết các trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi năm nay đều khá cồng kềnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Hầu hết các trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi năm nay đều khá cồng kềnh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Điều khiến tôi vui là các em thí sinh tiến bộ từng ngày. Tôi chỉ giá như có thêm thời gian chăm chút hơn cho đêm thi, kiểm soát được phục trang và tư liệu xung quanh thì có lẽ đêm diễn National Costume năm nay đã được tối ưu hơn nhiều,” đạo diễn nói thêm.

Đánh giá tổng quan hơn 30 bộ “National Costume,” đạo diễn Hoàng Nhật Nam cho rằng thí sinh năm nay gặp nhiều khó khăn hơn khi địa điểm tổ chức đêm thi ở Phan Thiết, cách xa Thành phố Hồ Chí Minh. “Việc vận chuyển ảnh hưởng nhiều đến chất lượng trang phục. Tuy nhiên, các nhà thiết kế trẻ đã hoàn thành và mang đến những bộ trang phục ấn tượng,” tổng đạo diễn chia sẻ.

Khi so với chất lượng phần thi “National Costume” năm 2023, đại diện ban tổ chức nhận định mỗi mùa là một màu sắc khác nhau. Trong đó, năm nay, các nhà thiết kế đã mang đến năng lượng tích cực, thông điệp thú vị về văn hóa, truyền tải những thông điệp về văn hóa truyền thống qua những màn trình diễn đặc sắc. Qua đó, thể hiện được khả năng trình diễn của thí sinh.

Điểm khác biệt ở cuộc thi năm nay là các nhà thiết kế đã sáng tạo ra nhiều bộ trang phục cồng kềnh, có trang phục dài tới 20m, nặng vài chục kg. Điều đó khiến ban tổ chức đã phải “đau đầu” để vận chuyển trang phục, đạo cụ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết.

“Ban tổ chức buộc phải có phương án tháo lắp đạo cụ, trang phục từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Phan Thiết cho thí sinh, sau đó tiếp tục lắp ráp, gia công. Khối lượng công việc thực sự khổng lồ và kỳ công. Trong quá trình vận chuyển, có nhiều vấn đề xảy ra và chúng tôi đã phải khắc phục,” đại diện ban tổ chức cho hay.

Các nhà thiết kế trẻ đã cố gắng đưa văn hóa truyền thống vào các thiết kế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các nhà thiết kế trẻ đã cố gắng đưa văn hóa truyền thống vào các thiết kế. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Để đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ cho các thiết kế, tổng đạo diễn Miss Grand Vietnam 2024 cho biết ban tổ chức đã phải thuê hai xe tải lớn để vận chuyển trang phục cồng kềnh. Việc này tuy khó khăn nhưng bù lại các thí sinh đã có đêm trình diễn mãn nhãn, hoành tráng gửi đến người xem.

“Cần bảo tồn các trang phục văn hóa dân tộc”

Lần đầu tổ chức đêm thi “National Costume” ngoài trời, đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng gặp nhiều áp lực. Bởi “những ngày qua, Phan Thiết mưa liên tục, sân khấu ảnh hưởng khá nhiều. Việc tổ chức ngoài trời khiến tôi lo lắng sân khấu không được ấm cúng, không thể biến đêm diễn thành lễ hội của nghệ thuật, sắc đẹp và thời trang.”

Được biết, để tổ chức một đêm diễn ngoài trời như vậy khối lượng công việc sẽ gấp đôi, thậm chí gấp ba khi tổ chức trong không gian kín. Ban tổ chức lại phải nương theo điều kiện thời tiết để tìm cách xử lý, ứng phó tình huống phát sinh.

Trong vai trò trưởng ban cố vấn Miss Grand Vietnam 2024, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá các bộ trang phục văn hóa dân tộc năm nay gây ấn tượng. “Văn hóa làm phong phú đời sống, giúp nhận diện dân tộc. Việc các nhà thiết kế trẻ sáng tạo trang phục dân tộc đã cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận. Bởi các trang phục đó đã giới thiệu được đặc trưng văn hóa Việt, thông qua khai thác yếu tố lịch sử từ xa xưa đến hiện đại,” nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

Trưởng ban cố vấn Miss Grand Vietnam 2024 cho biết ông hiểu rõ việc sáng tạo trang phục “National Costume” sẽ gặp những khó khăn nhất định, và lưu ý các nhà thiết kế cũng cần cẩn trọng trong việc sáng tạo.

Sân khấu sau phần thi đặc biệt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sân khấu sau phần thi đặc biệt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

“Việc lấy thời trang làm ngôn ngữ chủ đạo để thể hiện dòng chảy văn hóa truyền thống dân tộc đòi hỏi nhà thiết kế trẻ dám sáng tạo và thuyết phục người khác chấp nhận. Trong bối cảnh mạng xã hội cởi mở như hiện nay, tôi mong cộng đồng khi bình luận có sự thiện chí, bao dung để các nhà thiết kế có thể mang đến những thiết kế tôn vinh giá trị truyền thống đích thực,” nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Như năm trước, phần thi trang phục văn hóa dân tộc của cuộc thi được đầu tư lớn. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng trang phục “National Costume” mang tính biểu diễn cao, không nên phung phí.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, nên lưu giữ những bộ trang phục ‘National Costume.’ Bởi “loạt thiết kế phù hợp với ngôn ngữ nghệ thuật đường phố. Vào những ngày hội, ví dụ ngày hội hóa trang, có thể tận dụng trang phục và trình diễn. Đó là cách nhà đầu tư tiết kiệm, phát triển văn hóa, tạo nét đặc trưng và thu hút du khách”.

Có thể bạn quan tâm