Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Mô hình kết nghĩa xây chắc tình hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các hoạt động kết nghĩa, thỏa thuận hữu nghị hai cụm, xóm dân cư và một thị trấn đã tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân Việt Nam-Trung Quốc, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng tuyên truyền, giới thiệu đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới cho lãnh đạo và nhân dân biên giới huyện Quảng Hòa. (Nguồn: Báo Cao Bằng)

Tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, nhân dân cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân, kết nghĩa nhân dân, làm tăng thêm tình hữu nghị giữa nhân dân biên giới Việt Nam-Trung Quốc, góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh, biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển.

Từ kết nghĩa xóm, bản đến kết nghĩa thị trấn

Năm 2018, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng đã tham mưu cho hai xóm biên giới Nà Thắm-Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa (Việt Nam) tổ chức kết nghĩa với xóm Phố Cũ, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đó, mối quan hệ giữa nhân dân hai bên ngày càng gắn bó, hữu nghị.

Ông Đinh Văn Tài, Bí thư Chi bộ xóm Nà Thắm-Nà Chào (đã sáp nhập từ 2 xóm cũ), cho biết cư dân hai bên biên giới vốn có lịch sử quan hệ rất gần gũi, lâu đời, có nhu cầu giao lưu, trao đổi trong đời sống xã hội. Sau khi ký kết nghĩa, người dân hai bên được tạo điều kiện đi lại thăm thân vào các ngày lễ, Tết truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tăng thêm tình gắn bó đoàn kết, truyền thống hữu nghị giữa hai địa phương.

Sau khi kết nghĩa, các mối quan hệ thân tộc, anh em, vợ chồng giữa cư dân biên giới được kết nối nên bà con rất phấn khởi. Trong xóm Nà Thắm-Nà Chào (Việt Nam) cũng có người kết hôn với người ở xóm Phố Cũ (Trung Quốc). Cuộc hôn nhân này đã được cơ quan có thẩm quyền hai nước làm thủ tục theo đúng pháp luật và hai bên gia đình được đi lại thăm thân.

Vào những ngày hội, hai bên đều được sang dự, giao lưu văn hóa, văn nghệ thể thao… Ngoài ra, hai bên còn thường xuyên trao đổi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mía, lao động việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Gắn chặt thêm tình hữu nghị, năm 2021, người dân xóm Phố Cũ (Trung Quốc) còn hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho xóm Nà Thắm-Nà Chào để xây dựng Nhà văn hóa xóm. Nhà văn hóa có quy mô gần 2.000m2, đang sử dụng hiệu quả, là nơi nhân dân đến hội họp, luyện tập, vui chơi thể thao, biểu diễn văn nghệ…

Từ mô hình kết nghĩa thành công ở cấp thôn, xóm, tháng 10/2023, huyện Quảng Hòa tiếp tục thực hiện kết nghĩa ở cấp thị trấn. Huyện đã cùng với huyện Long Châu (Trung Quốc) tổ chức cho thị trấn Tà Lùng (Việt Nam) kết nghĩa với trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu (Trung Quốc).

Lễ ký kết thỏa thuận hữu nghị giữa thị trấn Tà Lùng và thị trấn Thủy Khẩu. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Cao Bằng)

Bà Đàm Thị Phượng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Tà Lùng, cho biết theo các nội dung ký kết, cấp ủy, chính quyền, nhân dân hai bên biên giới cùng tích cực tham gia phòng, chống và tố giác tội phạm; phối hợp với các cấp, ngành chức năng làm tốt công tác phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo để chống phá đường lối, chính sách, tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước...

Nhờ thực hiện tốt việc kết nghĩa nhân dân, phối hợp bảo vệ an ninh biên giới, thị trấn Tà Lùng đã hai lần được chọn làm nơi tổ chức Chương trình Giao lưu Hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc (năm 2018 và năm 2022).

Việc kết nghĩa cấp thị trấn đã mở thêm nhiều cơ hội cho cư dân hai bên biên giới tăng cường các hoạt động xã hội, giao thương hàng hóa.

Chị Lương Bảo Giang, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất, nhập khẩu nông sản, thị trấn Tà Lùng cho biết ngay sau khi ký kết thỏa thuận kết nghĩa, hàng nông sản của công ty từ thị trấn Tà Lùng đã được vận chuyển sâu vào trấn Thủy Khẩu, rất thuận tiện cho các đối tác của công ty đến giao dịch vận chuyển vào sâu hơn nội địa Trung Quốc. Nhờ đó, công ty đã có thể mở rộng sản xuất kinh doanh, có thêm nhiều bạn hàng mới.

Nhân dân hai nước cùng bảo vệ an ninh biên giới

Theo nội dung kết nghĩa, các cụm cư dân hai bên biên giới còn phối hợp tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật về biên giới quốc gia, các hiệp định, nghị định, quy chế quản lý biên giới chung, truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước.

Trung tá Nguyễn Hữu Thảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, cho biết Đồn đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương, trao đổi với phía bạn để hai bên cùng tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm của công dân về độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, giữ gìn an ninh trật tự biên giới. Nhờ đó, ý thức của nhân dân về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ngày càng được nâng cao.

Xóm Nà Thắm-Nà Chào và xóm Phố Cũ sau khi được tuyên truyền 3 văn kiện pháp lý về biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc đã trao đổi, thống nhất về các kế hoạch bảo vệ biên giới. Nhân dân hai bên cùng nhau đi phát quang cây cỏ, thông tầm nhìn trên đường biên, mốc giới; tổ chức giao ban luân phiên hai bên để thông tin, trao đổi tình hình và giải quyết các vụ việc liên quan ngay từ cơ sở, bảo đảm theo đúng hiệp định mà hai nước đã ký kết.

Khi có vấn đề, sự việc xảy ra trên tuyến biên giới, hai bên cùng thông báo cho nhau để đối thoại, tìm hiểu, giải quyết đúng pháp luật và hợp tình hữu hảo...

Bí thư Huyện ủy Quảng Hòa Đỗ Văn Thắng nhận xét các hoạt động kết nghĩa, thỏa thuận hữu nghị hai cụm, xóm dân cư và một thị trấn đã tăng cường mối quan hệ hai dân tộc, đoàn kết quân dân, bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Hoạt động kết nghĩa giúp địa phương chủ động phát hiện, phòng ngừa, giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc liên quan đến hai bên biên giới...

Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới ở Cao Bằng đã thể hiện sự vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm của Đảng trong công tác dân vận của lực lượng Bộ đội Biên phòng và các địa phương trong tình hình mới, góp phần quan trọng xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, ổn định, phát triển.

Có thể bạn quan tâm