(GLO)- Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2016 và 2017, huyện Đức Cơ đã triển khai mô hình canh tác hồ tiêu bền vững. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả, mở ra hướng đi mới cho người trồng hồ tiêu trong huyện.
Huyện Đức Cơ hiện có hơn 610 ha hồ tiêu, trong đó hơn 429 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm gần đây, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và các chất điều hòa sinh trưởng để tăng năng suất đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, khiến dịch bệnh bùng phát trên cây hồ tiêu, gây thiệt hại về kinh tế.
Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế (ảnh minh họa). |
Trước thực trạng trên, năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện Đức Cơ đã triển khai thí điểm mô hình canh tác bền vững giúp cây hồ tiêu phát triển ổn định, tăng năng suất và chất lượng. Từ những thành công bước đầu, năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục nhân rộng lên 30 mô hình canh tác hồ tiêu bền vững ở các xã: Ia Dom, Ia Kla, Ia Nan và Ia Pnôn với 30 hộ tham gia, diện tích 3,75 ha. Tổng kinh phí thực hiện các mô hình hơn 772,5 triệu đồng (nguồn vốn sự nghiệp khuyến nông huyện hỗ trợ 360 triệu đồng, người dân đóng góp đối ứng 412,5 triệu đồng).
Sau 1 năm triển khai, mô hình canh tác hồ tiêu bền vững đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Siu Thin (thôn Mook Trang, xã Ia Dom), một trong 30 hộ tham gia mô hình, cho biết: “Gia đình tôi có hơn 5 sào đất vừa được huyện hỗ trợ phân bón, chế phẩm sinh học và các loại vật tư để trồng 580 trụ tiêu. Khi tham gia mô hình, tôi được cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn cách ủ phân, bón phân và quy trình kỹ thuật chăm sóc. Sau gần 1 năm, vườn tiêu của gia đình phát triển rất xanh tốt, nhiều cây đã phủ trụ, hy vọng cho năng suất cao”.
Tham gia mô hình canh tác hồ tiêu bền vững từ năm 2016, hiện vườn cây của gia đình ông Huỳnh Được (tổ dân phố 9, thị trấn Chư Ty) phát triển rất tốt. Mới bước sang năm thứ 2 nhưng một số trụ tiêu đã được thu hoạch. Ông Được cho hay: “Tôi đã thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc theo đúng hướng dẫn của cán bộ trong 2 năm qua và nhận thấy việc sử dụng phân hữu cơ tự ủ rất hiệu quả, ít tốn kém mà cây tiêu vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh”.
Trao đổi với P.V, ông Đặng Văn Hải-Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện Đức Cơ, cho biết: Khi tham gia mô hình, người dân được tiếp cận với các biện pháp thâm canh cây hồ tiêu theo hướng bền vững. Họ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân và cách phòng bệnh chết nhanh, chết chậm. Cây hồ tiêu chủ yếu sử dụng các loại phân bón sinh học. Việc bón phân cân đối, tăng cường phân hữu cơ, vi sinh vật, nấm Trechoderma... đã giúp cây sinh trưởng tốt, gié hoa dài, bộ rễ phát triển khỏe. Đặc biệt, người dân có thể tự ủ phân vi sinh theo quy trình được trạm hướng dẫn. Chỉ cần 35 kg đậu nành và một gói chế phẩm sinh học, bà con có thể ủ được 300-400 lít phân sinh học. Vì thế, chi phí cho việc thực hiện mô hình này rẻ hơn nhiều so với biện pháp thông thường.
Cũng theo ông Hải, canh tác hồ tiêu bền vững giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế được dịch bệnh. Mục tiêu chính của dự án là làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, bón phân cân đối, hợp lý và sử dụng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, góp phần giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, mô hình sử dụng phân hữu cơ, vi sinh góp phần bảo vệ tốt môi trường đất, nước và môi trường sống.
Lê Nam