Kinh tế

Mở ra nhiều kỳ vọng mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mục tiêu của dự án là nâng cao năng lực thông hành, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, đảm bảo an toàn giao thông, thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực, củng cố quốc phòng-an ninh của các tỉnh Tây Nguyên; phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển giao thông. Theo đó, việc khởi công công trình diễn ra sáng 9-6-2013 tại Km 1613+600 đường Hồ Chí Minh (thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) thực sự đã mở ra nhiều kỳ vọng mới không chỉ cho tỉnh Gia Lai.

Quốc lộ 14 là tuyến giao thông huyết mạch nối các tỉnh Duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh của các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Song hiện nay, nhiều đoạn đường của quốc lộ 14 đi qua các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã và đang bị xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông và vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng trên tuyến đường này.

 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Ngoài ra, trên tuyến còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại cả về người lẫn tài sản. Bởi vậy, việc nâng cấp, mở rộng tuyến đường là điều cần thiết và cấp bách.

Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn Pleiku-Cầu 110 tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm nhà đầu tư có tổng chiều dài tuyến gần 60 km, tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỷ đồng trong đó Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tài trợ gần 1.600 tỷ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.  

Riêng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là 100 tỷ đồng. Tiêu chuẩn thiết kế kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Quy mô mặt cắt ngang đoạn ngoài đô thị chiều rộng nền đường 12 mét, mặt đường bê tông nhựa rộng 11 mét với 2 làn xe cơ giới. Đoạn qua đô thị, trước mắt, đầu tư với quy mô chiều rộng nền đường 23,5 mét bao gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.

Để hoàn vốn đầu tư dự án, nhà đầu tư sẽ xây dựng 2 trạm thu phí tại Km 1610+800 và Km 1667+470 (dự kiến bắt đầu đi vào thu phí từ tháng 1-2016) với mức phí bằng 3,5 lần mức cơ bản tại Thông tư 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính, ba năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng tối thiểu 18%.

Phát biểu tại lễ khởi công, ông Bùi Pháp- Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đức Long Gia Lai khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ cùng với nhà thầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng công trình, hoàn thành vào tháng 12-2015 hoặc sớm hơn để đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung”.

 

Ảnh: Hà Duy
Ảnh: Hà Duy

Đồng thời, ông cũng đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Giao thông-Vận tải cùng các bộ, ngành và lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn thực hiện dự án, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để hoàn thành việc thi công công trình đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra.

Có thể nói, việc chọn lựa đầu tư cho dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) đoạn Pleiku-Cầu 110 tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT của Tập đoàn Đức Long Gia Lai được coi là thức thời và có phần… liều lĩnh. Song theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn, đó là minh chứng cho vai trò tiên phong của Đức Long Gia Lai trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa về xây dựng giao thông, tạo động lực để Tây Nguyên đột phá và phát triển theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng của Chính phủ.

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, phát biểu tại lễ khởi công, Đại tướng Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh: “Đề nghị Bộ Giao thông-Vận tải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Phối hợp với nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, phục vụ tốt cho việc thi công công trình. Tôi cũng đề nghị đồng bào và các tầng lớp nhân dân khu vực triển khai dự án hợp tác, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đề ra. Buổi lễ lần này là một sự kiện trọng đại mở đầu cho việc khởi công hàng loạt dự án BOT khác trên quốc lộ 14 để hoàn thành việc thông tuyến quốc lộ 14 trong tháng 12-2015 theo chủ trương của Chính phủ”.

Đây cũng là cơ hội để Đức Long chứng minh năng lực thật sự của mình trong lĩnh vực thi công xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Ông Bùi Pháp cho biết thêm: “Sự thành công của dự án sẽ là điều kiện để Đức Long Gia Lai tiếp tục triển khai thi công các đoạn còn lại của đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14) bằng nguồn trái phiếu Chính phủ và dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 19 từ cầu Bà Di, tỉnh Bình Định đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, Gia Lai với tổng chiều dài 239 km theo chủ trương của Chính phủ”. 

Được biết, dự án BOT Gia Lai là công trình giao thông thứ 3 Đức Long Gia Lai triển khai trên tuyến quốc lộ 14. Đầu tiên phải kể đến là dự án xây dựng quốc lộ 14 đoạn từ Cây Chanh đến thị xã Đồng Xoài (Km 887-Km 962) theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng, chiều dài 75 km; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 14, đoạn Km 817-Km 887 tỉnh Đak Nông theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, tổng chiều dài 73 km.

Như vậy, trên toàn tuyến quốc lộ 14 từ TP. Pleiku đến huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước có tổng chiều dài 404 km, Đức Long Gia Lai và các công ty thành viên đã được Bộ Giao thông-Vận tải, tỉnh Bình Phước, Đak Nông chọn là nhà đầu tư triển khai 3 dự án với tổng chiều dài trên 210 km chiếm trên 1/2 tổng chiều dài toàn tuyến với tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.

Khi các dự án hoàn thành và đi vào thu phí, đơn vị sẽ thu về ước tính ít nhất là 1.000 tỷ đồng/năm với mức thu phí bằng 3,5 lần và 3 năm điều chỉnh giá thu phí một lần, mỗi lần tăng tối thiểu 18%. Đó là cơ chế đặc thù của Chính phủ dành cho Tây Nguyên. Riêng với dự án BOT Gia Lai, thông qua 2 trạm thu phí, đơn vị đầu tư sẽ được hoàn vốn trong vòng 22 năm.

Với việc ký cam kết về công tác giải phóng mặt bằng giữa Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng với Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng cùng với văn bản thỏa thuận tài trợ vốn giữa lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tin rằng dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch và đáp ứng được mục tiêu ban đầu của dự án.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm