TN - Đất & Người

Mở rộng cấp mã số vùng trồng cho nông sản Tây Nguyên rộng đường xuất ngoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk đang cùng với người nông dân tích cực mở rộng đăng ký cấp mã số vùng trồng. Việc này nhằm giúp nông sản của Tây Nguyên rộng đường xuất ngoại. 
 
Nhiều nông sản ở Tây Nguyên như: Sầu riêng, bơ, mắc ca, điều... sau khi được cấp mã số vùng trồng sẽ rộng đường xuất ngoại theo con đường chính ngạch. Ảnh: Phan Tuấn
Nhiều nông sản ở Tây Nguyên như: Sầu riêng, bơ, mắc ca, điều... sau khi được cấp mã số vùng trồng sẽ rộng đường xuất ngoại theo con đường chính ngạch. Ảnh: Phan Tuấn
Tạo lập chỗ đứng ổn định
Vựa xoài lớn nhất tỉnh Đắk Nông nằm ở xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil đã được cấp mã số vùng trồng với diện tích 88ha. Theo UBND huyện Đắk Mil, việc áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những yếu tố quan trọng để xoài Đắk Gằn được cấp mã số vùng trồng.
Sau khi được cấp mã số, vùng sản xuất xoài ở xã Đắk Gằn đã thay đổi theo hướng tích cực. Thành công nhất với người nông dân nơi đây là sản phẩm xoài có xuất xứ từ xã Đắk Gằn đã được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Úc, Mỹ... chấp nhận. Việc này không chỉ giúp xoài Đắk Gằn có đầu ra rộng mở hơn mà giá thành cũng cao hơn. 
Ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn cho biết, Nghị định thư giữa Việt Nam và Trung Quốc là cơ hội rất tốt để cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đường đường chính chính.
Để nắm bắt cơ hội này, từ năm 2020 đến nay, đơn vị đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu với 33 mã số vùng trồng cho 1.160ha sầu riêng.
Hiện đơn vị đang có 9 cơ sở đóng gói với diện tích mặt bằng xưởng gần 60.000m2, có thể đáp ứng năng lực thu mua những vùng liên kết với sản lượng 200.000 tấn mỗi năm.
"Hiện tại, chúng tôi đã liên kết với 20 hợp tác xã có quy mô hơn 6.000ha. Trong đó, đã hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng là hơn 2.500ha. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, các doanh nghiệp phải qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành tăng cao và lợi nhuận thu về ít hơn khi xuất khẩu chính ngạch" - anh Trung cho biết.
Theo Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, những yêu cầu về xây dựng, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là rất nghiêm ngặt, nhất là các đối tác nhập khẩu trái cây của Việt Nam.
Bên cạnh đó, người dân vẫn chưa có ý thức trong việc chấp hành các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để được cấp mã số. Điều này dẫn đến nhiều khó khăn trong việc xin cấp mã số cho vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Tỉnh Đắk Nông cũng đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật quan tâm, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách lĩnh vực tham mưu cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Qua đó, giúp các đơn vị, cá nhân nắm được các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. 
 
Để được cấp mã số cơ sở đóng gói, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải vượt qua nhiều điều kiện khá nghiêm ngặt.
Để được cấp mã số cơ sở đóng gói, đòi hỏi các đơn vị sản xuất phải vượt qua nhiều điều kiện khá nghiêm ngặt.
Mở rộng đăng ký mã số vùng trồng
Krông Pắk là "thủ phủ" sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk với diện tích hơn 4.000ha, sản lượng đang cho thu hoạch khoảng 50.000 tấn/năm. 
Theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, sản phẩm sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với địa phương.
Hiện huyện Krông Pắk đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng tập thể. Trong đó, có 1.040ha được cấp mã vùng trồng và đang tiếp tục đề xuất cấp khoảng 1.000ha nữa.
Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 vùng trồng, 3 cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số và đang hoạt động hiệu quả.
Hiện ngành chức năng đang hướng dẫn cho 7 vùng sản xuất, 1 cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây đăng ký mã số. Ngoài hướng dẫn về mặt thủ tục, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ về đầu tư hạ tầng, thiết bị và nhiều yếu tố khác cho các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói trái cây.
Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, vừa qua, ngành Nông nghiệp đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá các vùng trồng trọt tập trung, cơ sở đóng gói sản phẩm trái cây tại các huyện, thành phố.
Mục tiêu của ngành Nông nghiệp là thiết lập các vùng trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm có chất lượng tốt. Từ đó, ngành Nông nghiệp hỗ trợ các vùng sản xuất, cơ sở đóng gói triển khai các bước để được cấp mã số.
Ngành Nông nghiệp sẽ quy hoạch, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng tập trung cho từ 4 - 6 loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu như: Sầu riêng, bơ, xoài, mắc ca, điều…
Theo Phan Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm