Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Mở rộng chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Bộ Khoa học công nghệ vừa ký Quyết định số 2465/QĐ-SHTT về việc thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sâm củ Ngọc Linh. Theo đó, tỉnh Kon Tum có thêm 7 xã, tỉnh Quảng Nam có thêm 6 xã được công nhận có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, quy trình kỹ thuật sản xuất, giống sâm… tương đồng với chỉ dẫn địa lý đã công bố trước đó.

 Sâm Ngọc Linh sinh trưởng trên dãy núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.200 - 2.500m
Sâm Ngọc Linh sinh trưởng trên dãy núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.200 - 2.500m



Cây sâm Ngọc Linh là loài thứ 3 của chi Panax L. được tìm thấy và công bố chính thức ở Việt Nam. Đây là một loài mới của chi Panax L., họ Nhân sâm (Araliaceae), là loài thứ 20 thuộc chi Panax được phát hiện trên thế giới và là loài đặc hữu của hệ thực vật Việt Nam.

Một số kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, sâm Ngọc Linh có các tác dụng dược lý như bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, chống stress tâm lý, chống lão hóa, kháng khuẩn, cải thiện chức năng gan… Sâm Ngọc Linh, hay còn gọi là sâm K5 được coi là sản vật quý của núi rừng Ngọc Linh thuộc tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Sâm Ngọc Linh sinh trưởng trên dãy núi Ngọc Linh, thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ở độ cao 1.200 - 2.500m, mật độ che phủ rừng tự nhiên là trên 70%, có nhiều thung lũng hẹp, sâu.


 

Sâm giống Ngọc Linh được trồng tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Sâm giống Ngọc Linh được trồng tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam



Quy trình kỹ thuật sản xuất, giống sâm được lấy từ hạt cây mẹ, cây mẹ cần có độ tuổi từ 4 năm trở lên, có biểu hiện tiêu biểu của giống và được chăm sóc đặc biệt. Hạt giống phải đạt độ chín, quả có màu đỏ tươi, xuất hiện chấm đen ở đầu. Cây giống phải sinh trưởng khỏe, thân vững chắc, lá màu xanh hoặc xanh đậm, có 1 lá kép và 5 lá chét. 

Trong những năm gần đây, đã có nhiều dự án bảo tồn và phát triển loại dược liệu quý hiếm này được 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum triển khai đầu tư đúng mức, đến nay sâm Ngọc Linh của 2 địa phương này đã được bảo tồn và hướng đến phát triển bền vững.


 

Sản phẩm sâm củ Ngọc Linh bán tại phiên chợ sâm được tổ chức ngày đầu hàng tháng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Sản phẩm sâm củ Ngọc Linh bán tại phiên chợ sâm được tổ chức ngày đầu hàng tháng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam


Đến thời điểm hiện tại, Quảng Nam đã có 7 xã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý đối với sảm phẩm sâm củ Ngọc Linh, gồm các xã: Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang, Trà Dơn, Trà Don, Trà Leng, Trà Tập (huyện Nam Trà My); Tỉnh Kon Tum đã có 8 xã bao gồm: Măng Ri, Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp thuộc huyện Đắk-Glei; xã Đăk Na, Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tê Xăng thuộc huyện Tu Mơ Rông đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”.

Việc mở rộng chỉ dẫn địa lý là điều kiện quan trọng để bảo tồn và phát triển bền vững vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam và Kon Tum.

Ngọc Khánh (baotainguyen)

Có thể bạn quan tâm