Kinh tế

Mơ về thương hiệu xoài Phú Bổn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hồi tôi mới đặt chân lên Pleiku xin việc, thời gian đợi chờ dài như thế kỷ. Tôi tìm vui những ngày đầu hạ nơi “đất khách” bằng cách đạp xe loanh quanh chơi phố. Hụt hơi vượt dốc, xanh mặt ghì phanh trước phanh sau xổ dốc dài. Thư giãn đâu chẳng thấy chỉ được cái mệt, hồi hộp và căng thẳng nên cảnh vật chỉ loáng qua. Ấn tượng đọng lại có dãy hàng bày bán xoài dọc đường.

Xoài chất đầy trong giỏ tre, bày trên tấm ni lông… Dừng chân nghỉ thở, vét túi tiền còm vẫn mua được đến dăm cân. Ôi chao là rẻ! “Chú yên tâm đi, xoài Phú Bổn ngon lắm, đang chính vụ nên giá rất mềm”-chị bán hàng giới thiệu. Rồi ngày “hồi cố”, quà mang theo là một túi xoài to vật vã dù biết ở quê mùa này cũng có xoài. Đặc sản trái cây miền đất bazan phải là bơ, sầu riêng chẳng hạn, biết thế nhưng giá đắt òm!

 

Xoài Phú Bổn được mọi người ưa chuộng. Ảnh: K.N.B
Xoài Phú Bổn được mọi người ưa chuộng. Ảnh: K.N.B

Sự hấp dẫn của xoài Phú Bổn lúc chín là vị ngọt lành lẫn vị chua. Chỉ cần bóc lớp vỏ mỏng là phần “thịt” hiện ra, vàng mọng mịn màng, tươm nước đến tận hạt. Mút hạt xoài Phú Bổn giúp ta thỏa mãn cái thú thèm xoài còn vương lại tự ngày bé thơ con nhà nghèo đông anh em vì hương vị của nó vẫn còn lẩn quất ngay ở lớp xơ mịn phủ bên ngoài lớp vỏ hạt cứng!

Có nhiều ý kiến xung quanh xuất xứ giống xoài này. Chỉ biết hiện giờ nó có mặt ở khắp các huyện Phú Thiện, Ia Pa, thị xã Ayun Pa (vùng Phú Bổn cũ). Thì cứ theo tên gọi mà lần tìm, xoài Phú Bổn có lẽ có từ khi vùng đất này mang tên gọi… Phú Bổn (giải thích thế cho lành)! Còn về cội nguồn, nó có thể được cải tạo từ giống xoài rừng ở đây, ưu điểm chọn lọc được giữ lại là vị chua lẩn quất nơi đầu lưỡi ngay cả khi chín vàng, để phân biệt với các giống xoài khác. Năng suất quả ư? Thổ nhưỡng và khí hậu ở đây rất phù hợp nên ít cần sự can thiệp của con người như tưới tắm vào mùa khô, phòng trừ các loại bệnh lúc đơm hoa, kết trái mà vẫn sai lúc lỉu. Câu phương ngôn được cư dân ở đây lưu truyền: “Được mùa lúa, úa mùa xoài”, đủ khẳng định xoài Phú Bổn được chăm trồng gần như hoàn toàn theo hướng tự nhiên.

Còn nhớ, lần đầu tiên được về huyện Ayun Pa (cũ) công tác vào dịp hè. Dọc con đường xuôi về phố huyện loang loáng thấy nhà sàn, nhà xây mái thấp lẩn khuất trong màu xanh của bạt ngàn xoài. Quả từng chùm vàng, xanh lúc lỉu, buông thõng bên ngoài bờ rào, tôi lấy làm ngạc nhiên cho cái sự lành tính của trẻ con ở đây. Thì ra đã nhầm, nhà nào cũng trồng xoài, nhiều vô kể, rẻ vô cùng, hơi sức đâu mà nghịch phá hay hái trộm. Hết đợt công tác, tôi đặt vấn đề mua xoài về làm quà thì được tặng ngay hẳn một gùi xoài chín, dễ đến mươi cân. “Bán mua gì món này ở đây”-anh bạn đón tiếp đoàn cười nhẹ nói.

Hiện nay, diện tích xoài ở vùng đất Phú Bổn cũ, với giống xoài truyền thống vẫn được mở rộng. Đầu ra sản phẩm là thị trường cả nước nhưng vẫn vướng tình trạng chung “được mùa mất giá”. Người nông dân ngóng tin, mong mỏi sự ra đời một nhà máy chuyên chế biến xoài ngay trên địa bàn để xoài Phú Bổn không chỉ tìm được thị trường trong nước mà còn xuất khẩu. Có như thế người trồng mới yên tâm, vùng nguyên liệu xoài thu hút được nhiều lao động. Trong xu thế hội nhập, “vươn ra biển lớn” lẽ nào quả xoài chỉ là đặc sản của dân ta. Quả xoài và những sản phẩm làm từ xoài phải đến được với thực khách nhiều quốc gia khác, có mặt ở bàn ăn của cả chính khách… Tại sao chúng ta không dám mong để rồi hiện thực hóa ước mong chính đáng này?!

Nguyên Đình

Có thể bạn quan tâm