Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 thực hiện trên phạm vi cả nước. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Nguồn vốn và cơ cấu vốn huy động để thực hiện chương trình dự kiến khoảng 45.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế…
Ảnh internet |
Chương trình OCOP bắt nguồn từ OVOP (mỗi làng một sản phẩm) của người Nhật. Người đầu tiên nghĩ ra ý tưởng này là Giáo sư Morihiko Hiramatsu-Tỉnh trưởng Oita, một tỉnh nghèo của Nhật Bản. Trước làn sóng công nghiệp hóa cao độ, người dân ùn ùn lên đô thị, nông thôn gần như bị bỏ hoang, Morihiko kêu gọi FDI thất bại và ông kịp nhận ra, Oita có nhiều sản phẩm đặc trưng, văn hóa rất đa dạng, tại sao không kêu gọi mỗi làng một sản phẩm? Tỉnh Oita của Tỉnh trưởng Morihiko sau đó đã thành công với ý tưởng này.
Và khi “phiên bản” này được chuyển về Quảng Ninh của Việt Nam, chỉ trong vòng 3 năm, tỉnh này cũng đã thành công.
Chương trình OCOP không có nghĩa bình quân “mỗi xã một sản phẩm” mà 1 xã có thể có nhiều sản phẩm, cũng có xã không có sản phẩm nào. Đây đầu tiên là vấn đề ý thức: có rất nhiều sản phẩm bản địa lâu nay chưa trở thành hàng hóa, nhưng sự cổ vũ của chương trình OCOP sẽ biến những sản phẩm ấy thành hàng hóa. Từ những sản phẩm tự cung, tự cấp của nông thôn trở thành sản phẩm hàng hóa có thể chiếm lĩnh thị trường cả nước, thậm chí xuất khẩu, đó chính là mục tiêu mà chương trình mỗi xã một sản phẩm hướng đến.
Lâu nay, chúng ta hay kêu gọi sản xuất “theo phong trào”. Đây là một câu chuyện khác hẳn. Chương trình OCOP nhằm biến những sản phẩm đã có của chính địa phương mình thành hàng hóa, để bán được, mang lại lợi nhuận cho người sản xuất.
Những người sản xuất ở đây là nông dân, đặc biệt là nông dân từ 30 tuổi trở xuống, những người có nhiệt huyết, sự dũng cảm cần thiết khi khởi lên việc tạo dựng sản phẩm. Và cả sự dũng cảm chấp nhận nếu thất bại sẽ tiếp tục với những sản phẩm khác. Vì không ai dám bảo đảm 100% thành công khi sản xuất và biến những sản phẩm của mình thành hàng hóa. Xúc tiến thương mại là việc phải làm, nhưng đầu tiên là phải có sản phẩm đủ khả năng biến thành hàng hóa. Với chương trình này, những làng, xã nghèo có thể vượt lên nhờ những đặc sản của địa phương mình lâu nay không bán như hàng hóa được.
Với Gia Lai cũng như vậy. Một tỉnh miền cao nguyên như Gia Lai có vô vàn sản phẩm độc đáo từ mỗi buôn làng. Làm sao những sản phẩm ấy thành hàng hóa, bán được, bán chạy thì người dân tất sẽ thoát nghèo và dần dần vươn lên khá giả. Những sản phẩm đã có từ trước của Gia Lai sẽ cùng với những sản phẩm mới được tạo ra cùng xuất hiện trên thị trường. Xúc tiến thương mại để đưa những sản phẩm này ra thị trường là việc của cả nước, nhưng từng địa phương phải tích cực kết nối để tìm được đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Trong cuộc vận động này, động lực tinh thần, sự tự tin, óc sáng tạo là vô cùng quan trọng. Ở những làng nghèo, người dân thường rất tự ti. Làm sao để khơi dậy quyết tâm thoát nghèo bằng chính những sản phẩm mà họ có, đó mới là cách thoát nghèo bền vững. Có lẽ người Nhật cũng bắt đầu như vậy và họ đã thành công. Quảng Ninh cũng thế. Đây là chương trình huy động nguồn lực từ chính nhân dân, Nhà nước chỉ đứng ra tổ chức, truyền cảm hứng, lo cho đầu ra sản phẩm. Và đó chính là sự phát triển bền vững cho bất cứ chương trình kinh tế nào.
Chương trình OCOP không hướng tới các “đại gia”, mà hướng tới nông dân, thậm chí hướng tới những người nghèo, những người ở miền núi, những người sẽ trở thành chủ thể của chương trình. Chính vì vậy, ở Việt Nam bây giờ rất cần tinh thần của Tỉnh trưởng Oita nói trên, một quan chức biết vì dân và biết làm sao để dân mình trở nên khá giả ngay tại quê hương còn nhiều khó khăn.
Đó là một hướng vượt khó bằng chính nội lực của mình. Chúng ta đã từng thành công với chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Bây giờ là chương trình mỗi xã một sản phẩm, người Việt sản xuất ra hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người Việt.
Từ thành công của Quảng Ninh, khi được tổ chức ở tầm quốc gia, chương trình OCOP sẽ thành một cuộc vận động lớn nhằm phát huy nội lực và sự sáng tạo của người Việt, của những vùng nông thôn còn nghèo để tạo nên sản phẩm từ chính những đặc sản thế mạnh của địa phương mình và bán được ra những thị trường rộng lớn.
Thanh Thảo