Dự án giãn dân nội vùng Ðăk Hring (nay là xã Ðăk Long, huyện Ðăk Hà) được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt và giao UBND huyện Ðăk Hà làm chủ đầu tư từ năm 2009, nhưng đã hơn mười năm, dự án vẫn chưa hoàn thành. Người dân bị mất đất trong khu vực công trình thủy điện Plei Krông lại tiếp tục mòn mỏi đợi chờ an cư để lạc nghiệp.
Nhiều ngôi nhà xây dang dở, bỏ hoang tại dự án quy hoạch bố trí dân cư xã Ðăk Hring (huyện Ðăk Hà, Kon Tum). |
Chính sách không đồng nhất
Năm 2009, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án Quy hoạch bố trí dân cư xã Ðăk Hring (nay là xã Ðăk Long, huyện Ðăk Hà) giai đoạn 2009-2015 với tổng diện tích 690 ha (đất quy hoạch dân cư là 110 ha, đất quy hoạch sản xuất là 580 ha) tại thôn Tua Tem, Kon Ðao Yôp, xã Ðăk Hring (nay là thôn Pa Cheng, Kon Ðao Yôp, xã Ðăk Long). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách và bồi thường, hỗ trợ của Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam do UBND huyện Ðăk Hà làm chủ đầu tư.
Mục tiêu của dự án nhằm bảo đảm đất sản xuất và đất ở cho việc giãn dân các gia đình bị mất đất trong khu vực công trình thủy điện Plei Krông; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội cần thiết bảo đảm người dân an tâm định canh, định cư tại nơi ở mới. Quy mô dự án là bố trí ổn định cho 300 hộ với 1.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, đến năm 2015, dự án không hoàn thành theo kế hoạch cho nên UBND tỉnh Kon Tum xem xét, cho kéo dài đến hết năm 2018 nhằm bảo đảm mục tiêu ban đầu của dự án. Ðến nay, dự án đã kết thúc nhưng mới chỉ thực hiện tái định cư (TÐC) cho 126 hộ (đạt 42% quy mô) với tổng kinh phí gần 133 tỷ đồng (hơn 89% kinh phí toàn dự án). Ðiều đáng nói, trong 126 hộ dân được bố trí TÐC thì thực tế chưa đến 60 hộ là định cư ổn định, còn lại đa số vẫn sáng lên khu TÐC, chiều đi về nơi ở cũ.
Qua tìm hiểu, năm 2010 dự án đã vận động được 52 hộ di dời (đợt 1), số hộ này được cấp bình quân mỗi hộ gần 6.500 m2 đất có cây cà-phê đang kinh doanh và 400 m2 đất thổ cư; được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà ở và một triệu đồng vận chuyển đồ đạc. Năm 2011 vận động được 74 hộ di dời (đợt 2) thuộc đối tượng thiếu đất sản xuất, được cấp bình quân mỗi hộ hơn 5.000 m2 đất có cây cà-phê đang kinh doanh và 400 m2 đất thổ cư. Anh A Ðiêu, một trong 74 hộ di dời đợt 2 cho biết: "Gia đình mình gồm ba khẩu, được nhận khoảng bốn sào đất từ năm 2012 gồm: 200 cây cà-phê gần nhà và 190 cây cà-phê xa nhà. Tiền hỗ trợ xây nhà lúc đầu được hứa hẹn là 40 triệu đồng nhưng sau này giảm xuống còn 20 triệu đồng. Khi người dân thắc mắc thì tăng lên hơn 32 triệu đồng. Ban đầu, để phục vụ nước sản xuất, họ cho mượn máy tưới, ống tưới, sau này họ trừ thẳng vào tiền hỗ trợ xây nhà hơn 39 triệu đồng/máy. Nhà mình ghép được với hai hộ nữa xài chung máy nên bị trừ hơn 13 triệu đồng, còn giữ lại được ít tiền để xây nhà". Mới chuyển cả gia đình đến khu TÐC, anh A Bái lại lo lắng về chuyện thiếu nước sinh hoạt. "Tại khu TÐC này, cứ hai hộ gia đình dùng chung một giếng nước. Mùa mưa mới đủ nước dùng chứ mùa khô thì thiếu nước trầm trọng. Ðây là một trong những lý do mà người dân chưa muốn chuyển tới sinh sống ở khu TÐC", anh A Bái nói.
Sớm ổn định cuộc sống người dân
Về khu TÐC xã Ðăk Long, huyện Ðăk Hà những ngày cuối tháng 7, chúng tôi thấy những căn nhà đang xây dang dở bị bỏ hoang, những căn nhà đã hoàn thiện nhưng cửa đóng, then cài, nhiều ngôi nhà xây xong nhưng chưa có người đến ở đã bị rêu phủ, mốc xanh. Anh Hoàng Văn Thao, thôn Pa Cheng, xã Ðăk Long cho biết: "Người dân nhiều lần được hứa hẹn cấp đất sản xuất, thế nhưng đến nay người có người không, người không lên ở thì lại có đất, người ở tại chỗ lại không có cho nên chúng tôi rất bức xúc. Dân phản ánh thì chính quyền viện lý do lúc thì do dịch Covid-19, lúc thì mưa to quá, chưa cấp được. Một số hộ gia đình nhận nhà nhưng vẫn không dọn về ở, hằng ngày chỉ đến làm rẫy và nghỉ tạm vào ban ngày, ban đêm lại về làng cũ. Mong muốn lớn nhất hiện nay của người dân là được nhanh chóng cấp đất sản xuất theo đúng danh sách diện di dời, phải đầy đủ và ổn thỏa để bà con sớm ổn định cuộc sống".
Theo phê duyệt dự án, để các hộ di dân TÐC ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, mỗi hộ di dời đến nơi ở mới sẽ được cấp 2 ha đất sản xuất, 800 m2 đất nhà ở và đất vườn, nhưng thực tế hiện nay mỗi hộ chỉ được cấp bình quân 400 m2 đất ở và khoảng năm sào đất sản xuất có cà-phê tức chưa đạt 1/4 so với mục tiêu ban đầu. Từ năm 2015 đến 2018, các chính sách hỗ trợ người dân không được thực hiện một cách đầy đủ như 74 hộ dân đợt 2 chỉ được hỗ trợ nhà ở. Ngoài ra, 126 hộ dân thuộc diện di dời, TÐC vẫn không được UBND huyện Ðăk Hà và Ban quản lý dự án thực hiện đầy đủ một số chính sách hỗ trợ, như: Hỗ trợ di chuyển (một triệu đồng/hộ), khuyến nông hơn 5 tỷ đồng (45,4 triệu đồng/hộ), chuồng trại hơn 500 triệu đồng (4 triệu đồng/hộ), hỗ trợ lương thực 900.000 đồng/người/năm… với tổng số tiền chưa thực hiện gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, việc đào 37 giếng nước và 27 bồn chứa bằng inox tại khu TÐC có kinh phí 2,8 tỷ đồng nhưng người dân phản ánh chỉ có ba đến bốn giếng dùng được, không bảo đảm nước sinh hoạt cho các hộ dân TÐC, nhất là vào mùa khô.
Chủ tịch UBND xã Ðăk Long Kiều Ðức Dân cho biết: "Nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, hình thành một điểm dân cư nông thôn để quản lý các mặt kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển văn hóa, giáo dục…, trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị Ban quản lý dự án tham mưu UBND huyện Ðăk Hà sớm hoàn thành các hạng mục, các chế độ chính sách đối với người dân liên quan đến dự án, bảo đảm cho người dân an tâm định cư tại nơi ở mới".
Hơn mười năm triển khai thực hiện, dự án Quy hoạch bố trí dân cư xã Ðăk Hring vẫn chưa hoàn thành. Quy mô dự án dành cho 300 hộ, đến nay mới triển khai được 126 hộ (chiếm 42%). Trong khi đó, nguồn kinh phí thực hiện đã chi đến 89% (133 trong số 149 tỷ đồng). Ðề nghị các cơ quan hữu quan, lãnh đạo tỉnh Kon Tum sớm đưa ra giải pháp nhằm ổn định đời sống người dân, đồng thời tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm trong quá trình triển khai và thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ bản, các chính sách hỗ trợ người dân tại dự án nêu trên để giải tỏa nỗi bức xúc của người dân.
Phúc Thắng (NLĐO)