Tôi sinh ra ở một tỉnh miền Trung nhưng vào Sài Gòn từ năm hai tuổi, nên kỷ niệm về quê đối với tôi nhạt nhòa lắm. Bù lại, tôi được đắp bồi tình cảm với quê hương bởi ông bà, ba mẹ, người thân hai bên nội ngoại từ miền Trung vào nên gắn bó với miền Trung cả giọng nói, con người, tính cách, nết ăn nết ở...
Tôi thích ăn món miền Trung nhất, đơn giản vì từ nhỏ đến lớn, tôi ăn theo gia đình. Cho dù đi đâu, lấy chồng rồi, nấu ăn kiểu Bắc, "căn tính ẩm thực" của tôi vẫn đúng chất miền Trung.
Quê tôi có nhiều sản vật phong phú vì gần biển. Như món don rất nổi tiếng, món cơm gà, món ram tôm ăn với thịt nướng... nhưng tôi vẫn nhớ và thích nhất món cá kho.
Tôi thấy cá kho kiểu miền Bắc cũng ngon. Tôi cũng thích cá kho tộ kiểu miền Nam. Nhưng mà mùa này, tôi vẫn nhớ món cá kho miền Trung. Nồi cá kho kiểu miền Trung khó mà đẹp một cách trình diễn, vì kho có nước, lại có thơm, cà chua, măng, ớt nguyên trái. Màu cá kho thường không đẹp nhưng miếng nào cũng thấm, ăn cá hay mấy thứ bỏ vô kho chung đều ngon.
Tôi nhớ nồi cá kho miền Trung vì nhiều lẽ nữa, nó gắn liền với những kỷ niệm ấu thơ với gia đình, mà nhớ nhất là vì nội. Bà nội tôi ngày xưa kho cá thường xuyên. Trong đó, cá nục kho là phổ biến, vì hồi đó cá nục rẻ nhất, thứ đến là cá ngừ, cá trích, cá chuồn, cá bống, cá rựa, cá hố... Loại nào bà kho cũng đều ngon.
Nồi cá kho của người miền Trung |
Cứ đến mùa mưa, tôi còn nhớ món cá chuồn muối chưng với hành khô, tiêu, ít mỡ, ăn cơm đến vét hết nồi mới thôi. Sau này khi nhớ mùi, tôi tìm mua cá chuồn muối, cá thu muối để chưng kiểu đó mà vị cá không còn như xưa nữa...
Được nuôi lớn từ những nồi cá kho và những món ăn thời khốn khó của nội nên cái mùi cá kho thấm vào mình. Những món ăn tuổi thơ đã đi vào tiềm thức và trở thành món ăn ngon nhất của đời tôi. Phải chăng, đây cũng là ký ức của những người yêu quê nhà và gắn bó với ẩm thực vùng đất mình được sinh ra và lớn lên?
Và rồi cũng từ những nồi cá kho, từ những món ăn gây thương nhớ đó, tôi cũng nấu lại cho con tôi ăn, trở thành những món ăn trong ký ức của chúng. Giờ đây, khi đi học xa, con vẫn thường nói với tôi: khi nào con về, mẹ kho cho con nồi nấm kho đậu hủ nha mẹ, con nhớ nhất món đó. Hay có lần, con nhắn tin nói: mẹ cho con vài công thức nấu các món cháo đi mẹ, để lỡ khi ốm đau con tự nấu cho mình. Ôi, món cháo trắng, hay cháo cá, cháo gà, cháo thịt bằm của Việt Nam mình cũng là một hương vị mang những giá trị gia đình, tình thân... nhất là khi đau ốm. Rồi khi con gửi hình về cho tôi khoe món ăn con nấu, có những biến tấu như cho thêm khoai tây, đậu, cà rốt vào cháo để có thêm rau xanh, tôi nhìn ra được những tiếp biến ẩm thực qua các thế hệ, vừa là gìn giữ những mạch nối thế hệ, lại vừa có những kiến thức khoa học và ảnh hưởng từ nơi mà con tôi đang sinh sống...
Những người yêu thích ẩm thực hiện giờ cũng bày biện lên mạng xã hội những món ăn quê hương, món ăn địa phương, chỉ vẽ cho nhau cách nấu. Món ăn quê hương như một sợi dây níu giữ văn hóa nguồn cội của những người xa xứ. Các bạn trẻ ngày nay cũng tìm đến những món ăn ngon mang hương vị bản quán của mình. Ngoài lý do khẩu vị đã ăn sâu trong máu, tôi nghĩ món ăn quê còn là sợi dây nối kết các thế hệ đồng hương, kéo gần khoảng cách thời gian và không gian.
Nhớ thương những món ăn quê hương là một loại ký ức đẹp đẽ vô vàn. Đẹp hơn nếu ta biết nối dài truyền thống ẩm thực này đến những đời sau. Đây cũng là cách chúng ta trân trọng tình cảm gia đình, ghi nhớ cội nguồn, quê hương, bản quán.
Bài và ảnh: Trần Lê Hoa Tranh (NLĐO)