Bạn đọc

Một bản án đầy nghi vấn?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau nhiều năm canh tác ổn định với đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp trên diện tích đất của mình, bỗng nhiên gia đình bà Mai Thị Phượng (trú thôn 5, xã Hneng, huyện Đak Đoa, Gia Lai) phải ra hầu tòa dân sự do bị vợ chồng người láng giềng đâm đơn kiện “lấn chiếm đất đai”. Dù nhiều vấn đề vẫn còn chưa được làm sáng tỏ tại phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử (HĐXX) đã kết luận và ra quyết định, nguyên đơn kiện hoàn toàn có căn cứ buộc bị đơn phải trả lại phần đất lấn chiếm. Vụ việc đang xôn xao, phải chăng cán cân công lý đang bị lệch? 
Lô đất đang tranh chấp. Ảnh: Lệ Hằng
Trong tâm trạng bức xúc, bà Phượng kể lại: Năm 1988, cha của bà là ông Mai Văn Châu có làm đơn gửi UBND xã Nam Yang, huyện Đak Đoa xin 14 ha đất lập vườn trồng cây tại thôn 3, xã Nam Yang. Nguyện vọng này được UBND xã Nam Yang lúc bấy giờ chấp thuận vào ngày 10-8-1988. Sau khi được cấp đất, ông Châu đã cho bà Phượng 3 ha để gia đình bà trồng các loại cây nông nghiệp ngắn ngày. Năm 2003, gia đình bà Phượng được UBND huyện Đak Đoa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 3 ha nói trên. Tháng 5-2007, gia đình bà Phượng trồng cây cao su trên toàn bộ diện tích đất đó.
Năm 2006, gia đình ông Phan Việt Vương, ở thôn 5, xã Nam Yang nhận sang nhượng miếng đất từ ông Ngô Đình Bản (cùng thôn) có diện tích 3.528 m2, mảnh đất trên phía Nam giáp với miếng đất nhà bà Phượng. Theo bà Phượng, cũng trong tháng 5-2007, gia đình ông Vương đã trồng hồ tiêu trên mảnh đất mua được. Đến ngày 28-5-2007, gia đình này được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Hai gia đình canh tác ổn định như thế nhiều năm liền mà không hề xảy ra tranh chấp. Đến ngày 23-11-2010 (nghĩa là hơn 3 năm sau khi gia đình ông Vương có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), gia đình ông Vương đâm đơn kiện gia đình bà Phượng ra Tòa án Nhân dân huyện Đak Đoa với lý do: Gia đình bà Phượng trong quá trình canh tác đã lấn chiếm 488 m2 đất của họ.
Tại bản án số 06/2010/DS-ST ngày 14-7-2011, gia đình ông Vương khai rằng: Năm 2008, gia đình bà Phượng bắt đầu lấn chiếm. Lúc đó, giữa 2 thửa đất có lối đi chung (đường nội đồng), gia đình bà Phượng đã trồng cây cao su trên lối đi chung và trồng tiếp trên phần đất họ đã chừa lại.
Để có thể nắm rõ hơn sự việc, phóng viên Báo Gia Lai đã đi thực địa tại mảnh đất được cho là đang tranh chấp thì thấy, một bên đất trồng toàn hồ tiêu đã phủ trụ xanh mướt (của gia đình ông Vương), bên kia là 3 ha cây cao su đã qua tuổi thứ tư. Giữa hai vườn cây là phần đất bỏ trống. Theo bà Phượng thì đây là ranh giới phân chia 2 khu vườn. Phần đất của bà Phượng sâu hơn phần đất của ông Vương nên khi đứng từ cuối khu vườn gióng lên thì thấy đường ranh phân chia thẳng cho đến đầu khu vườn.
Trở lại với bản án dân sự số 06. Theo lời bà Phượng thì ngày 19-5-2007 gia đình bà bắt đầu trồng cây cao su. Còn theo lời của nguyên đơn thì năm 2008, gia đình bà Phượng mới bắt đầu lấn chiếm. Căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bà Phượng, phần trích lục là một hình thang vuông, đường biên phần giáp ranh với đất gia đình ông Vương song song với đường biên đối diện của mảnh đất và đặc biệt là trong trích lục không hề thể hiện có lối đi chung. Chúng tôi thấy có một số điểm còn chưa rõ ràng. Thứ nhất, số cây cao su trên phần đất nhà bà Phượng phát triển đồng đều nên không thể nói rằng bà Phượng trồng lấn chiếm vào năm 2008.
Thứ hai, diện tích đất của gia đình ông Vương trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi rõ là 3.528 m2, của bà Phượng là 30.000 m2. Đất đai vẫn còn nguyên hiện trạng nên vụ tranh chấp này chỉ cần tiến hành đo đạc kiểm tra là đủ.
Tuy nhiên, những người nắm giữ cán cân công lý lại không làm việc này, cụ thể là trong bản án số 06 không thấy có bút lục nào ghi phần việc đo đạc để xác minh diện tích thực tế 2 lô đất. Chỉ thấy, ngày 23-3-2011, Tòa án Nhân dân huyện Đak Đoa đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ… Sau đó, Tòa này kết luận, gia đình bà Phượng lấn chiếm đất của gia đình ông Vương là hoàn toàn có căn cứ và quyết định chấp nhận đơn kiện của gia đình này; yêu cầu gia đình bà Phượng phải trả lại phần đất đã lấn chiếm cũng như đóng các khoản phí theo quy định.
Điểm chưa hợp lý thứ ba đó là, trong phần trích lục giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện Đak Đoa cấp năm 2003 của bà Phượng không hề thể hiện chính giữa 2 lô đất có đường đi nội đồng. Biên bản xác nhận tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đak Đoa cũng khẳng định như vậy thế nhưng kỳ lạ thay, Hội đồng xét xử lại cho rằng, do sơ suất nên trong trích lục giấy chứng nhận không thể hiện đường lô(?).  
Bà Phượng cho biết, nếu theo như lời nguyên đơn là gia đình tôi bắt đầu tổ chức lấn chiếm đất từ năm 2008, chẳng hiểu vì sao lúc đó gia đình nhà ông Vương lại làm ngơ, để rồi bây giờ họ mới tiến hành kiện tụng.
Bà Phượng còn cho biết thêm, ngay cả cái quyền được kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm mà Tòa án Nhân dân huyện Đak Đoa cũng không tạo điều kiện cho công dân. Cụ thể, kể từ ngày 14-7-2011, bản án số 06 bắt đầu có hiệu lực nhưng gia đình bà lại không được giao bản án để căn cứ vào đó làm đơn kháng cáo. Mãi cho đến gần ngày cuối cùng của thời hạn 15 ngày theo quy định, bà đến Tòa án “đòi” thì họ mới đưa.
Thực hư sự việc như thế nào, đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ.
Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm