Bạn đọc

Một cháu bé cần được giúp đỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khu nhà trọ tại thôn Phú Tân, xã Ia Băng (huyện Chư Prông, Gia Lai) gần một tháng nay không còn yên ắng như trước, thay vào đó là tiếng khóc xé lòng của một đứa trẻ vừa mới lên ba. Tiếng khóc như mang theo cả tiếng thở dài não nề của người mẹ và ánh mắt xa xăm của người cha. Đó là trường hợp của bé Phùng Lê Mai Huyền- con gái gia đình anh Phùng Văn Mạnh và chị Lê Thị Nhâm.
Số phận nghiệt ngã
Anh chị đều làm nông nghiệp, yêu và lấy nhau đã được 8 năm. Bằng sức trẻ và sự cần cù, chăm chỉ của mình, hai anh chị đã xây dựng được một cơ ngơi đầm ấm, sung túc với cậu con trai kháu khỉnh trên mảnh đất huyện Phú Thiện. Nhưng niềm hạnh phúc ấy chưa kịp vẹn tròn thì bất hạnh ập xuống khi bé gái thứ hai của anh chị chào đời vào cuối năm 2009. Chị Nhâm tâm sự: “Từ lúc sinh ra, bé Mai Huyền khóc rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không có nước mắt, máu ra nhiều khi bé ói và đi ngoài”.
Gia đình anh Mạnh trong căn nhà dột nát. Ảnh: Trần Dung
Thấy con có biểu hiện lạ nên anh chị đưa bé tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại đây, bác sĩ không chẩn đoán được bệnh, nhìn con ngày càng đau đớn, vật vã, anh chị quyết định về bán hết đất đai, nhà cửa và những gì có giá trị để theo con bắt đầu “cuộc chiến” với tử thần. Những lần thấy con khóc đến cứng cả người, anh chị những tưởng mình không vượt qua nổi. 5 tháng sau, bác sĩ thông báo, bé bị bại não kèm theo những cơn động kinh, không thể chữa khỏi.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Phùng Văn Mạnh, thôn Phú Tân, xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai hoặc Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku- Gia Lai.
Những ngày ở TP. Hồ Chí Minh, anh chị phải đi xin cơm của hội từ thiện để ăn qua ngày. Nhưng rồi, ở TP. Hồ Chí Minh đắt đỏ, không có đủ tiền để tiếp tục cho con nằm viện, anh chị đành ngậm ngùi đưa con về nhà. Bệnh tình của Mai Huyền ngày càng nặng, cơ thể ngày càng teo tóp. Vợ chồng anh chị phải đi làm thuê, vay mượn nhiều nơi để thuốc thang cho con.
Nhà cửa, đất đai không còn, làm thuê thì phải theo mùa vụ, anh chị buộc lòng phải rời huyện Phú Thiện lên Chư Prông làm công nhân cho Công ty cổ phần đá Hoàng Anh Gia Lai (xã Ia Băng- huyện Chư Prông). Khó khăn chồng chất, anh chị phải gửi đứa con trai đầu 6 tuổi cho ông bà ngoại nuôi.
“Cuộc chiến” mưu sinh
Căn nhà trọ chưa đầy 10 m2 cũ nát lúc nào cũng nghe tiếng trẻ con khóc ngặt nghẽo. Bé không thể nằm một mình vì những lúc như vậy chân tay bé co quắp và lên cơn động kinh. Gần 3 tuổi nhưng nhìn bé chỉ như mới 6 tháng. Hàng ngày, chị Nhâm phải ở nhà chăm con, chị lại đang có thai ở tháng thứ 4 nên không thể đi làm. Vậy là gánh nặng mưu sinh đè nặng lên đôi vai gầy của anh Mạnh. Mới 29 tuổi nhưng trông anh già hơn rất nhiều. Cơ thể ốm yếu, lại bị hỏng một mắt nên công việc của anh gặp rất nhiều khó khăn. Giờ đây, tất cả đang trông chờ vào đồng lương công nhân của anh.
“Bé không ăn được cơm, chỉ có thể uống sữa và ăn cháo. Nhưng nhà đâu có tiền để mua sữa cho bé, có hôm phải cho con ăn cháo trắng”- chị Nhâm tâm sự trong nước mắt. Nhìn bệnh tình của con ngày càng xấu đi, chị chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc, mà ước ao: “Giá như anh chị có đủ tiền để chữa bệnh cho con, để con gái mình không phải ngày ngày vật vã với những cơn động kinh. Nó còn quá nhỏ để gánh chịu nỗi đau như vậy”.
Dãy nhà trọ công nhân giờ cũng không còn tiếng cười đùa như trước. Tất cả như đều lặng im trong tiếng khóc đau đớn của Mai Huyền. Chị Trần Thị Thúy- công nhân phòng bên cho biết: “Có những hôm bé khóc ròng rã cả ngày lẫn đêm. Xót ruột lắm. Cả khu nhà trọ phải thức cùng bé. Nghĩ mà thương”. Giờ đây, khi biết sự sống của con mình là rất mong manh nhưng anh chị chỉ biết ôm con, động viên nhau vượt qua thử thách nghiệt ngã này.
Chiều chiều, trước hiên căn nhà trọ dột nát, chị lại ôm con vào lòng, ngóng anh trở về, rồi chiều nay con có phải ăn cháo trắng nữa không? Và rồi đây, ước mơ cho con một cuộc sống bình thường của anh chị có thành sự thật?
Trần Dung

Có thể bạn quan tâm