(GLO)- Xã Trang (huyện Đak Đoa) có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, tập quán sản xuất lạc hậu nên đời sống người dân còn gặp không ít khó khăn. Để giúp người dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa kỹ thuật vào sản xuất, từ năm 2011, dự án nông thôn miền núi thực hiện nhiều mô hình trình diễn về áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật bước đầu phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Số lượng bò lai ở xã Trang tăng lên đáng kể. |
Ông Nguyễn Trường Sinh-Bí thư Đảng ủy xã Trang cho hay: Dự án xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi tại xã Trang đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Người dân được hưởng lợi từ những mô hình điểm khi bắt đầu áp dụng vào sản xuất thực tế giúp năng suất cây trồng tăng theo từng mùa vụ. Nhiều mô hình đã thay đổi nhận thức người dân trong đầu tư sản xuất.
Dự án “Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi tại xã Trang” giúp người dân tiếp cận, ứng dụng vào sản xuất trên các loại cây trồng, vật nuôi vốn là thế mạnh của địa phương. Để dự án phát huy hiệu quả cao nhất, các mô hình trình diễn được xây dựng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân địa phương. Tiêu biểu như mô hình trồng đậu phộng xen mì, cải tạo ghép các vườn cà phê già cỗi, hỗ trợ bò đực giống lai Zêbu cho 5 làng đồng bào dân tộc thiểu số, trồng bơ ghép và nuôi cá trong ruộng lúa nước… Không những vậy, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật viên cơ sở để hướng dẫn người dân sản xuất.
Các mô hình trình diễn đã cho những kết quả khả quan. Năng suất đậu phộng trồng xen trong mì đạt 14-16 tạ vỏ/ha, tăng 0,1 tạ/ha, thu nhập từ cây đậu phộng đạt 10 triệu đồng/ha, cộng thêm từ cây mì đạt 24 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó là cải tạo các vườn cà phê già cỗi bằng các giống cà phê chồi ghép có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt như TR4, TR5, TR9… Từ 5 con bò đực lai hỗ trợ ban đầu, đến nay đã phối giống và cho ra đời được 40 con bê lai. Đặc biệt, với 5.000 m2 ruộng lúa kết hợp nuôi cá đã thu hoạch được trên 3 tấn với mức lợi nhuận trên 38 triệu đồng. Không những vậy, mô hình còn giảm chi phí đầu tư phân bón. Đã trồng 1.320 cây bơ ghép ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài ra còn hướng dẫn, đào tạo các quy trình kỹ thuật trồng lúa nước, hồ tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: “Các mô hình trình diễn được xây dựng sát với nhu cầu thực tế của người dân, các loại cây, con giống gắn với từng hộ gia đình để họ học tập và bắt đầu nhân rộng. Đặc biệt, mô hình trồng đậu xen canh mì đạt lợi nhuận 100 triệu đồng/10 ha (đậu phộng) chưa kể lợi nhuận từ cây mì, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân. Ngoài hiệu quả về mặt kinh tế, các mô hình còn giúp người dân hướng đến canh tác thâm canh tăng năng suất và hiệu quả kinh tế trong thời gian tới.
Nguyễn Diệp