TN - Đất & Người

Một hướng dẫn viên cộng đồng nhiệt huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong số hướng dẫn viên cộng đồng (CF) ở 25 xã của 5 huyện: Kông Chro, Krông Pa, Kbang, Ia Pa và Mang Yang được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ thì có một CF làm việc ở nơi xa xôi, khó khăn nhất tỉnh-xã Kon Pne (huyện Kbang). Song không vì thế mà hướng dẫn viên cộng đồng này chán nản, bê trễ công việc, ngược lại chị luôn làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình để các hạng mục công trình, tiểu dự án hỗ trợ tại Kon Pne từ năm 2015 đến nay đạt hiệu quả cao.

 CF Đỗ Thị Thương xã Kon Pne đang kiểm tra và hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa nước. Ảnh. Đ.Y
CF Đỗ Thị Thương xã Kon Pne đang kiểm tra và hướng dẫn bà con cách chăm sóc lúa nước. Ảnh. Đ.Y

Người chúng tôi muốn nói đến là chị Đỗ Thị Thương-cán bộ CF xã Kon Pne (huyện Kbang). Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa các dân tộc thiểu số ở Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, năm 2014, khi biết dự án tuyển dụng cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng, Thương đã nộp hồ sơ và đạt yêu cầu. “Khi được Ban dự án cử về phụ trách Kon Pne, tôi mừng và háo hức vô cùng. Một ngày đầu năm 2015, tôi đi xe máy vượt trên 85 km đường rừng về Kon Pne. Lần đầu đến Kon Pne, tôi vừa mừng vừa lo, tới bây giờ vẫn chưa thể nào quên”-chị Thương bồi hồi nhớ lại.

Xã Kon Pne có 3 làng nhưng các làng lại nằm rải rác. Vì thế, khi triển khai tuyên truyền, lập kế hoạch đầu tư các tiểu dự án thường gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế cộng với việc dự án lần đầu triển khai nên không chỉ người dân mà cán bộ đều bỡ ngỡ. “Nhưng được sự quan tâm của Ban Phát triển xã, Ban Quản lý dự án huyện, tỉnh và nhất là người dân tham gia dự án nhiệt tình, chịu khó nên công việc triển khai dần dần gặp nhiều thuận lợi”-chị Thương kể.

Trong vai trò là cán bộ hướng dẫn viên cộng đồng, nguyện vọng lớn nhất của chị Thương là giải thích làm sao để người dân hiểu rõ về ý nghĩa, mục tiêu và các hoạt động của dự án. Chị chia sẻ: “Khi chuẩn bị triển khai dự án, tôi đến từng nhà tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu cặn kẽ. Còn khi triển khai, CF cũng là người hướng dẫn, giúp người hưởng lợi chủ động tham gia hình thành nhóm cộng đồng, tổ chức họp và cùng tham gia bàn bạc, quyết định lựa chọn công trình đầu tư, tham gia thi công, phối hợp giám sát công trình đối với các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng; giúp nhóm tổ chức thảo luận lựa chọn tiểu dự án cần đầu tư hỗ trợ, hướng dẫn thực hành… Nhờ vậy, khi triển khai dự án mọi việc đều trôi chảy và đạt kết quả như yêu cầu”.

Ngoài tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu của dự án, CF cũng là người gần gũi với bà con nhất để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có sự giúp đỡ kịp thời. Từ đầu năm 2015 đến nay, xã Kon Pne được dự án hỗ trợ hai công trình kiên cố hóa kênh mương thủy lợi Đak Tờ Cắt và Đak Trút. Sau thời gian triển khai thi công, công trình đưa vào sử dụng, được tỉnh đánh giá là công trình đảm bảo chất lượng và mang lại giá trị lớn giúp người nghèo vùng sâu Kon Pne nâng cao năng lực sản xuất, góp phần thay đổi chất lượng cuộc sống. Các tiểu dự án cải tạo vườn hộ ở làng Kon Ktonh và tiểu dự án trồng lúa ở làng Kon Hleng cũng được bà con hưởng ứng nhiệt tình và tích cực triển khai, mang lại những kết quả bước đầu.

Năm 2016, dự án tiếp tục đầu tư thêm các hạng mục của 2 công trình thủy lợi Đak Tờ Cắt, Đak Trút và kiên cố hóa đường nội làng Kon Htonh, với tổng số tiền hỗ trợ trên 2 tỷ đồng; đầu tư 3 tiểu dự án nuôi dê sinh sản, 3 tiểu dự án trồng lúa nước và 3 tiểu dự án cải tạo vườn hộ và hỗ trợ dinh dưỡng. Đây là một tín hiệu vui vì số hộ hưởng lợi tăng gần 3 lần năm 2015 nhưng lại là nỗi niềm trăn trở của CF vì phải làm thế nào để các hạng mục công trình, các tiểu dự án sinh kế mang lại hiệu quả. “Vai trò của CF là hướng dẫn cách tổ chức, cách làm cho bà con nên phải thực hiện nhiều lần thật cặn kẽ, khi nào bà con làm thành thạo được thì tôi mới thôi”-chị Thương nói về sự quyết tâm của mình.

Nhận xét về CF Đỗ Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Kon Pne Lê Văn Quang cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của hướng dẫn viên cộng đồng Đỗ Thị Thương. Nhờ cán bộ CF chịu khó, không quản ngại đường sá xa xôi, đi lại vất vả, nhất là vào mùa mưa, cùng ăn ở với bà con để hướng dẫn họ cách làm nên các tiểu dự án sinh kế, các hạng mục công trình được dự án triển khai tại xã luôn thực hiện kịp thời. Chị Thương xứng đáng là hướng dẫn viên cộng đồng của người dân”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm