Trước đó, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi THPT năm 2024 tại Trường THPT Kỳ Sơn ngày 27 và 28-6. Đây là ca bạch hầu tử vong đầu tiên tại Nghệ An trong năm nay. Có 119 người tiếp xúc với cô gái ở huyện Kỳ Sơn và Tương Dương. Trong đó, 7 người tiếp xúc gần với bệnh nhân tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn. Hai người đã di chuyển từ huyện Kỳ Sơn ra Bắc Giang. Hiện một cô gái 18 tuổi ở cùng phòng với bệnh nhân tử vong nói trên dương tính với bạch hầu đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).
Cán bộ y tế ở huyện Kỳ Sơn lấy mẫu đối với những người liên quan đến ca bệnh. Ảnh: Hùng Lê/VnExpress |
Chiều 8-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh Nghệ An và Bắc Giang chỉ đạo đơn vị, địa phương khẩn trương rà soát trường hợp tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu.
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở amidan, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Dấu hiệu là sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Bệnh nhân cần được phát hiện và điều trị sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Nếu không được điều trị kịp thời, giả mạc gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong. Tỷ lệ tử vong của bệnh là 5-10%.
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng gây dịch, lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh, xâm nhập qua da bị tổn thương. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần trước khi bắt đầu lây nhiễm cho người khác.