Bạn đọc

Một thời cống hiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thế hệ chúng tôi khá đặc biệt vì sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975, mọi thứ lúc này đối với chúng tôi đều hoàn toàn lạ lẫm, từ hát Quốc ca cho đến tham gia lao động công ích, sinh hoạt tập thể… Thế nhưng chẳng mấy chốc, chúng tôi đã quen dần, hòa nhập để trưởng thành, cống hiến cho đến tận bây giờ.
Xa biển lên rừng
Có những chuyện in sâu vào ký ức, dẫu đã qua gần nửa thế kỷ song vẫn cảm thấy như mới đây thôi. Sau ngày 30-4-1975, thế hệ học sinh miền Nam chúng tôi chỉ nghỉ chừng 1 tháng là được đi học lại. Chúng tôi, những học sinh của một trường công lập lớn nhất tỉnh Bình Định bấy giờ là Trường Trung học Cường Để Quy Nhơn, lúc này đã được đổi tên là Trung học Quang Trung Quy Nhơn, cũng trường, cũng phòng học đó nhưng không khí đã khác xưa. Số giáo viên trường cũ hầu như không còn ai, thay vào đó là các thầy-cô giáo trẻ măng, nhiều người là sinh viên năm cuối các trường đại học về nên chỉ hơn chúng tôi độ vài ba tuổi, ấy là chưa tính đến số bạn đồng môn sợ bắt đi lính nên làm lại giấy tờ tùy thân có người còn lớn tuổi hơn cả thầy. Bạn bè lớp cũ còn khá ít, thay vào đó là rất nhiều bạn từ các trường khác nhập vào.
Tuổi trẻ sôi nổi, qua phút bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi nhập cuộc rất nhanh vào các phong trào do nhà trường phát động. Thành phố biển ngổn ngang công việc cần phải dọn dẹp, chỉnh trang sau cuộc chiến. Nhiều vách tường nhà ám đen khói thuốc súng. Đường phố ngập rác, xà bần. Bãi biển còn nguyên mấy chiếc tăng M113 gục đầu trên cát. Không khí lao động tập thể ngày chủ nhật và giai điệu những bài hát hào hùng như: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Bão nổi lên rồi”, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, “Tiếng đàn Ta Lư”... cuốn hút, giúp chúng tôi quên đi nỗi mệt nhọc.
Các phong trào thi đua học tập, lao động liên tiếp diễn ra. Học chừng vài tháng thì cả trường đi đắp mương, làm thủy lợi ở làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) rồi về thi tốt nghiệp cấp III. Điều khó quên là khi học 2 năm cuối cấp là lớp 11 và 12, chúng tôi được trang bị các kỹ năng để thi trắc nghiệm Tú tài toàn phần (đến khóa chúng tôi đã bỏ thi bán phần Tú tài được 2 năm), thế nhưng đến kỳ thi này thì lại thi viết. Tuy nhiên rồi đâu cũng vào đó. Đề thi năm đó không khó nên hầu hết chúng tôi đều đỗ tốt nghiệp.
Hưởng ứng phong trào 3 sẵn sàng, sau khi dự tuyển vào khóa I Trường Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn xung phong lên phục vụ cho các tỉnh Tây Nguyên, trong thời gian 1 năm, chúng tôi đã hoàn thành hơn một nửa chương trình và ra trường, hẹn năm sau về học lại vì Tây Nguyên đang thiếu giáo viên trầm trọng. Đầu tháng 1-1977, tôi nhận quyết định về huyện Chư Pah (nay là huyện Ia Grai) cùng các bạn ở 2 khối tự nhiên và xã hội. Chư Pah bấy giờ là huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Địa bàn huyện rất rộng, giáp thị xã Kon Tum, huyện Mang Yang, Chư Prông và Vương quốc Campuchia (sau này tách một số xã ra thành lập huyện Chư Pah mới và huyện Đức Cơ). Đường giao thông hầu hết là đường đất, xe ô tô không đi được đến xã, mùa khô bụi mù mịt, mùa mưa lầy lội, trơn trượt. Phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, hàng tháng phải gùi, cõng lương thực từ huyện về. Đã vậy bệnh sốt rét lại còn hoành hành. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề!
Ảnh minh họa: Internet
Gặp lại Quy Nhơn trên cao nguyên
Tôi được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pah phân công về xã Ia Grai (nay là Ia Tô). Từ trung tâm huyện đi 16 km ngược lên hướng biên giới phía Tây, vượt qua 2 con dốc Ia Châm và dốc Đầu Lâu mới đến địa phận xã. Xã có nhiều làng đồng bào dân tộc Jrai như Hlũ, Kmông, Delung, Khớp và khu vực trung tâm có 3 thôn người Kinh từ thành phố quê hương của tôi là Quy Nhơn đi kinh tế mới ngay sau ngày giải phóng. Sau khi nhận đất và phần lương thực hỗ trợ của chương trình, người dân bắt tay vào công việc xây dựng nhà tạm để ở và trồng trọt các loại cây ngắn ngày giải quyết cái ăn trước mắt. Nhà nào cũng dựng bằng tre, vách nứa, mái lợp lá cỏ tranh. Ai cẩn thận hơn thì chỗ bếp dựng thêm một tấm tôn ngăn với vách lá, phòng cháy. Vậy mà đêm hôm không ít nhà bỗng bị “bà hỏa” viếng thăm, chỉ trong vòng vài chục phút, tất cả hóa thành tro, may mà đồ đạc, quần áo đã kịp mang ra ngoài.
Như đã nói, phần lớn đều là dân nghèo ở thành phố biển Quy Nhơn lên đây lập nghiệp nên phải mất một thời gian bà con mới làm quen được với ruộng đồng, nương rẫy. Các hộ được cấp đến 2,5 sào đất ở nên nhà nào cũng trồng khoai lang, khoai mì. Tiếng “nẫu” Bình Định thân thương cho tôi cảm giác xa mà gần. Biết tôi đồng hương Quy Nhơn nên thỉnh thoảng, một vài phụ huynh mời xuống nhà ngày chủ nhật dùng cơm. Đạm bạc thôi, mâm cơm có rau lang luộc, cá khô kho và món “át chủ bài” là dĩa trứng vịt đổ chả. Thế nhưng bấy giờ, với tôi, đó là những món “sơn hào hải vị” ăn no đến cành hông!
Mỗi thôn thành lập một tập đoàn sản xuất, vào vụ thì sáng sáng cũng nghe kẻng vác cuốc ra đồng. Cánh đồng ruộng nước Ia Bẽ và Ia Tô rộng chừng vài chục héc ta đã được thanh niên xung phong khai hoang, xây dựng cánh đồng trước khi đón bà con lên nên cũng bảo đảm được nguồn lương thực cho người dân. Một vài em học sinh của tôi do bị gián đoạn việc học tập mất 2 năm, cũng có em được cha mẹ làm lại giấy tờ tùy thân vì sợ đi lính nên khá “già” so với tuổi khai sinh. Mùa nào việc ấy. Vậy là buổi sáng lên lớp, chiều đã có thể vác cuốc ra đồng. Có em còn vào rừng đốn cây, chặt lồ ô, lấy mật ong hoặc đi tát cá suối, cắt cỏ tranh, hái đót… phụ giúp gia đình.
Nơi tôi dạy bấy giờ là trường phổ thông cơ sở (gồm cả mẫu giáo, cấp I và cấp II), cấp II chỉ có 2 lớp là lớp 6 và lớp 7. Thế nhưng, nhà trường phân công giáo viên dạy đủ các môn, kể cả thể dục. Đời sống của các thầy-cô giáo cũng khó khăn như phụ huynh học sinh. Cơm rau, cá khô là chính, những ngày cuối mùa khô thêm được món mít non luộc, mít xào, gỏi mít… Khó khăn là vậy nhưng ngày ấy, chúng tôi luôn yêu đời, không than vãn, nhiệt tình giảng dạy!
Thấm thoát đã 45 năm trôi qua. Thành phố biển quê hương giờ phát triển mạnh về lợi thế giao thông, kinh tế biển và du lịch. Ngôi trường xưa trở về với tên truyền thống là Quốc học Quy Nhơn. Những người Quy Nhơn đi kinh tế mới sau nhiều năm vượt khó giờ đã trở nên sung túc, nhiều người trở thành “đại gia” của xã Ia Tô giàu mạnh về kinh tế nông nghiệp với các loại cây trồng dài ngày như: cà phê, hồ tiêu và chủ lực là cây điều. Sự học cũng phát triển vượt bậc. Toàn xã có 2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học, 1 THCS. Khu trung tâm là một thị tứ sầm uất, có chợ, bến xe, hàng quán nhộn nhịp. Mỗi lần có dịp lên đây, gặp những người quen cũ, chúng tôi thường bồi hồi nhắc nhớ những kỷ niệm xưa. Không còn con đường đất đỏ bụi mù. Không còn nhà tranh vách nứa. Không còn sốt rét vàng mắt, vàng da… Không nói ra nhưng tôi hiểu, lòng ai cũng thầm cảm ơn chính sách kinh tế mới ngày ấy, không thì làm sao có được cuộc sống sung túc như hôm nay, đúng là “khổ tận cam lai”!
THANH PHONG 

Có thể bạn quan tâm