Một World Cup thiếu tài năng nổi bật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- FIFA World Cup 2018 đã qua vòng bảng, 1/8, tứ kết, tiếp tục cạnh tranh xác định 4 cái tên bước vào vòng bán kết: Bỉ, Pháp, Anh và Croattia. Từ 11 đến 12-7, 2 trận thư hùng bán kết và sau đó ngày 15-7 với trận chung kết, thứ tự 4 anh hào World Cup lần này cũng sẽ an vị ngôi thứ. 
Trận bán kết đầu tiên ở World Cup 2018, giữa Pháp vs Bỉ, sẽ đánh dấu derby Manchester thu nhỏ, khi Paul Pogba so tài Kevin de Bruyne.
Trận bán kết đầu tiên ở World Cup 2018, giữa Pháp vs Bỉ, sẽ đánh dấu derby Manchester thu nhỏ, khi Paul Pogba so tài Kevin de Bruyne.
Có thể còn có bất ngờ với đội chiếu dưới, chiếu trên, tỷ số này nọ cho đến trận cuối cùng nhưng xem ra, một chuyện như đã an bài. Khi ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh bước vào giai đoạn kết thúc, nhìn lại gần 1 tháng diễn ra với sự góp mặt của 32 đội bóng đến từ các châu lục, thi triển 64 trận đấu, đầu tư nhiều công sức tiền của, áp dụng nhiều cải tiến, nhất là công nghệ VARS nhằm đem lại sự chính xác, công bằng cho mỗi trận đấu, vẫn cứ thấy tiếc tiếc một cái gì đó. Nó, có phải là dấu ấn tài năng cá nhân? 
Bởi trên thực tế, những cái tên đình đám từng nổi tiếng ở các giải quốc nội Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý… hay giải Vô địch bóng đá Châu Âu như Leonel Messi, C.Ronaldo, Neymar, Iniesta…, được kỳ vọng rất nhiều trước và khi bước vào giải, rồi cũng gây thất vọng thật nhiều vì liên tục sa sút trước khi “rớt đài” không phanh cho đến thời điểm này. Vâng, thời điểm này, không còn hay anh hào còn chưa vụt sáng? Những C.Ronaldo, Messi, Neymar thì đã lần lượt xách va li về nước. Nhiều người trong số họ cùng với các huấn luyện viên còn chưa kịp làm cho các cổ động viên nguôi giận vì sự sa sút phong độ, dơ dáng diễn trò, ăn vạ thô thiển. Mạng xã hội vẫn còn chình ình hình ảnh chế giễu bài bác một đoàn tài năng bóng đá thế giới mà giá trị từng cầu thủ có thể lên đến nhiều trăm triệu đô la, dắt tay nhau rời World Cup một cách không trống không kèn. Neymar ra về sau cùng và đàn anh Ramos, Messi, C.Ronaldo… không nỡ bỏ đàn em bơ vơ nên đã quay xe máy lại đón về luôn một thể. Rồi Neymar, ngoài bệnh ngôi sao còn quá nổi tiếng khi diễn trò ăn vạ, lặp đi lặp lại, hết lần này đến lần khác. Nói thật ngoài một số tình huống hiệu quả, tôi muốn phát khùng khi xem “ông” này thi đấu. “Ông” liên tục được đồng đội ưu ái chuyền bóng cho, liên tục có bóng nhưng rồi thì sao? “Ông” liên tục rê dắt làm chậm nhịp độ trận đấu, làm mất cơ hội của đội nhà, khi bị phạm lỗi thì lăn lộn, mặc cả với trọng tài, đòi phạt nặng đối phương mới chịu. Thật ra, “ông” chẳng qua mặt được cổ động viên chúng tôi thì qua mặt sao được trọng tài và cầu thủ trên sân. Đến mức bức tranh chế giễu các tư thế lăn lộn khi bị phạm lỗi của Neymar còn được cho là “xứng đáng” đưa vào giáo trình giảng dạy “nghệ thuật ăn vạ”!
Neymar liên tục
Neymar liên tục "nằm sân".
Nuối tiếc vì mất nhiều thời gian, sức khỏe, thậm chí tiền bạc theo dõi mà kết quả chẳng như ý muốn, dĩ nhiên, người xem có tâm lý hoài cổ quay lại với dĩ vãng huy hoàng của những World Cup trong quá khứ. Đành rằng bóng đá là môn thể thao số đông, mang tính đồng đội nhưng bao giờ nó cũng sáng lên ánh lân tinh huyền ảo từ những tài năng cá nhân. Pele được ví như Vua là vậy, dù thế hệ sau này thưởng thức các bàn thắng của ông chỉ từ những thước phim đen trắng, biết tới danh xưng cầu thủ hay nhất thế kỷ XX khi ông được bình chọn năm 1999.  Espana 82, Mexico 86 thì gọi tên cậu bé vàng Maradona. Trong trận gặp tuyển Anh, Maradona dẫn bóng dài 60 mét qua 6 cầu thủ đối phương trước khi ghi “bàn thắng thế kỷ”. Đây cũng là cầu thủ dùng tay ghi bàn xấu xa nhưng không bị phát hiện, nổi tiếng với câu nói “láu cá” để đời “bàn tay của Chúa”. Song dẫu sao, Maradona vẫn ngự trị trong lòng người hâm mộ vì tài năng xuất chúng, chỉ xếp sau Vua bóng đá Pele. Italia 90 là kỳ World Cup dữ dội nhất, nhiều bất ngờ và cũng thú vị nhất. Ngay trận đầu khai mạc, sư tử Châu Phi Cameroon đã đánh bại đương kim vô địch Argentina 1- 0, gây choáng váng cả thế giới. Cũng với ngày hội lần đó, lão tướng Roger Mila khi ấy 38 tuổi ghi đến 4 bàn, đưa đội tuyển vào đến tứ kết. Và đặc biệt, hình ảnh anh đứng bên cột cờ đường biên ngoáy mông ăn mừng bàn thắng còn khiến bao người phát rồ. Nghe đâu cú ngoáy mông đó sau này một hãng thời trang quần bò đã mua bản quyền để quảng cáo! World Cup 1998 khi đội tuyển Pháp vô địch, tài năng Zinedine Zidane còn khiến bao người trầm trồ khi lập cú đúp giúp đội tuyển Pháp thắng Brazil 3-0 và cả chiếc thẻ đỏ do cú húc đầu tai tiếng vào  người cầu thủ Ý sau đó. World Cup 2002 diễn ra tại Hàn Quốc lại là sự lên ngôi của anh chàng răng vẩu đầu trọc, chỉ một chỏm tóc quái dị ngay mỏ ác - người ngoài hành tinh Ronaldo. Anh trở thành người hùng khi góp công lớn giúp Brazil giành ngôi vô địch khi thắng Đức 2-0 trong trận chung kết. World Cup 2014 diễn ra ở Brazil, đội Đức vô địch nhưng tài năng gọi tên Leonel Messi khi anh nhận danh hiệu quả bóng vàng. Không chỉ World Cup, nổi tiếng và trực tiếp cạnh tranh cùng với CR7 ở nhiều đấu trường, anh là ngôi sao thượng thặng với khả năng tăng tốc khó ai bắt kịp, khả năng cầm bóng, kỹ thuật cá nhân thiên bẩm, sút phạt điêu luyện, đi qua hàng loạt cầu thủ đối phương rồi ghi bàn nhẹ hều, dễ như ăn kẹo...
Harry Kene của Anh đang là người ghi nhiều bàn thắng nhất - 5 bàn, nhưng có tới 2 bàn ghi vào lưới đối phương bằng penalty.
Harry Kene của Anh đang là người ghi nhiều bàn thắng nhất - 5 bàn, nhưng có tới 2 bàn ghi vào lưới đối phương bằng penalty.
Diễn ra tại Nga lần này, người hâm mộ hy vọng được thưởng thức một kỳ World Cup với nhiều thành công, tận mắt chứng kiến chiến thuật hiệu quả của các chiến lược gia, những cầu thủ đình đám, những pha phối hợp mẫu mực, những đường bóng kinh điển, những màn ghi bàn tuyệt vời... Và cả gia vị từ những câu chuyện ngôi sao bên lề sân cỏ. Vẫn còn đó những cái tên quen thuộc, chưa thể xem là hết thời: CR7, Messi, Neymar, Ramos... Và trên thực tế cũng có bàn thắng đẹp, tuy không nhiều. Nhưng rồi thì sao? Lần lượt những tên tuổi lớn hồi hương không kèn không trống kể từ sau vòng tứ kết. Số ở lại có thể sẽ có người giành danh hiệu này, danh hiệu khác. Nhưng có vẻ họ không thể khỏa lấp sự trống vắng tài năng của một kỳ World Cup hiện diện quá rõ. Harry Kene của Anh đang là người ghi nhiều bàn thắng nhất - 5 bàn, nhưng có tới 2 bàn ghi vào lưới đối phương bằng penalty. Một số bàn thắng của anh cũng chẳng thể gọi là đẹp mắt để khiến ai đó xúc động cảm thán; nó chỉ dừng lại ở sức mạnh, khả năng đè người càn lướt. Lukaku, Bruyne, Hazard của Bỉ có vẻ khá hơn, mạnh mẽ, lạnh lùng nhưng cũng đầy cảm xúc. Sức trẻ Mbape của Pháp cũng là một phát hiện, cũng được đánh tiếng chuyển nhượng với mức giá rất cao nhưng sự tinh tế, điêu luyện và đẳng cấp thì còn thua xa đàn anh hiện tại. Modric của Croatia cầm chịch giữ nhịp trận đấu, có những đường chuyền chọc khe chết người và có cả những pha ghi bàn từ xa đẹp mắt. Tuy nhiên, tất cả “anh hào” còn lại cho đến thời điểm này đều chưa thể làm cho người xem bay bổng, phát cuồng vì những màn solo ghi bàn phi phàm hay những pha phối hợp tinh tế, những cú sút phạt thần sầu. Cá tính bên trong và ngoài sân cỏ cũng không làm họ nổi bật thêm. 
Giới mộ điệu trái bóng tròn có thể ăn-ngủ-thức cùng trái bóng mùa World Cup. World Cup 2018 cũng chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc, và tất nhiên nó vẫn lưu giữ những dư âm nhất định. Nhưng lúc này đây, không chủ quan khi có thể nói rằng, đây là World Cup không có tài năng nổi bật, không có “cánh én làm nên mùa xuân” say đắm lòng người như thuở Maradona, cũng như nhiều tài năng khác, từng xuất hiện và chinh phục triệu triệu trái tim người hâm mộ trên toàn thế giới.
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm