Jose Mourinho đã từng là cái tên mà cả thế giới bóng đá đều mong ước. Ông là vị cứu tinh trong nhiệm kỳ đầu tiên ở London, một nhân vật mang tính biểu tượng ở Milan, kẻ đáng ghét nhưng xuất sắc ở Madrid… Nhưng bây giờ, có vẻ như những ngày chạm vào đâu cũng thành công và lấy Cúp đã hết.
Hình ảnh đầy quyền uy của Jose Mourinho trước đây đã không còn. Ảnh: AFP |
Bóng đá năm 2021 khác hẳn so với thời điểm Mourinho bùng nổ với Porto và giành UEFA Cup 2003 rồi Champions League 2004. “Người đặc biệt” ngày nào, giờ cũng bình thường và tầm thường...
Quyền lực và sự chuyển giao quyền lực
“Tôi đã nói với các cầu thủ những gì cần thiết nhưng họ đã không làm theo”, chia sẻ mới nhất của Mourinho sau khi Tottenham bị Dinamo Zagreb lội ngược dòng và loại khỏi Europa League, nó cho thấy điều gì? Quyền lực của Mourinho đã không còn được như trước. Nói cách khác, ở những đội bóng hàng đầu bây giờ, huấn luyện viên không còn đóng vai của nhân vật có quyền quyết định tất cả, phủ cái bóng lên thành công nữa.
Ở những năm tháng đỉnh cao, tại Chelsea thì “Special One: có đội hình mạnh mẽ và gắn kết được xây dựng từ trước đó để tạo ra một “chất Mourinho” tại Stamford Bridge. Tới Inter Milan, ông cũng thừa hưởng một đội ngũ kỳ cựu, mạnh mẽ về tinh thần để phát huy “triết lý Mourinho”. Và tới Real Madrid, ông được trao cho một bộ sưu tập toàn ngôi sao hàng đầu, trong đó có “thanh gươm báu” Cristiano Ronaldo.
Ngay cả khi không giúp Chelsea và Real Madrid vô địch Champions League nhưng Mourinho vẫn trên đỉnh cao, vẫn đầy quyền lực và ngạo nghễ với kiêu hãnh, tự tôn. Thế nhưng ở nửa sau của sự nghiệp huấn luyện, mọi thứ đã dần lạc lối và trở nên tồi tệ. Kể từ khi rời Madrid tháng 5.2013, cái tên Mourinho gắn liền với sự khủng hoảng, nổi tiếng với các vụ chia tay ồn ào, và cả những khoản đền bù kếch xù cứ sau mỗi lần cúi mặt ra đi vì bị sa thải thay vì sự ghi nhận, tôn trọng.
Chelsea tái ký với Mou năm 2013, khi không còn lựa chọn và quá khứ vàng son với chức vô địch Premier League cùng rất nhiều cầu thủ thâm niên, cứng cựa nhiệm kỳ đầu tiên. Với Manchester United, cho đến bây giờ người ta vẫn không hiểu vì sao lại chọn Mourinho, một người đi ngược với triết lý bóng đá ở sân Old Trafford. Cũng có các danh hiệu, nhưng Manucians đòi hỏi những giá trị khác, một nhân cách và thứ bóng đá khác.
Và tại Tottenham lúc này, người ta đang nghĩ tới một câu chuyện mà Mourinho biết rõ từ ngày ở Chelsea: cuộc nổi loạn của các cầu thủ. Đó là thứ đáng sợ, trong bối cảnh các cổ động viên hiện nay cũng không còn đủ kiên nhẫn.
Lựa chọn nào cho một “Mourinho lỗi thời”?
Nếu mang theo triết lý tấn công, hoặc đơn giản là thích nghi với thời cuộc, với sự vận động của bóng đá hiện đại, Mourinho vẫn còn có thể cứu vãn được sự nghiệp. Nhưng thứ bóng đá phòng ngự và quan điểm đề cao kết quả, tính thực dụng bất chấp tất cả, kể cả chơi thứ bóng đá tiêu cực của ông, giờ đây luôn đặt đội nhà vào thế phải chịu áp lực, lúc nào cũng trong trạng thái có thể bị thủng lưới, ngay cả khi đối đầu với đội bóng yếu hơn.
Một vấn đề khác, kể từ khi trở lại Anh, Mourinho không có thiên hướng xây dựng đội bóng cho tương lai lâu dài mà luôn là những mục tiêu ngắn hạn, mang tính “ăn xổi”. Tottenham không chấp nhận các mục tiêu kiểu như Ivan Perisic hay Nemanja Matic, nên nếu Mourrinho có chia tay vào mùa Hè này trong nỗi thất vọng thì cũng không ngạc nhiên.
Dù có đặc biệt đến mấy thì “Người đặc biệt” vẫn không thể thoát khỏi vòng quay của cuộc chơi, phải chấp tìm đến với các đội bóng đang gặp khó khăn và không được mua những cầu thủ ngôi sao, đẳng cấp đã được khẳng định mà ông đề xuất. Và lúc này, dám chắc rằng khó có đội bóng hàng đầu nào muốn giao tương lai hay dự án phát triển vào tay ông thầy đã thành một biểu tượng bóng đá lỗi thời.
“Lỗi thời”, đó chính xác là những gì người ta nói về Mourinho với bóng đá đỉnh cao. Vậy nên, câu chuyện đặt ra là, tiếp theo với “Người đặc biệt là gì”? “Về vườn” hay bước tiếp và rẽ hướng?
Có ý kiến cho rằng, dẫn dắt một đội tuyển quốc gia nào đó là tiềm năng thành công duy nhất còn lại với Mourinho, bởi với kỹ năng chiến thuật của ông trong trận đấu có thể thích hợp ở các giải đấu ngắn hạn, như World Cup hay EURO. Tuy vậy, cũng có khả năng khác để thành công, là việc chọn tới các đội bóng tầm trung. Ở đó không có những ngôi sao hàng đầu, không có những nhân vật xuất chúng nhưng Mourinho sẽ có một tập thể “dễ bảo”, dễ chấp nhận và hướng theo triết lý phòng ngự, phản công và chấp nhận chơi thứ bóng đá “kiểu Mourrinho. Và thành công có thể được định nghĩa theo cách khác, không phải là các danh hiệu mà là sự trưởng thành, lớn mạnh của một đội bóng.
Lựa chọn là của Mourinho!
Tháng 4.2019, Mourinho từng chia sẻ rằng muốn dẫn dắt đội tuyển Bồ Đào Nha trước khi giải nghệ. Nếu “Brazil của Châu Âu” không thành công ở EURO 2020 vào mùa Hè này, liệu cờ có được trao tay Mou?
TAM NGUYÊN (LĐO)