Pháp luật

Tin tức

Mua bán trái phép thông tin - nguy cơ phát sinh các loại tội phạm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước việc hàng triệu thông tin cá nhân, trong đó có khách hàng ngân hàng qua các hình thức khác nhau bị mua bán trên không gian mạng, Cơ quan công an cho hay, hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật, còn tiềm ẩn nguy cơ cho các loại tội phạm khác phát sinh như lừa đảo, tống tiền…

 

Nhóm bị can mua bán tài khoản ngân hàng bị Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện. Ảnh: CACC
Nhóm bị can mua bán tài khoản ngân hàng bị Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện. Ảnh: CACC


Các kênh thu thập, mua bán trái phép thông tin

Hôm 23.8, Toà án Nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử đôi vợ chồng là Dư Anh Quý (34 tuổi), Lại Thị Phương (30 tuổi) trú ở huyện Đông Anh (Hà Nội) về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông” song toà đã trả hồ sơ điều tra bổ sung. Tuy nhiên, qua tài liệu thể hiện, cặp vợ chồng này đã mua bán trái phép chục triệu thông tin người dân.

Quý vốn là nhân viên hợp đồng làm lập trình viên phòng giải pháp quản lý kinh doanh điện (nay là Trung tâm Phát triển phần mềm) của Công ty Viễn thông điện lực và công nghệ thông tin, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Quá trình làm việc tại đây, Quý được tiếp cận cơ sở dữ liệu chứa thông tin cá nhân khách hàng của công ty điện lực các địa phương.

Tháng 7.2017, vợ chồng Quý thành lập Công ty Giải pháp năng lượng VinitTech, do Phương đứng tên giám đốc. Đến cuối năm 2018, Quý biết một số người có nhu cầu mua dữ liệu thông tin khách hàng của EVN. Lợi dụng việc này, Quý đã lén lút sao chép dữ liệu thông tin cá nhân được đăng ký trong hệ thống dữ liệu mang về lưu giữ tại ổ cứng di động cá nhân.

Để tổ chức việc bán dữ liệu, Quý lập website datavang.com, đăng tải các nội dung như “data 63 tỉnh thành quận, huyện”,

“danh sách khách hàng làng nghề gỗ ở Từ Sơn”, “update danh sách khách hàng chung cư quận Hoàng Mai”, “cập nhập danh sách khách hàng doanh nghiệp 63 tỉnh, thành”… Khi khách hàng có nhu cầu mua thông tin dữ liệu thì trao đổi, thỏa thuận mua các gói dữ liệu gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ của khách hàng với giá giao dịch từ 200 đồng đến 1.000 đồng/thông tin giao dịch.

Từ ngày 13.12.2018 đến ngày 24-11-2018, vợ chồng Quý đã bán dữ liệu cho hơn 100 khách hàng, thu lợi bất chính hơn 279,2 triệu đồng. Đơn cử trong các ngày 25.4.2019 và 4.5.2019, Phương dùng tài khoản Zalo bán cho Trần Mạnh Tuấn hơn 4 triệu thông tin cá nhân gồm số điện thoại, tên dự án, mã căn hộ… với giá 2 triệu đồng. Các ngày 17.4.2019 - 12.62020, Phương có 36 lần bán cho Nguyễn Hoài Phúc (ở TPHCM) khoảng 157.000 dữ liệu thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại cá nhân khách hàng EVN với giá hơn 108 triệu đồng…

Ngoài ra, liên quan đến vụ án, đối tượng Nguyễn Mạnh Linh (32 tuổi, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng có hành vi sao chép, trích xuất trái phép dữ liệu thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại, người đại diện pháp luật, số tài khoản ngân hàng, mã số thuế… của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Nội từ hệ thống Quản lý doanh nghiệp và hộ cá thể và hệ thống Quản lý báo cáo doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội để bán nhằm thu lợi bất chính…

Gần đây nhất, hôm 25.8 theo thông tin từ Công an tỉnh Hưng Yên, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tỉnh đã triệt phá ổ nhóm mua bán trải phép thông tin để mở tài khoản ngân hàng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố 4 bị can về tội “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.

Nhóm này đã dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ các em học sinh mới được cấp thẻ căn cước công dân đăng ký mở tài khoản tại nhiều ngân hàng thương mại, sau đó mua lại. Công an hiện làm rõ, nhóm này đã mua bán trái phép thông tin của gần 120 tài khoản ngân hàng do nhiều cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên.

Nguy cơ phát sinh các loại tội phạm

Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an (C02) đánh giá, việc mua bán trái phép thông tin cá nhân (trong đó có mua bán tài khoản ngân hàng) là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc, tổ chức đánh bạc... ảnh hưởng trực tiếp tình hình an ninh, trật tự tại các địa phương.

Cụ thể, chúng lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền…) để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân.

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000 - 300.000 đồng trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.

Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, chúng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật. Chúng làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc; giả mạo, giả danh cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát, hải quan, thuế...

C02 khuyến cáo, tuyệt đối không cho người lạ mượn, chụp, thuê, mua căn cước công dân (chứng minh nhân dân) hoặc tài khoản ngân hàng nếu không có mục đích chính đáng; Không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, tài khoản ngân hàng lên mạng xã hội.

https://laodong.vn/phap-luat/mua-ban-trai-phep-thong-tin-nguy-co-phat-sinh-cac-loai-toi-pham-1086392.ldo

 

Theo V.Dũng (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm