Du lịch

Hành trang lữ hành

Mùa biển gọi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ có bờ cát trắng mịn trải dài bên làn nước trong xanh, nhiều bãi biển ở Bắc Trung Bộ còn được bao quanh bởi rặng dừa xanh, hàng phi lao dài tít tắp. Chính sự giao thoa khéo léo giữa biển rộng mênh mông và các dãy núi cao, hùng vĩ đã đem đến cho du khách những trải nghiệm ấn tượng, thú vị khi về với biển.
Khu du lịch biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) với nhiều dịch vụ, trải nghiệm thú vị.

Khu du lịch biển Xuân Thành (Hà Tĩnh) với nhiều dịch vụ, trải nghiệm thú vị.

Mùa du lịch biển năm 2023 được kỳ vọng là bước tạo đà hoàn hảo để du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cất cánh.

Trải nghiệm thú vị

Vào những ngày chớm hạ, chúng tôi có dịp quay lại những làng chài ven chân sóng ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Biển ở đây có nước trong xanh mầu ngọc bích, từng con sóng nhỏ dập dìu bên bờ cát trắng. Đến đây, mọi ồn ào của phố thị như được gột rửa dưới mầu xanh của biển cả.

Chúng tôi theo thuyền ngư dân Nguyễn Xuân Trí ở làng chài Xuân Liên, huyện Nghi Xuân ra khơi để trải nghiệm. Bên cạnh những dụng cụ quen thuộc trong chuyến ra khơi câu mực như: Đèn, dây kim tuyến, mồi câu mực phát sáng, cần câu, vợt xúc…, hành trang không thể thiếu trên con thuyền đánh cá của anh Trí là những chiếc áo phao cứu sinh đa năng dành cho các "cần thủ" không chuyên muốn khám phá biển lúc đêm xuống.

Theo anh Trí, nghề câu mực được cha ông truyền lại từ bao đời nay. Những chuyến câu mực bắt đầu từ khoảng tháng 4 và kết thúc vào tháng 7 hằng năm. Đây là thời điểm trời yên, biển lặng nhất trong năm, cho nên rất nhiều đoàn khách phương xa về trải nghiệm nghề câu mực.

Lênh đênh trên chiếc thuyền câu, chúng tôi có trải nghiệm đầy kỳ thú về nghề đi biển. Thuyền ra khơi lúc mặt trời vừa khuất sau dãy núi Hồng Lĩnh ở phía tây, địa điểm thuyền thả neo chỉ cách bờ biển chừng 3 hải lý.

Được các ngư dân hướng dẫn, chúng tôi buông câu, kéo, giật, thả liên tục. Xen lẫn những tiếng cười trầm trồ khi chú mực cơm dính bẫy được dây câu dẫn lên khoang thuyền là những tiếng thở dài, tặc lưỡi khi đàn mực nhả mồi câu, lặn sâu dưới đáy biển.

Trời về đêm, gió biển thổi mơn man từng cơn sóng nhỏ, hàng trăm ánh đèn nhấp nháy của ngư dân như kết thành một cánh cung vây quanh mạn thuyền, giúp chúng tôi quên đi cảm giác nhỏ bé giữa mênh mông biển cả...

Trong ánh nắng mai lấp lánh, thuyền cập bến, những con mực còn nhấp nháy, những con tôm bật tanh tách và những con cá tươi roi rói dưới khoang thuyền như mời gọi, như níu kéo hẹn ngày trở lại.

Theo các ngư dân ở đây, thời điểm kết thúc chuyến trải nghiệm nghề câu biển tùy thuộc vào yêu cầu của du khách.

Rất nhiều du khách thích thú, thức trắng đêm với bạn thuyền, cũng có không ít du khách yêu cầu thuyền quay về bờ lúc giữa đêm để nghỉ ngơi tại các khách sạn đã đặt trước ở khu du lịch biển Xuân Thành.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh Lê Trần Sáng, bên cạnh tiềm năng du lịch tự nhiên, vùng ven biển Hà Tĩnh với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể vùng ven biển đa dạng, nhiều lễ hội lớn, gắn với các di tích cấp quốc gia như lễ hội Sĩ-Nông-Công-Thương ở huyện Nghi Xuân, lễ hội đền Chiêu Trưng ở huyện Thạch Hà, lễ hội chùa Chân Tiên ở huyện Lộc Hà, lễ hội Cầu Ngư ở huyện Cẩm Xuyên, lễ hội đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu ở thị xã Kỳ Anh… Nhiều loại hình dân ca, dân vũ gắn với tín ngưỡng dân gian của cư dân ven biển như hát sắc bùa, hò chèo cạn, ví, giặm, đi cà kheo...

Các bãi biển ở Hà Tĩnh kết nối thuận lợi với các di tích, danh thắng ở các khu vực khác trên địa bàn tỉnh như Hồ Kẻ Gỗ, Khu di tích Tổng Bí thư Hà Huy Tập (huyện Cẩm Xuyên); Ngã ba Đồng Lộc, Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc); Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (huyện Đức Thọ); Khu sinh thái Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Khu Nước Sốt-Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn); Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân) là điểm đến lý tưởng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Ba địa phương, một điểm đến

Dù đã không ít lần về với biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), song cứ mỗi lần đến đây, cảm giác mới lạ, đặc sắc của biển xứ Thanh luôn tạo ra sự hấp dẫn lưu luyến đối với chị Nguyễn Thị Minh ở Thụy Khuê, Hà Nội.

"Tốc độ đô thị hóa nhanh, diện mạo Sầm Sơn đổi thay từng ngày theo hướng hiện đại, không gian đô thị mở rộng về phía tây, bờ hữu sông Mã và khu vực phía nam dãy Trường Lệ. Đặc biệt, các dịch vụ du lịch chuyển dịch theo hướng chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ du khách và thành phố còn giữ được thảm rừng trên núi, tạo không gian "tĩnh" hấp dẫn du khách khi muốn tạm xa chốn đô thị tấp nập, sôi động" - chị Minh chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sầm Sơn Bùi Quốc Đạt cho biết, năm nay, du khách từ Hà Nội và các tỉnh phía bắc về với đô thị du lịch biển Sầm Sơn sẽ rút ngắn được thời gian di chuyển bởi đoạn cao tốc bắc-nam Mai Sơn-quốc lộ 47, đoạn đường bộ ven biển Quảng Xương-Sầm Sơn đã hoàn thành, đưa vào khai thác cùng với trục đại lộ, quốc lộ đông-tây rộng, thoáng, kết nối Sầm Sơn với thành phố Thanh Hóa.

Nhằm thu hút du khách đến với Sầm Sơn, ngoài các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hằng ngày, hằng đêm của Tập đoàn SunGroup, thành phố Sầm Sơn sẽ tổ chức chuỗi sự kiện, các lễ hội, hoạt động văn hóa-thể thao, tạo sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, tiêu biểu như: Lễ hội tình yêu hòn Trống Mái, lễ kỷ niệm 60 năm đô thị du lịch Sầm Sơn và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi để hiện thực hóa mục tiêu đón được 7,2 triệu lượt khách du lịch trong năm nay.

Khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Khu du lịch biển Sầm Sơn (Thanh Hóa).

Thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) năm nay đã có hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng đa dạng với hàng trăm khách sạn, resort chất lượng như: Summer Cửa Lò, Mường Thanh Cửa Lò, Khu nghỉ dưỡng Golf biển Cửa Lò, tổ hợp khách sạn, khu vui chơi giải trí và biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội... có thể phục vụ hơn 30 nghìn khách lưu trú mỗi ngày.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cửa Lò Hoàng Văn Phúc, năm 2023 được xác định là năm bản lề để đô thị du lịch biển đột phá có một diện mạo mới, phục hồi và phát triển bền vững cho những năm tiếp theo. Vì vậy, địa phương đang tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, đầu tư, chỉnh trang đô thị, giải phóng mặt bằng hệ thống ki-ốt biển và các công trình phía đông đường Bình Minh, tạo mặt bằng sạch để tổ chức đấu thầu, xây dựng, kiến thiết lại khu lâm viên phía đông.

Triển khai đầu tư, chỉnh trang các hạng mục phía tây đường Bình Minh, cải tạo, nâng cấp mặt đường, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, điện chiếu sáng; đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường Bình Minh, đường Sào Nam, đường số 10 và các trục đường nội thị, đầu tư các bãi đậu xe phía tây đường Bình Minh đồng bộ và hiện đại là những việc đang được tiến hành khẩn trương.

"Cửa Lò hướng tới du lịch bốn mùa. Trong đó, mùa hè tập trung chủ yếu cho dịch vụ tắm biển, nghỉ dưỡng. Mùa xuân đầu tư vào khai thác du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn như: Lễ hội đền Vạn Lộc, di tích đền Mai Bảng, đền Thu Lũng, bãi chùa Đảo Ngư; mùa thu và mùa đông, các cơ sở lưu trú trên địa bàn sẽ giảm giá phòng, tạo thành combo du lịch hấp dẫn. Thị xã tập trung tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách hội nghị, hội thảo, tổng kết cuối năm từ các cơ quan, ban, ngành, công ty, tập đoàn; đồng thời, quan tâm đầu tư vào văn hóa ẩm thực-thế mạnh của biển Cửa Lò" - ông Hoàng Văn Phúc nhấn mạnh.

Bên cạnh việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch tại Lào và Thái Lan, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã cùng phối hợp tiếp đón các đoàn Famtrip, Presstrip đến từ đông bắc Thái Lan, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Tây Bắc đến để khảo sát, xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết vùng, các tua tuyến du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, nhất là tua du lịch trải nghiệm "Ba địa phương, một điểm đến, nhiều trải nghiệm".

Có thể bạn quan tâm