TN - Đất & Người

Mùa hái măng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mùa mưa đến, làng tôi nhộn nhịp từng tốp người với nhiều lứa tuổi khác nhau cùng lên núi hái măng. Những đôi chân trần chai sạn bám chặt con đường ngoằn ngoèo trơn trượt, vai mang gùi kèm theo các dụng cụ cần thiết như rựa, dao, cái cuốc nhỏ… Mọi người ai nấy đều hớn hở chuẩn bị cho một công việc được thiên nhiên ưu đãi để cải thiện cuộc sống.

Làng Kto (xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) là quê hương tôi. Những chuyến mang chiếc gùi nhỏ lẽo đẽo theo người lớn cùng đi lấy măng đã trở thành những kỷ niệm khó phai. Hái măng cũng đòi hỏi sự cần cù, kiên nhẫn với đôi bàn tay khéo léo để bẻ được những ụ măng hay bóc tách các lớp lá áo giáp đầy gai. Mùa hái măng còn như một mùa hội nhỏ đến hẹn lại lên của làng. Có những gia đình đi hái măng chỉ để cải thiện, cũng là thói quen, hoặc trao đổi hàng hóa nhưng có những gia đình đã nhờ măng để có thu nhập chính nuôi cả nhà.

 

Một bé gái đang rửa măng rừng ngoài suối. Ảnh: K.N.B
Một bé gái đang rửa măng rừng ngoài suối. Ảnh: K.N.B

Gia đình ông Kot-nguyên Trưởng thôn Kto, là một trong những gia đình có nguồn thu nhập chính từ măng. Ngay từ đầu mùa mưa, cả nhà đã cần mẫn tìm măng từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Thường thì đầu mùa mưa, vào tháng 5, gia đình ông Kot bắt đầu tìm măng để bán, tuy ít nhưng được giá (khoảng 8.000-9.000 đồng/kg). Từ tháng 7 đến tháng 10 mưa nhiều, măng mọc nhanh nên giá rẻ, có khi còn bị các thương lái ép giá… Vì thế, ông Kot chuyển hướng làm măng khô, quyết tâm nghiên cứu và tự làm lò sấy măng… để bán lâu dài. Với cách này gia đình ông vừa có thu nhập ổn định, vừa trữ được măng. Đặc biệt, nếu để đến gần Tết thì giá măng khô có thể dao động từ 200.000 đồng đến 260.000 đồng/kg, thương lái đến tận nhà thu mua. Ông Kot chia sẻ: “Mình hay nói với các con chỉ cần chăm chỉ là có cuộc sống đủ ấm, đủ no. Chứ có đủ chân, đủ tay mà không chịu lao động, lại kêu đói, kêu không có tiền thì mình chịu thôi…”.

Vào mùa mưa, sấy măng thủ công là cả vấn đề khó khăn. Hầu hết các hộ làm lò sấy thủ công bằng gạch, sắt, đất sét, dáng lò trông như một căn hầm nhỏ, phía bên dưới chừa khoảng trống để nhóm củi đốt. Măng thường được sấy theo mẻ, loại dày một lượt, loại mỏng một lượt để đảm bảo sự “đồng bộ”, canh thời gian sấy cũng chính xác hơn. Mỗi lượt măng được lật qua, lật lại nhiều lần tùy vào măng mỏng hay dày, đến khi măng khô nhẹ mới cho ra để nguội và đóng gói.

Chị Hmuối, một người dân làng Kto, chia sẻ: Muốn măng bán được thì cách làm phải sạch sẽ, không phơi dưới đất, lúc sơ chế phải chọn phần măng non. Măng sau khi sấy khô thì bỏ vào bao bì, phải xếp cho đẹp để bắt mắt người mua. “Mấy năm qua, mình có nhiều mối đặt hàng để bán. Nhiều khi hết măng của mình nhưng không dám lấy của người khác, sợ không đảm bảo, sẽ bị mất uy tín…”-chị Hmuối nói về cách giữ chân khách hàng.

Mùa hái măng rừng chỉ là công việc bổ sung, cải thiện đời sống cho bà con trong làng nhưng cũng là một mùa để mọi người sum vầy, hội nhóm chia sẻ về kỹ thuật hái măng, làm măng, bán măng, bảo quản măng… hay chế biến các món ăn từ măng vừa bắt mắt vừa ngon miệng trong gia đình và các ngày trọng đại của làng. Do vậy, hái măng cũng là một trong những nét sinh hoạt của dân làng khi mùa mưa về với Tây Nguyên.

Y Phương

Có thể bạn quan tâm