TN - Đất & Người

"Mùa hè đỏ lửa" ở Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Có những cụm từ chung lại thành ý niệm riêng, tên gọi riêng cho một sự kiện lịch sử, không lẫn vào đâu được. Nói “Mùa xuân đại thắng” thì chắc chắn đó là mùa xuân năm 1975. Nói “Mùa thu cách mạng” thì ắt là mùa thu năm 1945… Cũng như thế, khi nhắc đến “Mùa hè đỏ lửa” thì ai cũng nghĩ đến sự kiện mùa hè năm 1972.

 

1. Cụm từ “Mùa hè đỏ lửa” là cách nói hình tượng về mùa hè năm 1972 khi Quân Giải phóng mở Chiến dịch xuân-hè làm cuộc tập kích lớn, đồng loạt vào 3 khu vực chiến lược của chiến trường miền Nam nhằm phá tan âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, gồm: mặt trận Đông Nam Bộ (điểm là Bình Long), mặt trận Tây Nguyên (điểm là Kon Tum) và mặt trận Trị Thiên (điểm là Quảng Trị).

Đã là mùa hè thì dĩ nhiên là đỏ lửa nắng trời, nhưng mùa hè năm 1972 còn thêm màu đỏ của đạn bom chiến trận vô cùng khốc liệt. Cái màu đỏ lửa ấy có thể “thấy” qua vài mẩu chuyện quanh tháng 4-1972 tại mặt trận Bắc Tây Nguyên với chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh vang dội.

Nơi diễn ra trận đánh đã từng được ví von như là một “Điện Biên Phủ ở Tây Nguyên” ấy nay đã được xếp hạng là “Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt”, ở khoảng Km 106 ven đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14, trước 1975 là đường 18), thuộc huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum. Ở đây xin không nêu những dữ kiện, diễn biến đã có trong các tư liệu, chỉ xin kể lại vài câu chuyện đã được nghe, được biết để thấy sự “đỏ lửa” của mùa hè năm ấy.

Sự “đỏ lửa” đã ngầm ẩn nén như khối bộc phá ngay trong những khẩu hiệu tuyên truyền như khẩu lệnh chiến đấu của cả 2 phía (Cách mạng và Việt Nam Cộng hòa). Hẳn những ai đã qua thời điểm ấy ở khu vực Tây Nguyên còn nhớ câu: “Trường Sơn chuyển mình/Pô Kô dậy sóng/Quét sạch quân thù/Giải phóng Tây Nguyên” phát ra từ Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và được bí mật lan truyền râm ran từ khắp các thôn, làng đến trong lòng đô thị, được mọi người thầm thì úp mở rằng đó là những lời “sấm truyền” dự báo cho thời thế sắp đổi thay... Tiếp sau đó, khi chiến sự xảy ra vô cùng ác liệt, phía Việt Nam Cộng hòa cũng có câu hô hào đáp lại: “Bình Long anh dũng/Kon Tum kiêu hùng/Trị Thiên bách thắng”. Cho đến khi quân đội Việt Nam Cộng hòa nhận thất bại thảm hại trên cả 3 mặt trận thì riêng ở Tây Nguyên, cái vế “Kon Tum kiêu hùng” liền được mọi người nói trại thành “Kon Tum… kêu trời”!

 Tượng đài Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh. Ảnh: K.N.B
Tượng đài Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh. Ảnh internet



Sự “đỏ lửa” ấy được phản ánh trong các sáng tác thơ văn của những người lính trong cuộc ở cả 2 phía. Một anh bộ đội đơn vị C150 trinh sát kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã viết nên bài thơ “Chiến sĩ Tây Nguyên” dài đến 473 câu như một khúc tráng ca ngay sau chiến thắng. Đó là nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn (sau này là Phó Tổng Biên tập tuần báo Văn Nghệ). Với nguồn cảm hứng ngồn ngộn thăng hoa, bài thơ như cuốn phim quay chậm đặc tả những sự kiện, những chi tiết vô cùng chân thực và sinh động, mang đậm âm hưởng sử thi. Phần “đỏ lửa” nhất, hào sảng nhất của bài thơ là miêu thuật không khí chiến trận và diễn biến chiến trường vô cùng ấn tượng. Với chiến sĩ thì: “Chiến sĩ bình tĩnh lạ thường/Ung dung vào thế trận…/Cứ đi, cứ cắt rừng/Cứ khiêng và cứ vác/Ngày hay đêm cũng mặc/Lệnh trên là khẩn trương”… Với cấp chỉ huy thì: “Trong hầm tác chiến/Đồng chí Tư lệnh mái tóc pha sương/Tham mưu trưởng lặng im/Râu một tuần không cạo…/Trong hầm đèn đỏ/Đỏ đêm…/Con mắt thâm quầng mà sáng/Khoanh trên bản đồ/Những vòng cung đỏ thắm…”. Ấy là sự hối hả khẩn trương “mang lửa” triển khai về hướng Đak Tô-Tân Cảnh: “Hôm nay/Chư Mom Ray/Đỉnh cao ngàn tám/Chiến sĩ/Những người lăn lộn/Từ Plei Me, Đak Tô/Từ Ngọc Rinh Rua/Về ngã ba biên giới”… Hay  “Đak Tô-Tân Cảnh/Lửa cháy sáng trời/Đạn đại bác từ muôn nơi/Dội về xối xả/Xích sắt xe tăng chồm lên giận dữ/Đạn hỏa tiễn rạch không khí đỏ lừ/Bộ binh dòng thác đổ/Chỉ còn lại một màu cờ đỏ/Rải từ Ngọc Bờ Biêng/Trùm về Võ Định”. Khí thế ấy đã dồn dập hiệp đồng hòa nhịp cùng với 2 mặt trận khác: “Tin chiến thắng Bình Long gọi tới/Tin chiến thắng Quảng Trị báo về”…

Với khí thế trúc chẻ ngói tan ấy, đến 11 giờ ngày 24-4-1972, Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh đã thuộc về những người lính Tây Nguyên. Một nửa tỉnh Kon Tum về phía Bắc thuộc quyền kiểm soát của cách mạng, từ đó dọn đường đi đến mùa xuân đại thắng 1975.

2. Đại tá Dương Minh-người trực tiếp tham gia trận Đak Tô-Tân Cảnh, về sau làm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đak Tô, mô tả về chiến thắng này: “Chiến thắng thì mừng vui lắm đấy, nhưng mọi người lúc bấy giờ đều có chung một niềm tiếc nuối. Tiếc vì sau khi giải quyết xong Đak Tô-Tân Cảnh, đội hùng binh liền cấp tốc xốc thẳng về thị xã Kon Tum. Tuy nhiên, những cơn mưa đầu mùa năm ấy đến quá sớm và dày, khiến xe tăng bị sa lầy, cộng với hàng rào lửa bom napal Mỹ rải chặn đầu ác liệt làm mất thế bất ngờ và chủ động, đành phải chịu “tiêu tốn” thêm bao nhiêu công sức nữa, cho đến năm 1975!”.

Cuộc tiến quân từ Đak Tô-Tân Cảnh hướng về thị xã Kon Tum mà Đại tá Dương Minh nhắc đến ở trên đã kéo dài thêm sự “đỏ lửa” trên bầu trời Bắc Tây Nguyên khi Quân đoàn 2 phía Việt Nam Cộng hòa cấp tốc điều quân từ Pleiku lên tiếp ứng Kon Tum và bị đánh chặn tơi bời tại “ải Chi Lăng” đường 14, nơi điểm thắt nút giữa 2 ngọn núi Chư Thoi và Chư Pao (địa phận xã Ia Khươl, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai). Bị tập kích và vây hãm bởi những trận đánh “đỏ lửa” tại cửa ải đường 14 này, một người lính Việt Nam Cộng hòa tham chiến tại đây đã thốt lên bi thảm trong những câu thơ: “Chư Pao ai oán hờn trong gió/Mỗi chiếc khăn tang, một tấc đường!”. Và ở một bài thơ khác có nhan đề là “Đường số 14”, cũng tác giả này, còn thấy rõ sự “ớn lạnh” khi nhắc lại tên núi Chư Pao như một ám ảnh khôn nguôi: “Hè này ta lại trên đầu núi/Chợt xót xa cho khách chiến bào/Đang đốt đời trong cao điểm đó/Bao giờ thấy lại ngọn Chư Pao!” (Lâm Hảo Dũng)…

Trận địa Chư Thoi-Chư Pao cũng hiện rõ trong hồi ký của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Chính ủy Chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh (lược thuật): “Phục kích, chốt chặn tại Chư Thoi-Chư Pao gồm Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 6 (Trung đoàn 24), Tiểu đoàn 613, du kích các xã B1, B2, B3 (huyện 4, nay là huyện Chư Pah-N.V), hứng chịu hàng trăm tấn bom rải thảm B52, hàng chục quả bom 7 tấn, hàng vạn quả pháo, xây dựng trận địa ngay mép đường khu vực từ cầu I-a-tô-ven đến quá ngã ba Trà Huỳnh, bắn phá nhiều đoàn xe tiếp viện có từ hàng mấy chục đến cả trăm chiếc”.

Ghi thêm dấu ấn cho mùa hè năm ấy còn là câu chuyện bi hùng về chiếc xe tăng 377 đang được đặt tại cụm tượng đài Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh. Về chiếc xe tăng này, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết: “Một chiếc xe tăng 377 anh hùng của ta đã đánh gục 5 xe tăng của địch ngay trên đường băng sân bay”. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp cũng mô tả: “Xe tăng 377 (…) dẫn đầu vượt nhanh lên trước lao vào giữa đội hình xe tăng địch (…) tả xung hữu đột diệt hết chiếc này đến chiếc khác (…). Nhưng vì lực lượng địch quá đông nên xe tăng 377 của ta đã bị đạn chống tăng của địch bắn cháy. Sau này, chiến sĩ ta đưa thi hài của 4 anh em trong xe tăng 377 ra còn phát hiện có cả nắm cơm đã cháy thành than mà anh em ta chưa kịp ăn...”.

3. Chiến dịch Đak Tô-Tân Cảnh mùa hè 1972 còn được nhớ đến với một việc làm hết sức nhân văn: Phía cách mạng kịp thời tổ chức đưa các trẻ em thất lạc gia đình trong cơn binh lửa ra “tuyến sau” của Đak Tô (nay là huyện Tu Mơ Rông) giao các hộ đồng bào Xê Đăng nuôi giữ. Những đứa trẻ ấy là con em dân chúng trong vùng, con em của chính cán bộ, bộ đội, dân công địa phương và cả con em binh lính Việt Nam Cộng hòa không theo kịp gia đình trong cơn ly tán. Ông A Dăm (làng Tu Gấp, xã Tu Mơ Rông, từng là Bí thư xã Tu Mơ Rông, nay đã nghỉ hưu) là bộ đội địa phương lúc bấy giờ, cho biết: Ông cùng một số chiến sĩ nhận lệnh trực tiếp dắt dẫn khoảng trên 100 em vào giao cho các gia đình. Cá biệt, có gia đình nhận đến 2-3 em. Nên nhớ, lúc bấy giờ, đời sống của bà con vô cùng thiếu đói, nhưng họ vẫn san sẻ, cưu mang các em như người nhà. Quả là một chủ trương mang tầm nhân văn và tinh thần đoàn kết cao đẹp! Mãi đến sau năm 1975, có người tìm đến xin nhận lại con, chỉ một số ít các em theo về, còn đa số vì hàm ơn sâu nặng đã tự nguyện ở lại gắn bó với gia đình bố mẹ nuôi, lấy chồng lấy vợ Xê Đăng. Một số người con nuôi ngày ấy giờ đã là cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, ban ngành ở huyện, ở tỉnh Kon Tum.

Một chuyện nữa cũng đáng ghi nhớ về “mùa hè đỏ lửa” này, đó là việc thành lập một sư đoàn quân chủ lực ngay sau Chiến thắng Đak Tô-Tân Cảnh, nòng cốt là những đơn vị vừa bước ra khỏi lửa đỏ của chiến trường. Ấy là Sư đoàn 10 trong đội hình Quân đoàn 3 ngày nay. Từ sự kiện đó mà Sư đoàn 10 mang tên Đoàn Đak Tô. Và, như mọi người đã biết, Đoàn Đak Tô đã là một trong những mũi chủ công tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến về Sài Gòn làm nên sự kiện 30-4-1975 lịch sử.

 TẠ VĂN SỸ

Có thể bạn quan tâm