Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước. Nguyên nhân là do thời tiết nóng bức nên trẻ em tìm đến các sông, suối, ao hồ để tắm nhưng không có người lớn đi cùng, giám sát.
Trong những ngày hè, nhiều gia đình để trẻ em ở nhà không ai quản lý, giám sát dễ dẫn đến những vụ tai nạn đuối nước thương tâm. |
Mới bước vào những ngày đầu mùa hè nhưng tai nạn đuối nước trẻ em ở Đắk Lắk đã đến mức báo động.
Liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm
Chiều 29-5, năm học sinh trường THCS Lê Lợi, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk rủ nhau đến hồ đập Ea Blông, buôn M’Nút, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo để chơi. Trong lúc vui đùa, tắm tại đập, cháu Lê Quang N, sinh năm 2007, trú tại thôn 6, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo không may bị đuối nước. Lúc này, cháu Lê Quang H, sinh năm 2008, trú cùng thôn, anh em họ với cháu N, bơi ra để cứu cháu N. Tuy nhiên, sau đó cả hai bị đuối nước thương tâm. Ngay sau đó, các cháu còn lại tri hô mọi người tới ứng cứu. Tới hơn 16 giờ cùng ngày, mọi người mới vớt được thi thể hai nạn nhân lên bờ. Ngay sau khi xảy ra vụ tai nạn, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ea H’leo phối hợp UBND xã Ea Hiao đến thăm, động viên, chia buồn, hỗ trợ gia đình mỗi cháu 1,5 triệu đồng lo mai táng.
Trước đó, vào chiều 24-5, ở xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu nhỏ tử vong. Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết: Chiều 24-5, vợ chồng anh Thào Văn Lìn, sinh năm 1996 và chị Lù Thị Xuyến, sinh năm 1996, trú thôn Ea Bar, xã Cư Pui đi lên rẫy có dẫn theo hai con là cháu Thào Minh Hiếu, sinh năm 2016 và Thào Minh Đồng, sinh năm 2017. Trong lúc hai vợ chồng anh Lìn đang lao động thì hai cháu Hiếu và Đồng đi đến một hồ nước gần đó để chơi và không may bị rơi xuống vũng nước sâu. Đến chiều tối cùng ngày, anh Lìn và chị Xuyến không thấy con đâu nên cùng mọi người đi tìm và phát hiện hai cháu rơi xuống hồ đuối nước tử vong. Nhận được tin báo, cơ quan chức năng của địa phương đến vớt thi thể nạn nhân và làm thủ tục để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
Cũng tại xã Cư Pui, chỉ một tuần trước đó vào khoảng 15 giờ ngày 17-5, cháu Lương Thị Như N, chín tuổi, trú tại thôn Ea Lang là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Cư Pui II, xã Cư Pui cùng nhóm bạn ra bờ hồ thôn Ea Lang chơi. Trong lúc chơi, không may cháu N bị trượt chân rơi xuống lòng hồ và bị đuối nước. Phát hiện sự việc, nhóm bạn đã hô hoán mọi người chung quanh đến cứu nhưng khi mọi người chạy đến thì mọi việc đã muộn, cháu N đã chìm dưới hồ. Sau một hồi tìm kiếm, người dân đã vớt được thi thể cháu N lên bờ, bàn giao cho gia đình đưa về mai táng.
Hiện trường hai cháu Phan Thị Thanh L và Phan Thanh N đuối nước tại hồ đội 1 thuộc thôn 1, xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar vào ngày 16-5. |
Trước đó một ngày, vào ngày 16-5, trên địa bàn xã Cư Dliê Mnông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu nhỏ tử vong thương tâm. Nạn nhân được xác định là Phan Thị Thanh L, 13 tuổi và em trai ruột là Phan Thanh N, 11 tuổi, trú tại thôn 1, xã Cư Dliê Mnông. Cháu L là học sinh khối 7 Trường THCS Hoàng Hoa Thám; còn cháu N là học sinh khối 5 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, xã Cư Dliê Mnông. Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, chiều cùng ngày, cháu L và em trai N theo mẹ là chị Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1982, trú tại thôn 1, xã Cư Dliê Mnông đi làm rẫy. Trong lúc chị Đ làm rẫy, hai chị em L và N ra khu vực hồ đội 1 thuộc thôn 1, xã Cư Dliê Mnông để chơi. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, mọi người phát hiện hai chị em L và N đuối nước dưới hồ. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng của xã Cư Dliê Mnông cùng người dân đến vớt thi thể hai nạn nhân lên bờ giao cho gia đình lo mai táng.
Trong những ngày giữa tháng 5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khác. Theo chính quyền địa phương, chiều 12-5, hai em H’H và H’N, đều sinh năm 2008, học sinh lớp 7A, Trường THCS Trần Quốc Toản, xã Ea R’bin, huyện Lắk cùng năm em học sinh khác đến đoạn sông Krông Nô qua địa bàn xã để tắm. Trong lúc vui đùa dưới nước, hai em H’H và H’N không may bị nước cuốn trôi. Phát hiện sự việc, các học sinh còn lại chạy đi kêu cứu người dân chung quanh để tìm kiếm. Nhận được tin báo, lực lượng xã Ea R’bin cùng nhiều người dân tổ chức tìm kiếm. Sau gần hai giờ, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể của hai nạn nhân cách đó khoảng 50m. Hoàn cảnh gia đình hai nạn nhân hết sức khó khăn và một trong hai nạn nhân này mồ côi cha từ nhỏ. Như vậy, chỉ trong thời gian nửa cuối của tháng 5-2021, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra năm vụ đuối nước khiến chín em học sinh tử vong.
Những con số đau lòng
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 29-5-2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ tai nạn đuối nước khiến 35 trẻ em tử vong. Không chỉ năm nay mà những năm trước đó, tình trạng trẻ em đuối nước tử vong trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng luôn ở mức báo động. Cụ thể, trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 89 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó có 73 em tử vong do tai nạn đuối nước. Năm 2019 toàn tỉnh có 31 trẻ em tử vong vì tai nạn đuối nước; năm 2018 là 50 em tử vong.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều ao hồ, đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu các loại cây công nghiệp nhưng nhiều hồ đập chưa được cắm biển cảnh báo nước sâu nguy hiểm để trẻ em biết mà tránh xa. |
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk Phạm Phượng phân tích: Đa số các vụ tai nạn đuối nước đều xảy ra vào quãng thời gian giao thoa cuối năm học và đầu mùa hè. Nguyên nhân chủ yếu là do sự lơ là, thiếu giám sát, bảo vệ trẻ của người lớn. Vào thời gian này, thời tiết ở Đắk Lắk nóng bức, trẻ em được nghỉ học ở nhà không có người lớn quản lý, nhất là vùng nông thôn vì mùa hè cũng là mùa mưa ở Tây Nguyên. Hằng ngày người lớn đi làm nương rẫy để các em ở nhà và các em thường rủ nhau ra các sông suối, ao hồ chơi, tắm mát nên khi xảy ra tai nạn đuối nước không được ứng cứu kịp thời. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên một số thời điểm, một số địa phương khu vui chơi cho trẻ em cũng bị hạn chế tập trung đông người, trẻ em đang ở độ tuổi hiếu động tự tụ tập tại những địa điểm vui chơi theo sở thích, trong đó có nơi gần ao hồ, sông, suối… hoặc theo cha mẹ đi nương rẫy, thiếu sự giám sát của người lớn.
Thực tế cho thấy, đa số trẻ em bị đuối nước ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không được tiếp cận với việc dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước. Ngoài ra, Đắk Lắk có hệ thống ao, hồ, sông, suối, thác nước chiếm một tỷ lệ khá lớn và nằm rải rác đều khắp, số đập nước, giếng nước, hồ tưới tiêu của các nông lâm trường, các hộ gia đình trồng cà-phê tương đối lớn. Đặc điểm chung của các hồ, đập đa số đều sâu, lòng chảo, trong lúc đó hệ thống rào chắn, biển báo, biển cấm đề phòng nguy hiểm hầu như chưa được chú trọng… dẫn đến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Tăng cường phòng, ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em
Mặc dù trong những năm qua, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chương trình hành động vì trẻ em tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh tăng cường, đẩy mạnh các giải pháp phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em trên địa bàn nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp phòng, ngừa tai nạn đuối nước trẻ em. Riêng dự án phòng, chống đuối nước trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH hỗ trợ được triển khai trên địa bàn huyện Ea Kar, trong năm 2020 đã kiện toàn ban điều phối cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã của tám xã thuộc huyện Ea Kar; tổ chức 56 lớp dạy bơi cho 1.120 em; 16 lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho 800 giáo viên mầm non, cha mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi; 16 lớp cho 800 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi… Tuy nhiên, tình trạng đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra ở mức báo động, đặc biệt là trong những ngày hè nóng bức hiện nay.
Vì vậy, để tăng cường công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em trên địa bàn, nhất là trong những ngày hè hiện nay, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk Phạm Phượng đề nghị: Các cấp, các ngành chức năng, đoàn thể, các địa phương và các trường học trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích nói chung và đuối nước trẻ em nói riêng. Tăng cường sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong và ngoài nhà trường để nắm chắc tình hình, có biện pháp phối hợp để phòng ngừa, ngăn chặn không để xảy ra tình trạng đuối nước trẻ em. Tuyên truyền kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước cho phụ huynh, giáo viên và trẻ em, học sinh, nhất là các em từ 6 đến 15 tuổi. Tổ chức các lớp học bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước; duy trì và phát triển mô hình ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Bên cạnh đó, các địa phương, chủ các công trình hồ đập, thủy lợi trên địa bàn tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cắm biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn, rào chắn các công trình hồ đập, thủy lợi, công trình dân dụng; xây dựng các điểm vui chơi an toàn, các bể bơi phục vụ nhu cầu bơi lội của nhân dân và trẻ em.
Các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên các xã, thôn, buôn cần tổ chức các hoạt động thiết thực, bổ ích trong những ngày hè để thu hút, tập hợp các em vào chơi, sinh hoạt, học tập vừa tạo sân chơi an toàn, lành mạnh, vừa nâng cao kỹ năng cho các em.
Về phía người dân, các gia đình có con em nhỏ cần quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình trong thời gian các em được nghỉ hè, không để các em ở nhà một mình rồi rủ nhau đi chơi, tắm sông, suối, ao hồ dẫn đến các vụ tai nạn đuối nước thương tâm.
Bài và ảnh: NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)