TN - Đất & Người

Mưa kèm gió mạnh gây nhiều thiệt hại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Mưa lớn kèm gió giật mạnh nhiều ngày ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên khiến nhiều diện tích hoa màu thiệt hại, tốc mái nhà, cây ở đường phố gãy đổ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ngày 26/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cho biết ảnh hưởng của bão số 2 đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn, ước tính hơn 541 triệu đồng.

Trong đó, xã Tê Xăng có một căn nhà bị tốc mái, mương thủy lợi tại thôn Đắk Sông bị đứt gãy, kè khu tái định cư thôn Tân Ba bị sạt lở, sụt lún chiều dài khoảng 10 m, rộng 15 m.

Đặc biệt, tuyến đường ATK ở xã Tê Xăng bị sạt lở mái taluy dương với khoảng 200 m3 đất đá. Ngoài ra, nhà để xe của UBND xã Măng Ri bị gió làm tốc bay mái tôn, 4,5 ha hoa màu bị thiệt hại, một căn nhà bị tốc mái, một căn nhà bị sụt móng…

Mưa lớn kèm gió mạnh khiến nhiều căn nhà ở huyện Tu Mơ Rông tốc mái, sụt lún.

Mưa lớn kèm gió mạnh khiến nhiều căn nhà ở huyện Tu Mơ Rông tốc mái, sụt lún.

Mưa lớn kèm gió giật mạnh cũng gây nhiều thiệt hại cho các hộ dân trồng sầu riêng ở xã Sơn Lang (huyện Kbang, Gia Lai). Trong đó, gia đình ông Lê Hồng Chiến (thôn Hợp Thành, xã Sơn Lang) bị rụng hàng tấn quả sầu riêng non, chưa đến ngày thu hoạch.

Ngoài ra, gió mạnh quật gãy nhiều cành sầu riêng gần chục năm tuổi của gia đình ông Chiến, gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Gió lớn khiến vườn sầu riêng của ông Chiến bị rụng rất nhiều quả non.

Gió lớn khiến vườn sầu riêng của ông Chiến bị rụng rất nhiều quả non.

Ông Nguyễn Văn Huấn - Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) - cho biết: “Từ 26/7 đến giữa tuần cần đề phòng gió mạnh, đặc biệt vào chiều và đêm. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Riêng từ 28/7 đến 2/8 trời đẹp, bà con cần có kế hoạch bảo vệ cây sầu riêng như cột quả, tỉa cành để tránh các đợt giông tố tiếp theo”.

Nhiều cây xanh ở TP. Buôn Ma Thuột bị gãy, đổ.

Nhiều cây xanh ở TP. Buôn Ma Thuột bị gãy, đổ.

Tại Đắk Lắk, ngày 26/7, Cty CP Đô thị và Môi trường Đắk Lắk thông tin mưa to kèm gió lớn khiến nhiều cây xanh trên các tuyến đường ở TP. Buôn Ma Thuột bị gãy, đổ. Như tại đường Lê Duẩn, cây xanh bị gãy, đè trúng một người đi đường. Người dân gần đó đã mang dao, rựa, phối hợp lực lượng chức năng chặt cây, đưa người bị nạn đi cấp cứu.

Hay tại đường Mai Hắc Đế, một cây sao đen bị gãy ngọn, đè trúng xe điện do một phụ nữ điều khiển, rất may người này không bị thương.

Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Buôn Ma Thuột, mưa lớn những ngày qua khiến 4 cây xanh trên đường bị gãy đổ, rất may không thiệt hại về người.

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tại TP. Buôn Ma Thuột xảy ra nhiều vụ cây xanh gãy, đổ nghiêm trọng, tháng 1, cây đa cổ thụ tại đường Phan Chu Trinh bất ngờ gãy đổ, đè trúng một phụ nữ đi đường, bị thương nặng.

Cũng tại tuyến đường này, hồi tháng 2, một cây tùng bách bất ngờ bật gốc, đè chết cô gái đang bán hoa.

Mưa lớn nhiều ngày gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi của tỉnh Lâm Đồng.

Mưa lớn nhiều ngày gây sạt lở nghiêm trọng ở nhiều nơi của tỉnh Lâm Đồng.

Tại Lâm Đồng, Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng cho biết những ngày qua trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to và dông. Thời tiết cực đoan khiến nhiều diện tích sầu riêng, bơ, mắc ca đang vụ thu hoạch bị gãy đổ, rụng trái ở xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà), ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh như huyện Đạ Huoai, huyện Cát Tiên, TP.Đà Lạt… mưa kèm theo gió lớn, lốc xoáy khiến nhiều diện tích cây ăn trái, rau màu, nhà kính của người dân bị hư hại, gãy đổ. Còn tại huyện Đam Rông, mưa lớn nhiều ngày nên đã xảy ra 2 vụ sạt lở liên tiếp khiến 3 người tử vong, nhiều tài sản bị hư hỏng.

Có thể bạn quan tâm