Thời tiết

Thời tiết hôm nay

Mưa lũ tại miền Trung diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Miền Trung đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt, sạt lở đất và ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Thiệt hại về người và tài sản đã được ghi nhận, khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Thừa Thiên-Huế: Mưa trắng trời, lũ dâng nhanh

Tại Thừa Thiên-Huế, lượng mưa từ ngày 18 đến 25/11 đạt mức cao kỷ lục, nhiều nơi như núi Bạch Mã ghi nhận tới 2.997 mm. Mực nước các sông lớn như sông Hương, sông Bồ dâng cao, ngập lụt xảy ra ở nhiều khu vực thấp trũng. Hơn 290.000 học sinh trên địa bàn đã phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Các tuyến đường như Tố Hữu, Lê Quang Đạo, Nguyễn Chí Thanh và nhiều vùng tại huyện Quảng Điền ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Lực lượng chức năng đã dựng rào chắn, khuyến cáo người dân không di chuyển qua các điểm ngập nguy hiểm.

Người dân Huế sử dụng thuyền để di chuyển trên những đường phố ngập lụt
Người dân Huế sử dụng thuyền để di chuyển trên những đường phố ngập lụt

Về thiệt hại, một vụ lật xuồng tại xã Phong Hiền khiến một người đàn ông tử vong, trong khi tại xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, một vụ sạt lở đất làm sập nhà dân và khiến hai người bị thương. Nhiều hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn phải điều tiết nước, khiến mực nước các sông tiếp tục tăng nhanh.

Quảng Nam: Khẩn cấp di dời gần 500 người

Tại Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở đất nghiêm trọng ở các huyện miền núi như Nam Trà My và Bắc Trà My. Chính quyền đã di dời khẩn cấp 133 hộ dân với 488 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến đường như DH6, DH7 và các tuyến vào các xã Trà Dơn, Trà Don bị sạt lở, gây hư hỏng nặng, cô lập một số khu vực. Một điểm trường tại xã Trà Cang bị sạt lở làm sập tường, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng giáo dục.

Tại huyện Phước Sơn, mưa lớn sạt lở làm nhiều tảng đá có kích thước lớn rơi xuống làm xô lệch mặt cầu, nứt vỡ các dầm ngang tại cầu Đắk Mi 1 gây ách tắc cục bộ. Ban Quản lý Dự án 4 đã chỉ đạo nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, nhân lực hốt dọn đất đá sụt, thu dọn cây. Đồng thời, bố trí, lắp đặt barie, biển báo, cử người trực gác 2 đầu phối hợp với các lực lượng đảm bảo an toàn và phân luồng giao thông.

Tại Bắc Trà My, điểm sạt lở trên QL24C chạy qua xã Trà Do và Trà Núi, đồng thời tuyến đường xã Trà Giáp đi Trà Ka tiếp tục bị sạt lở nguy cơ đứt đường.

Chính quyền các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, tập trung khắc phục điểm sạt lở, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm và tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết phức tạp.

Quảng Ngãi: Nhiều tuyến đường bị chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về, chảy mạnh đã gây xói lở và “rút ruột” phần đất dưới mặt đường ở phía nam bờ kè sông Trà Câu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, làm rỗng ruột phía dưới mặt đường bê tông, dẫn đến hàng loạt vị trí, đoạn trên tuyến giao thông này bị sụp, bể nặng.

Đặc biệt tại nhiều đoạn, phần đất phía dưới đường bê tông của kè Trà Câu, đã bị “khoét” sạch ruột, với chiều dài cả trăm mét, gây khó khăn, nguy hiểm cho phương tiện qua lại trên tuyến đường này. Tại đoạn bờ kè thuộc tổ dân phố 1 (phường Phổ Minh), nhiều đoạn bị sạt nghiêm trọng ảnh hưởng đến 78 nhà dân với 245 nhân khẩu.

Mưa lớn cũng gây sạt lở, làm hư hỏng 3 ngôi nhà của người dân ở xã Ba Giang và Ba Vinh, làm hư hỏng đập dâng suối Lế (huyện Ba Tơ).

Tỉnh lộ 624B nối huyện Nghĩa Hành với huyện Ba Tơ bị sạt ở nghiêm trọng
Tỉnh lộ 624B nối huyện Nghĩa Hành với huyện Ba Tơ bị sạt ở nghiêm trọng

Còn tại Tỉnh lộ 624B, nối huyện Nghĩa Hành với huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), nước chảy xiết khiến một phần mặt đường ở khu vực đèo Quán Thơm (xã Hành Thịnh) bị lũ “ngoạm” sâu tạo hàm ếch dẫn đến nguy cơ sạt lở lề đường. Phần nền đường xuất hiện vết nứt tạo khe hở rộng khoảng 3cm, toàn bộ hệ thống lan can bảo vệ bị nước lũ cuốn ra sông.

Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Thanh tra giao thông chốt chặn hai đầu điểm sạt lở, giăng dây cảnh báo và cấm phương tiện qua lại. Đồng thời, hướng dẫn phương tiện lưu thông trên trục đường khác.

Hiện do nước lũ vẫn đang chảy mạnh, công tác thi công, khắc phục sạt lở trên tỉnh lộ 624B chưa thể triển khai được. Trước mắt để đảm bảo thông xe trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ, đơn vị đã chỉ đạo Cty CP Xây dựng giao thông Quảng Ngãi chủ động ứng trước kinh phí, huy động toàn bộ máy móc thiết bị, ngày đêm có mặt tại hiện trường để hốt dọn đất, đá sạt lở, xếp rọ đá gia cố mái taluy, chặt cây ngã đổ, thông xe một vệt tại các vị trí tắc đường và các tuyến đường tỉnh trong thời gian nhanh nhất”, lãnh đạo Sở GTVT Quảng Ngãi nói.

Mưa lớn khiến tình trạng sạt lở trên sông Phước Giang đoạn từ cầu Vông đến cầu Hố Đá (xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành) tiếp tục gia tăng mức độ sạt lở. Trong đó, điểm sạt lở qua khu tái định cư Đồng Giá (xã Hành Minh) uy hiếp an toàn hạ tầng khu tái định cư dành cho các hộ dân di dời nhường đất xây dựng cao tốc Bắc - Nam.

Cũng trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tình trạng sạt lở bờ sông Vệ cũng tiếp diễn, mức độ sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 1,5km, ảnh hưởng đến 145 hộ với 752 khẩu sinh sống trong khu vực.

Đối với khu vực các địa phương ven biển Quảng Ngãi, mưa lũ cộng với triều cường cũng gây sạt lở, thiệt hại nặng. Trong đó, nặng nhất là đoạn bờ biển qua thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn bị sạt lở với chiều dài hơn 60m, sâu vào khu đất rừng phòng hộ khoảng 3m, ảnh hưởng đến tuyến đường giao thông vào Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, đã chỉ đạo Sở GTVT tập trung hốt dọn đất, đá thông xe trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Đối với vị trí sạt lở trên tỉnh lộ 624B cần phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức đánh giá mức độ sạt lở, đề xuất phương án xử lý phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hạ tầng và giao thông trên tuyến.

Theo Nhóm PV (TPO)

Có thể bạn quan tâm