Kinh tế

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ ngày 20-2, các doanh nghiệp sẽ triển khai thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ vụ Đông Xuân (tương đương 2 triệu tấn lúa) theo kế hoạch của Chính phủ. Giá thu mua không dưới 5.000 đồng/kg lúa.

Đến ngày 18-2, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 200.000 ha lúa Đông Xuân sớm, trên 1,2 triệu tấn lúa. Tuy nhiên, tiến độ thu mua lúa “nhỏ giọt” thời gian qua làm nông dân như ngồi trên lửa. Nhiều dấu hiệu cho thấy những bức xúc muôn thuở trong khâu tiêu thụ lúa hàng hóa vụ Đông Xuân khó được tháo gỡ khi cơ chế mua tạm trữ lương thực vẫn không có gì mới.

Nông dân bán lúa, doanh nghiệp mua gạo

Đây là một nghịch lý mà cả nông dân và lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL đều bức xúc. “Thương lái vẫn mua lúa IR 50404 với giá khoảng 4.200 đồng/kg lúa tươi, lúa dài loại tốt 4.400 đồng/kg lúa tươi. Tuy nhiên, số lượng thương lái mua rất hạn chế. Nông dân hy vọng giá lúa sẽ tăng trong những ngày tới khi các doanh nghiệp (DN) đồng loạt mua lúa tạm trữ”-bà Điền Thị Kim, nông dân xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp-Hậu Giang, cho biết.
 

Nông dân ở Cần Thơ chờ thương lái đến thu mua lúa Đông Xuân.
Nông dân ở Cần Thơ chờ thương lái đến thu mua lúa Đông Xuân.

Mức giá trên cũng là giá lúa phổ biến được các thương lái ở ĐBSCL mua hiện nay. Giá có thể chêch lệch tăng hoặc giảm từ 100-300 đồng/kg, tùy theo thửa ruộng của nông dân thuận lợi hoặc nằm ở vùng sâu, vùng xa. “Trong 3 năm trở lại đây, nét mới của thương lái là mua lúa của nông dân tại ruộng. Sau đó, họ tự đưa đi sấy, xay xát gạo rồi bán lại cho DN”-lão nông Út Khương, 73 tuổi ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết.

Theo ông Út Khương, cái khó hiện nay là khó “bắt bẻ” để biết được DN mua lúa giá có bảo đảm cho nông dân lợi nhuận ít nhất 30% hay không? Chính phủ chỉ đạo là thế nhưng phần lớn nông dân bán lúa trực tiếp cho thương lái, qua nhiều trung gian mới đến tay DN. Còn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) định giá mua gạo từ các trung gian (lái gạo, DN xay xát) rồi quy ra giá lúa mua. Giá lúa mà VFA quy đổi từ gạo bao giờ cũng cao hơn 100-300 đồng/kg so với giá nông dân bán trực tiếp cho thương lái...

Bức xúc trước chuyện nông dân bán lúa nhưng DN chỉ mua gạo, một lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đề xuất nên gọi là: “tạm trữ lúa” thay vì “tạm trữ gạo”. Trong năm 2012, Bộ NN-PTNT cũng thấy bất cập này và cho rằng việc mua lúa, gạo tạm trữ, nông dân chưa hưởng được quyền lợi trực tiếp từ chính sách tạm trữ...

VFA có chia sẻ lợi ích với nông dân?

Thật khó để định lượng VFA đã chia sẻ lợi ích kinh doanh bao nhiêu với nông dân. Vì hiện nay, khâu sản xuất và thu mua gần như là “mua đứt, bán đoạn”: Nông dân bán lúa lời, lỗ tùy theo giá thị trường, thời điểm bán; còn chuyện kinh doanh là của DN. Lợi ích và rủi ro song hành giữa nông dân và DN chưa thể hiện rõ.

Điểm lại hoạt động xuất khẩu gạo năm 2012, Thái Lan bị đánh bật khỏi vị trí số 1 về xuất khẩu gạo. Cùng lúc Việt Nam qua mặt Thái Lan khi số lượng xuất khẩu gạo đạt trên 7,7 triệu tấn. Vựa lúa ĐBSCL tiếp tục là trụ đỡ chính cho ngành nông nghiệp cả nước. Diện tích sản xuất lúa trên 4,1 triệu ha, sản lượng lúa cả năm trên 24,6 triệu tấn, tăng trên 1 triệu tấn so với năm 2011. Thế nhưng, nông dân vẫn chưa thể trút bỏ được gánh nặng khi đầu ra còn bấp bênh, họ chưa nhận được thành quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra...

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2013 có đủ “gam màu” pha trộn khi nhiều thách thức đặt ra. Trong bối cảnh đầu ra của hạt lúa trông cậy rất lớn vào xuất khẩu gạo thì đây là lúc VFA cần thể hiện trọng trách với người trồng lúa ĐBSCL. Việc VFA chia sẻ khó khăn cùng nông dân là rất quan trọng, chí ít VFA phải thật sự đặt lợi ích nông dân trên những tính toán về lợi nhuận trong xuất khẩu.

Nhưng lâu nay, nếu để ý, chúng ta sẽ thấy một “giai điệu” khá quen thuộc: Trước khi DN triển khai mua tạm trữ, giá lúa, gạo bao giờ cũng thấp; khi triển khai mua vài ngày, VFA sẽ thông báo giá lúa nhích lên vài trăm đồng như để minh chứng cho hiệu quả của việc mua tạm trữ. Liệu năm nay có lặp lại?

Theo nld

Có thể bạn quan tâm