Xã hội

Mùng 2 Tết đi chợ cầu may

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khác hẳn không khí của ngày mùng 1, ngay từ sáng sớm mùng 2 Tết Giáp Thìn 2024, phố phường TP. Pleiku và các nơi trong tỉnh Gia Lai đã nhộn nhịp trở lại, nhất là tại các chợ. Trong ngày đầu năm đi chợ ai nấy đều cảm thấy vui vẻ với mong muốn một năm mới làm ăn thuận lợi, may mắn.
Theo phong tục của người Việt Nam đi chợ đầu năm là để mua lộc, cầu mong mọi điều may mắn, bình an, phát tài phát lộc cho mọi người, mọi nhà. Ảnh: Đinh Yến

Theo phong tục của người Việt Nam đi chợ đầu năm là để mua lộc, cầu mong mọi điều may mắn, bình an, phát tài phát lộc cho mọi người, mọi nhà. Ảnh: Đinh Yến

Theo phong tục của người Việt Nam đi chợ đầu năm là để mua lộc, cầu mong mọi điều may mắn, bình an phát tài phát lộc cho mọi người, mọi nhà.

Là người có “thâm niên” trong việc bán lộc đầu năm, hơn 6 giờ sáng mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Hương (90 tuổi, 46 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) đã mang muối, trầu, cau ra trước cổng Trung tâm thương mại Pleiku bày bán. Bà tâm sự: “30 năm bán lộc tại đúng địa điểm này nên khách hàng của tôi hầu hết là người quen. Chiều 30 Tết, tôi thường hái trầu để nơi thoáng mát cho lá tươi, đẹp. Riêng cau, tôi phải tìm mua từ ngày 25, 26 tháng Chạp với giá 2 triệu đồng/buồng. Thông thường, tôi bán lộc từ sáng mùng 2 đến mùng 5 Tết vì nhiều người về quê, không thể đi chợ sớm được. Tuy nhiên, mùng 2 luôn bán được nhiều nhất”.

Mới hơn 6 giờ sáng mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Hương (bìa trái, 90 tuổi ở 46 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) mang muối, trầu, cau ra trước cổng Trung tâm thương mại Pleiku bày bán để cầu may. Ảnh: Đinh Yến

Mới hơn 6 giờ sáng mùng 2 Tết, bà Nguyễn Thị Hương (bìa trái, 90 tuổi ở 46 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku) mang muối, trầu, cau ra trước cổng Trung tâm thương mại Pleiku bày bán để cầu may. Ảnh: Đinh Yến

Sáng mùng 2 Tết, chị Trương Thị Tuyết Nhung (42A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku) đi chợ đầu năm. Trước khi mua các nhu yếu phẩm thiết yếu cho bữa ăn của gia đình, chị Nhung ghé mua lộc đầu năm.

Chị Nhung cho hay: “Từ nhỏ, tôi hay theo mẹ đi chợ mua lộc đầu năm. Khi lập gia đình riêng, tôi vẫn giữ phong tục ấy của gia đình để cầu bình an, may mắn trong ngày đầu năm. Lộc ở đây, tôi thường chọn mua muối. Theo người xưa “đầu năm mua muối”, muối ở đây gọi là “muối lộc” để đón nhận may mắn và cầu mong một năm mới đủ đầy, ấm no. Muối là một thứ mặn, có tác dụng trừ tà khí, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình”.

Chị Trương Thị Tuyết Nhung (bìa phải, ở 42A Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku) đi chợ đầu năm thường chọn mua muối là món hàng đầu tiên để cầu may. Ảnh: Đinh Yến

Chị Trương Thị Tuyết Nhung (bìa phải, ở 42A Hoàng Văn Thụ-TP. Pleiku) đi chợ đầu năm thường chọn mua muối là món hàng đầu tiên để cầu may. Ảnh: Đinh Yến

Sáng sớm mùng 2 Tết, chợ Bà Định cũng tấp nập cảnh bán buôn, với nhiều mặt hàng phong phú. Nhanh tay lựa những nhành hoa đẹp nhất, chị Nguyễn Thị Hoàng (đường Lê Thánh Tôn, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chia sẻ: “Theo phong tục, buổi chợ đầu năm tôi mua muối, cau, trầu và một chút vôi hồng để lấy may, lấy lộc. Tiếp đó, tôi mua hoa, đu đủ, mong cả năm có sức khỏe dồi dào, mọi điều may mắn, đủ đầy”.

Sáng mùng 2 Tết, chị Nguyễn Thị Hoàng (bìa trái, đường Lê Thánh Tôn, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chọn những nhành hoa cúc đẹp nhất mang về cúng tổ tiên, cầu mong mọi điều an lành, hạnh phúc, sức khỏe đến với gia đình. Ảnh: Đinh Yến
Sáng mùng 2 Tết, chị Nguyễn Thị Hoàng (bìa trái, đường Lê Thánh Tôn, tổ 10, phường Ia Kring, TP. Pleiku) chọn những nhành hoa cúc đẹp nhất mang về cúng tổ tiên, cầu mong mọi điều an lành, hạnh phúc, sức khỏe đến với gia đình. Ảnh: Đinh Yến

Theo truyền thống, đi chợ mùng 2 Tết không đơn thuần là bán hay mua những hàng hóa thường ngày mà còn bao hàm ý nghĩa cầu may, mua lộc cho năm mới. Bà Nguyễn Thị Thanh Hoàng (tổ 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku) có gần 10 năm buôn bán hoa tươi và trái cây tại chợ Bà Định. Trong phiên chợ đầu tiên của năm, bà bán thêm muối, cau, trầu.

“Tôi tranh thủ dọn hàng ra bán lấy ngày, mong cả năm buôn may bán đắt. Bán chút rồi tôi cũng mua đồ về cúng gia tiên và cùng con cháu du xuân”-bà Hoàng tâm sự.

Tương tự tại chợ Hội Thương trên đường Nguyễn Thái Học (TP. Pleiku) và chị Nguyễn Thị Huyền (tổ 1, phường Hội Thương, TP. Pleiku) bày tỏ: “Năm nào cũng thế, vào mùng 2 Tết tôi thường ra chợ mua vài món hàng để lấy may. Trước khi mua thực phẩm về cho bữa cơm gia đình, tôi mua muối, đu đủ để cầu may mắn cho bản thân và gia đình trong năm và mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái”.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung (70 tuổi, tổ 2, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho hay: Tôi bán những buổi chợ đầu năm như thế này cũng được gần 50 năm nay. Năm nào cũng thế, như một thói quen, sáng mùng 2 Tết hàng năm tôi bày bán các mặt hàng rau, củ, quả, bầu bí, dưa chuột… Để có những mặt hàng bán đầu năm, tôi chuẩn bị hàng từ 29, 30 Tết”.

Theo bà Chung, vào ngày đầu năm, việc mua bán ở chợ không mang nặng tính kinh doanh nên không có cảnh kỳ kèo, trả giá. Điều quan trọng, mọi người đến chợ để mua chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an lành, gia đình thuận hòa, phát tài phát lộc.

Quan sát của chúng tôi thì mặc dù là buổi chợ đầu năm nhưng không khí mua bán cũng rất nhộn nhịp, các thức hàng khá đầy đủ. Từ những mớ rau, bầu bí, dưa chuột, thịt cá đến hành, tỏi, các loại rau... Khác hẳn ngày thường, khách mua và người bán có thể hỏi han, trò chuyện thoải mái, còn bán được nhiều hay ít không quan trọng lắm.

Còn tại chợ An Khê (thị xã An Khê), sáng mùng 2 Tết cũng tấp nập người mua-bán. Hàng hóa phong phú từ hải sản, rau củ quả, hoa tươi, trái cây đến trầu cau, muối.

Chị Trần Thị Kim Ngọc (bìa trái, ở tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) mua trầu, cau mong muốn rước tài lộc về nhà ngày đầu năm mới. Ảnh: Ngọc Minh

Chị Trần Thị Kim Ngọc (bìa trái, ở tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) mua trầu, cau mong muốn rước tài lộc về nhà ngày đầu năm mới. Ảnh: Ngọc Minh

Cẩn thận chọn 5 lá trầu không xanh non, chị Trần Thị Kim Ngọc (tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê) vui vẻ thổ lộ: “Trước đây tôi thấy mẹ sáng mùng 2 Tết thường đi chợ mua trầu, cau, muối, hộp quẹt và quả đu đủ để cúng ông bà, gia tiên.

Từ nhỏ, được nghe mẹ giới thiệu về ý nghĩa của việc đi chợ đầu năm như: mua trầu cau rước lộc về nhà; mua muối cả năm gia đình hạnh phúc càng thêm đậm đà; hộp quẹt để gặp nhiều may mắn, khởi đầu mới thuận lợi cho người nhận; còn quả đu đủ với mong ước cuộc sống ấm no đủ đầy... Vì thế, từ khi lập gia đình ra ở riêng tôi luôn làm theo. Hy vọng năm mới bố mẹ, vợ chồng con cái ai cũng khỏe mạnh, vạn sự tốt lành”.

Buôn bán vàng mã, trầu cau tại chợ An Khê (thị xã An Khê) hơn 10 năm nay, cứ mùng 2 Tết bà Nguyễn Thị Hoàng lấy trầu cau và muối về bán. Bà Hoàng chia sẻ: “Đầu Xuân năm mới bán lộc nên tôi chủ động đặt hàng từ trước Tết với số lượng ít, giá cả như ngày thường, chẳng hạn, gói muối bán giá 5 ngàn đồng, quả cau kèm thêm lá trầu là 8 ngàn đồng.

Mùng 2 Tết, tôi bán hàng lấy may để cả năm buôn may bán đắt, người mua cũng như người bán được phát tài, sai lộc hơn năm cũ”.

Có thể bạn quan tâm