Xã hội

Muôn kiểu dạy con

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nói “kiểu” nghe cho văn chương, chứ cách nói bình dân giữa các bà mẹ với nhau chính là phải “dùng chiêu” để dạy con, rèn con, uốn nắn con trước những thói hư tật xấu.

1. Bin nhà chị Vân hàng xóm tánh cũng ngộ, sáng nào trước khi đi học cũng mè nheo với mẹ, khóc lóc, rên rỉ, ỉ ôi: “Con không thích đi học đâu, đi học không có vui. Trong trường không ai hết trơn. Con ở nhà chơi vui hơn!”. Cả nhà chị Vân ai cũng phì cười vì lý lẽ trẻ con. Chị nhỏ giọng bảo Bin: “Trong trường có nhiều cô giáo dễ thương, có quá trời bạn bè, lại nhiều đồ chơi nữa, chơi với bạn vui lắm, sao con nói trong trường không có ai?”. Bin lắng tai nghe, chớp chớp mắt ra chiều suy nghĩ, xong bé đáp lời mẹ: “Cô với bạn đi ngủ hết rồi, đồ chơi ở nhà con có nhiều rồi, con ở nhà chơi cũng được, ở nhà chơi vui hơn”.

 

Dỗ dành con bằng cách mua đồ chơi chưa hẳn là cách dạy con hữu hiệu
Dỗ dành con bằng cách mua đồ chơi chưa hẳn là cách dạy con hữu hiệu



Rồi hai mẹ con tranh luận một hồi, đưa ra loạt câu hỏi đáp dây dưa mãi đến hơn 7 giờ. Chị Vân giải thích mãi đến mệt, chị trầm giọng: “Thôi được rồi. Bây giờ mẹ với con chơi trò hỏi đáp chọn số nha”. Bin gật gật đầu lắng tai nghe. “Một là con chọn đi học. Hai là con chọn đi... bán vé số. Ba là con chọn đi... lượm ve chai. Bốn là con chọn đi... ăn xin. Con chọn số mấy?”. Bin ngớ người ra, hỏi mẹ, lượm ve chai là sao, bán vé số là sao, ăn xin là sao? Sau khi nghe mẹ giải thích, Bin chưng cái mặt buồn buồn và đưa ra quyết định: “Thôi, con chọn số 1”. Mẹ Vân cười tủm tỉm, hôn lên đôi má phúng phính còn vương giọt nước mắt trong veo của Bin, rồi hai mẹ con nhanh tay xách ba lô, đội nón, đeo khẩu trang, dẫn xe ra khỏi cửa và hòa vào dòng người đang tất bật trên đường buổi sáng sớm.

Trong cuộc sống hàng ngày, chị Vân vẫn thường dùng chiêu “con hãy chọn một con số” trong nhiều vấn đề từ việc đánh răng, ăn, ngủ, đi chơi, mua sắm, xem ti vi, chơi điện thoại, sử dụng máy tính bảng... để dạy con, rèn cho con cách tự suy nghĩ để lựa chọn cho mình một trong những con số mà con thấy là hợp lý, đúng đắn. Việc đưa các con số cho con chọn, giải thích rõ ràng và đơn giản, nhanh gọn nhất các vấn đề có liên quan đến các cuộc tranh luận, bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng nghiêm nghị, ánh mắt kiên định... đã luôn giúp chị Vân tìm được nhiều đáp án tốt nhất trong việc dạy và rèn con, giúp Bin tự tin suy nghĩ, tự cân nhắc, phán đoán, phân định cái nào đúng sai, tốt xấu, nên và không nên làm... để tự lựa chọn. Cũng có lúc bé ngang ngược, nhất quyết chọn cái mình thích. Một vài lần chị Vân cũng chấp nhận làm theo ý con, để con thấy được kết quả sai, sau đó là do bản thân con làm, con chọn, từ đó con nhìn nhận vấn đề của mình để tự rút kinh nghiệm cho lần sau: nên nghe lời mẹ dạy.

2. Trong khi đó, bé Long 3 tuổi con chị Phương lại được bà mẹ bỉm sữa chiều con từ thuở nằm nôi bằng chiêu: mua đồ chơi. Bất cứ trường hợp nào Long phản kháng, khóc nhè, không chịu nghe lời ba mẹ, ông bà, là chị Phương lại mua đồ chơi để dụ con. Điều này khiến Long mới nhỏ xíu đã thấy và cảm nhận được lợi thế của việc khóc lóc, làm nũng là “có lời”, rằng sẽ được nhiều đồ chơi hơn, vậy nên bé cũng thường xuyên kiếm chuyện cự nự, mè nheo, để được mẹ mua thêm những món đồ chơi bé thích.

Khác với nhà chị Vân, vợ chồng anh Nam nhà đối diện cũng có con trai 5 tuổi, bằng tuổi Bin. Chị vợ đi làm suốt ngày ngoài đường, công việc của anh Nam ở nhà làm cũng được nên anh phải kiêm luôn nhiệm vụ chăm sóc con, cho con ăn uống, tắm rửa, đưa đón đi học... Người ngoài nhìn vào cảm thấy anh Nam là người chồng, người cha vừa tốt, vừa giỏi. Thế nhưng, chòm xóm sát vách thì lại rất phiền vì cách anh dạy con chủ yếu bằng đòn roi, khiến thằng nhỏ ngày nào cũng khóc sướt mướt. Con ăn chậm hay không ăn món con không thích là anh la rồi đánh đòn. Con tập rèn chữ mà viết chữ xấu là anh mắng rồi lại tiện tay đét cho một cái thật mạnh vào mông con... Vì theo anh, “nó còn nhỏ, phải đánh cho nó biết sợ”.

Thế nhưng, kết quả chữ “sợ” của anh dường như hay bị ép phê ngược. Mỗi lần bị đánh, bé lại gào thét lớn tiếng hơn, có lúc nằm lăn ra đất ăn vạ, nhiều khi cãi lại ba và nguy hiểm hơn là việc bé biểu hiện hành vi bạo lực khi chơi với bạn bè đồng trang lứa. Bà ngoại vào thăm cháu, thấy anh Nam cứ thuận tay là đánh con, xót cháu, bà cũng rầy rà anh về chuyện dạy con nhỏ phải dạy từ từ, ôn tồn, nhỏ nhẹ, nhưng anh Nam không kềm chế được tính nóng của mình.

Trong cuộc sống, cách thức dạy con luôn có muôn kiểu, muôn “chiêu”, điều quan trọng và luôn cần phải có của bậc làm cha mẹ đối với việc giáo dục con trẻ còn nhỏ tuổi chính là cần một chữ nhẫn. Với các bé, không thể ào ào, quát mắng, xử lý các tình huống qua loa được. Tùy vào tâm lý và tính cách từng con trẻ, phụ huynh có thể áp dụng nhiều phương pháp rèn con. Ngoài ra, tập cho con tự lập trong cuộc sống, trong suy nghĩ, biết phân biệt đúng sai, tốt xấu, nên và không nên làm, tự chọn cách thức xử lý các tình huống cuộc sống phù hợp còn quan trọng hơn. Vậy nên trong muôn kiểu dạy con, “chiêu thức” mềm mỏng nhỏ nhẹ, vừa dạy vừa chơi cùng con sẽ luôn là một chiêu thức mang tính hữu hiệu.

Theo BẢO LÂM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm