Thời sự - Bình luận

Muốn trò hay thì phải có thầy giỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Chuyên gia Hàn Quốc, Park Chung-gun, người được ghi nhận đã đóng góp nhiều công trạng trong suốt 10 năm làm HLV đội tuyển bắn súng Việt Nam vừa nói lời chia tay.

Một trong những lý do, có thể đến từ tiền lương, mặc dù chuyên gia này đang nhận mức thu nhập cấp “cứng” cao nhất trong số các HLV nước ngoài ở các môn thể thao không phải bóng đá.

Huấn luyện viên trưởng Park Chung - gun (đeo kính) cùng ba xạ thủ giành huy chương Bạc nội dung súng ngắn bắn nhanh 25m, tại Giải vô địch súng trường/súng lục châu Á 2024 ở Jakarta (Indonessia). Ảnh: TTXVN

Huấn luyện viên trưởng Park Chung - gun (đeo kính) cùng ba xạ thủ giành huy chương Bạc nội dung súng ngắn bắn nhanh 25m, tại Giải vô địch súng trường/súng lục châu Á 2024 ở Jakarta (Indonessia). Ảnh: TTXVN

Sẽ rất đáng tiếc khi thể thao Việt Nam mất một chuyên gia giỏi, am hiểu công việc, chỉ vì không thể đáp ứng được yêu cầu về tiền lương. Mặc dù trong thể thao chuyên nghiệp, việc thay đổi HLV không có gì lạ, cũng không thiếu các chuyên gia giỏi để thuê, nhưng để tìm được người biết rõ điểm yếu - điểm mạnh, đã từng có thành tích với các đội tuyển của chúng ta, thì lại không phải dễ tìm.

Muốn trò hay thì phải có thầy giỏi, đó là những yếu tố song hành trên con đường chinh phục đỉnh cao. Với các môn thể thao trọng điểm, được đầu tư cho mục tiêu vươn tầm thế giới, thì 2 yếu tố này gần như không thể tách rời. Các chuyên gia đến từ những quốc gia hàng đầu ở các môn thể thao, không chỉ mang đến kinh nghiệm và tài năng trong công tác huấn luyện, mà còn là sự bảo đảm ở khía cạnh thành tích quốc tế, điều mà các HLV nội không thể có.

Tuy nhiên, việc tìm thầy giỏi lại vướng mức lương đãi ngộ bởi đa số họ đều là người làm việc chuyên nghiệp, luôn đòi hỏi cao mới phù hợp với danh tiếng và đẳng cấp. Trong bối cảnh thể thao Việt Nam vẫn chưa ở trong chế độ chuyên nghiệp, còn thiếu nhiều yếu tố bổ trợ cho VĐV, thì các chuyên gia nước ngoài phải nhận khối lượng công việc nhiều hơn các nơi khác, chưa kể yếu tố chênh lệch thu nhập giữa quốc gia của họ so với Việt Nam.

Nói như vậy không có nghĩa là phải đáp ứng mức lương của các chuyên gia nước ngoài bằng mọi giá. Ngân sách hàng năm phân bổ cho ngành thể thao có hạn mức cụ thể, trong đó tiền lương cho chuyên gia nước ngoài chỉ là một phần nhỏ, bên cạnh đó còn phải cân đối mức thu nhập giữa các ngành nghề khác nhau khi sử dụng vốn ngân sách. Điều này đặt ra yêu cầu đối với ngành thể thao phải có những tính toán cụ thể cho từng nhóm môn trọng điểm.

Chúng ta cần những chuyên gia ở đẳng cấp cao nhất ở các môn có tiềm năng đoạt huy chương Olympic và chấp nhận chi tiền lương cao đột phá. Nhưng cũng có môn, tiêu chí tìm chuyên gia lại nằm ở khả năng hòa nhập, am hiểu thực tế và chấp nhận một mức lương vừa phải.

Đây là một phần trong việc đầu tư nhóm môn trọng điểm. Môn nào đang là thế mạnh, có lực lượng VĐV đẳng cấp cao, thì cần ưu tiên phân bổ nguồn lực để thuê thầy giỏi, nâng cấp chất lượng thi đấu trong thời gian ngắn. Dù là trong cùng một nhóm môn trọng điểm, thì cũng không nên cào bằng. Ví dụ như bắn súng là môn vừa được đầu tư trường bắn hiện đại, có truyền thống về đào tạo VĐV giỏi, thì lại cần một chuyên gia hàng đầu sớm để tối ưu hiệu quả đầu tư.

Có thể thấy nhu cầu cần chuyên gia giỏi ở nhiều môn khác nhau là không thể tránh khỏi. Ngành thể thao phải chuẩn bị trả mức lương từ 10.000 - 20.000USD/tháng, tức là gần 2-3 lần ngân sách theo quy định mới có HLV đẳng cấp. Cần nhìn nhận rằng tiền lương cho chuyên gia cũng là một khoản đầu tư quan trọng đi kèm với mục tiêu HCV ở Asiad hay Olympic. Khi ở tâm thế đó, thì mới có những giải pháp cụ thể nhằm xã hội hóa phần ngân sách chi trả cho HLV nước ngoài tương tự như công tác vận động tài chính để đưa các đội tuyển, VĐV tập huấn, du đấu. Nếu chỉ trông vào mức duyệt chi từ ngân sách nhà nước thì sẽ rơi vào tình trạng “gọt chân cho vừa giày”, mất yếu tố đột phá trong khâu xây dựng chiến lược phát triển các môn thể thao trọng điểm.

Theo YẾN PHƯƠNG (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm